Tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ được người ngoại quốc đánh giá là khó học bậc nhất. Từ hiện tượng từ đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa,... người ta có thể nghĩ ra hàng vạn câu đố "hack não" thử thách người chơi. Vậy nên ngay cả người Việt nhiều khi cũng bó tay trước các câu đố hóc búa.
Điển hình nhất phải kể đến dạng đố chữ - một trong những thể loại được đánh giá khó nhưng không kém phần hấp dẫn. Bạn có thể thử ngay trí tuệ bằng câu đố chữ trong chương trình Nhanh như chớp dưới đây:
"Cá gì khó ăn khó uống?".
Nguồn: Nhanh như chớp.
Chỉ trong 5 giây ngắn ngủi, người chơi có câu trả lời là: CÁ SẶC.
Đáp án trên là hoàn toàn chính xác. "Sặc" là tên gọi của một loài cá nhưng cũng là tính từ biểu thị tình trạng ho mạnh và liên tục do vật gì đột ngột làm tắc khí quản. Từ hiện tượng đồng âm, khác nghĩa, chương trình Nhanh như chớp đã sáng tạo nên một câu đố thật hấp dẫn, vui nhộn. Nghe xong đáp án, ai nấy phải bật cười vì chơi chữ lầy lội quá.
Cho những ai chưa biết: Cá sặc là tên gọi thông dụng tại Việt Nam, dùng để chỉ các loại cá trong họ Cá tai tượng và trong họ Cá sặc vện. Đây là loài cá nước ngọt, phân bố ở vùng nhiệt đới phía đông: Thái Lan, Malaysia, Campuchia,… Còn ở nước ta, cá sặc sống ở miền Nam, tập trung chủ yếu tại Cà Mau và Kiên Giang. Loài cá này thích hợp sống ở vùng nước chảy chậm, nơi có thảm thực vật dày.
Cá sặc có tập tính ăn tạp và rất hiền, dễ nuôi nên khi nuôi làm cảnh, cá sặc dễ bị loài cá khác tấn công. Chúng ta có thể cho cá sặc ăn bất cứ loại thức ăn nào, còn trong môi trường tự nhiên thì chúng thường ăn lá cây và không bao giờ ăn cá con. Cá sặc có thể sống đơn lẻ hoặc theo nhóm. Kích thước tối đa của loài cá này là 20cm, trong tự nhiên là 25cm, trong điều kiện nuôi tốt là 18-20cm.
Quốc gia có sản lượng đánh bắt cá sặc lớn nhất là Indonesia (khoảng 21.320 tấn/năm). Cá được bắt bằng lưới hoặc bẫy. Thịt cá có chất lượng tốt, có thể nướng hoặc nấu canh cá. Cá tự nhiên và được nuôi công nghiệp nhằm phục vụ cho ngành thực phẩm và xuất khẩu cá cảnh. Tại Việt Nam, cá sặc đang được phát triển nuôi ở một số vùng. Trong ẩm thực, cá sặc được chế biến khô và làm chả cá.