Trong hệ thống tiếng Việt, rất nhiều từ có cùng cách phát âm tương tự như nhau nhưng nghĩa hoàn toàn khác nhau, được gọi là "từ đồng âm khác nghĩa". Trong mỗi hoàn cảnh sẽ có cách dùng các từ đồng âm khác nghĩa riêng. Vì vậy, người dùng cần nắm rõ ngữ nghĩa, nguyên tắc sử dụng để tránh gây hiểu lầm, truyền đạt sai lệch thông tin.
Chẳng hạn như từ "minh tinh" thường dùng để chỉ những nghệ sĩ danh tiếng, như trong "minh tinh màn bạc". Tuy nhiên, nếu chịu khó tra cứu, ta sẽ thấy có những tư liệu định nghĩa "minh tinh" là "dải lụa ghi tên tuổi, chức tước của người đã khuất trong đám tang".
Tại sao lại có sự kỳ khôi như vậy? Cha ông ta muốn nói điều gì khi lấy "dải lụa đám tang" để chỉ các nghệ sĩ, ngôi sao? Chắc chắn ai nghe xong đều thắc mắc, băn khoăn.
Thực tế, từ "minh tinh" chỉ “minh tinh màn bạc” và “minh tinh” chỉ “dải lụa đám tang” là hai từ đồng âm nhưng có nghĩa hoàn toàn khác nhau, và đều là từ gốc Hán.
Từ thứ nhất vốn được tạo thành bởi hai chữ 明星. Trong Từ điển Hán Việt có giải thích:
- 明 (Minh): sáng (như trong "minh bạch", "tường minh").
- 星 (Tinh): ngôi sao.
Về từ "minh tinh" này, cuốn Hán Việt từ điển giản yếu của tác giả Đào Duy Anh có giảng: "Minh tinh: Ngôi sao sáng, tức là kim-tinh (Vénus) - Tay lãnh tụ trong nghệ thuật giới, như điện ảnh minh tinh (étoile du cinéma)".
Trong cuốn từ điển của tác giả Nguyễn Quốc Hùng cũng có ghi nhận tương tự: "Minh tinh: Ngôi sao sáng - Ngày nay chỉ diễn viên điện ảnh nổi tiếng".
Ảnh minh họa.
Còn từ "minh tinh" thứ hai thì được viết là 銘旌. Trong đó:
- 銘 (Minh): Ghi nhớ, khắc chữ vào bia để tự răn mình, ghi chép công đức.
- 旌 (Tinh): Cờ tinh (loại cờ có cắm lông thường dùng khi đi sứ).
Trong Tầm nguyên tự điển của tác giả Lê Bửu Kế có giải thích: "Minh tinh: Một tấm hàng vải hoặc giấy, viết họ tên chức hàm người đã khuất. ta thường gọi là cái triệu". Bên cạnh đó, cuốn Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức cũng ghi nhận: "Minh tinh: Mảnh lụa, vải hay giấy đề danh hiệu hay chức tước người đã khuất trong khi đưa đám ma".
Ngoài ra, trong bài thơ viếng Phan Thanh Giản của Nguyễn Đình Chiểu cũng đã xuất hiện từ này: "Minh tinh chín chữ lòng son tạc, trời đất từ đây mặc gió thâu".
Từ "minh tinh" cũng có xuất hiện trong một vài bài ca dao:
- "Một mai ai đứng minh tinh
Ai phò giá triệu, ai nghinh quan tài".
Hay:
- "Cóc chết lại có minh tinh
Thất nghiệp nằm đình có trống cầm canh".
Tóm lại, bên cạnh "minh tinh" với nghĩa "ngôi sao sáng", thường dùng chỉ diễn viên điện ảnh, chúng ta còn có một "minh tinh" khác, chỉ dải lụa đỏ buộc lên cành tre để ghi tên họ, thụy, hiệu và chức tước của người đã khuất bằng phấn trắng.