Câu chuyện vừa buồn vừa giận trong các vụ tai nạn, cháy vừa qua

Bảo Nam |

Mỗi khi có tai nạn, cháy nhà, thiên tai xảy ra mới thấy, dân mình lắm người vừa thiếu cả kỹ năng cơ bản và cũng thiếu luôn cả ý thức.

Tràn ngập trên mạng từ ngày hôm qua là vô vàn những thông tin về vụ cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông. 13 người tử vong, con số quá lớn.

Dưới góc nhìn chuyên sâu của một số nhà báo, nhân vật nổi tiếng, họ chỉ trích về khâu phòng cháy chữa cháy hình như đang rất có vấn đề.

Vài năm trở lại đây, có rất nhiều vụ cháy quán karaoke đã xảy ra. Và cũng chỉ trong vỏn vẹn 2 tháng gần đây, đã có 2 quán karaoke trên địa bàn Hà Nội phát hỏa.

Chúng ta nên nhớ rằng: "Bà hỏa" không phải là thiên tai, địch họa đến mức không thể ngăn chặn được.

Ở Nhật trung bình mỗi năm xảy ra tới 1.500 trận động đất, mà số người chết vì động đất nước họ (trừ những vụ siêu lớn như năm 2011) chưa chắc đã đông bằng số người thiệt mạng vì những vụ cháy ở Việt Nam.

Động đất là thiên tai, ấy thế mà người Nhật có cách giảm thiểu thiệt hại. Còn cháy nhà chỉ là tai nạn và nó hoàn toàn có thể phòng tránh được. Đáng tiếc nó vẫn diễn ra như cơm bữa.

Câu chuyện vừa buồn vừa giận trong các vụ tai nạn, cháy vừa qua - Ảnh 1.

Vụ cháy quán Karaoke trên đường Nguyễn Khang (Hà Nội)

Tuy nhiên, tạm gạt những câu chuyện to tát ấy sang một bên. Điều khiến tôi và có lẽ nhiều độc giả trăn trở hơn cả là thái độ, cách người Việt phản ứng khi xảy ra những vụ việc tương tự như vụ cháy quán karaoke.

Đã không ít lần chúng ta phải chứng kiến những cảnh nghịch lý: Xe cứu hỏa, cứu thương gặp khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường vì lực lượng hiếu kỳ "hóng biến" quá đông.

Đó là một đám cháy, và nó vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khác, dân ta bu vào xem cái gì trong đó?

Phải chăng chỉ vì để có một bức ảnh đăng trên Facebook mà thay vì dẹp đường để xe cứu hỏa dập lửa, xe cứu thương cứu người, dân bu lại, gián tiếp rút ngắn cơ hội được sống của những người đang hoạn nạn hay sao?

Cách đây 2 tháng, vụ cháy quán karaoke ở Nguyễn Khang cũng xuất hiện nhiều cảnh lố lăng tương tự.

Từ trong đám cháy, vài người chạy ra, mặt nhám đen, tâm trạng hoảng loạn, ho sặc sụa. Nhưng chẳng ai tới sơ cứu hay giúp đỡ họ cả. Vì lực lượng hóng biến này còn bận rút điện thoại ra quay, chụp ảnh post Facebook.

Thói quen sống ảo, kết hợp với nhận thức kém, ý thức kém đang biến một lực lượng rất đông trở nên lố bịch trong những hoàn cảnh nhất định.

Câu chuyện vừa buồn vừa giận trong các vụ tai nạn, cháy vừa qua - Ảnh 2.

Hình ảnh gây phẫn nộ trong đám cháy trên đường Trần Thái Tông ngày hôm qua (1/11)

Tôi xin kể một câu chuyện của anh bạn mình: Chứng kiến một chiếc xe máy chạy ngược chiều đâm thẳng vào một cô gái, anh bạn tôi vội vàng chạy tới giúp đỡ.

Sau khi nâng chiếc xe đang đè lên chân cô gái, hỏi han vài câu và để cô định thần, anh bạn tôi quay sang nói chuyện phải trái với thanh niên chạy ngược chiều.

Tuy nhiên, cậu thanh niên không hối lỗi mà tỏ thái độ thách thức, gây sự. Lúc đó ở bên đường cũng xuất hiện vài người dân khác.

Nhưng thay vì thấy chuyện bất bình ra tay tương trợ, họ chỉ lăm lăm điện thoại trên tay, bật sẵn chế độ quay phim.

Họ đang chờ anh bạn tôi và gã thanh niên ngổ ngáo kia đánh nhau để có một đoạn clip nóng trên mạng. Rốt cuộc anh bạn tôi bỏ đi, một người dân còn nói với theo: "Ơ thế không đánh nhau à? Mất công hóng".

Câu chuyện vừa buồn vừa giận trong các vụ tai nạn, cháy vừa qua - Ảnh 3.

Trong nhiều vụ tai nạn, thay vì nghĩ cách cứu người gặp nạn thì nhiều người lại dùng điện thoại quay chụp, "hóng biến". (Ảnh minh họa)

Một vụ va chạm giao thông nhỏ, nhưng đó lại chính là hình ảnh đại diện cho sự lệch lạc, biến chất của xã hội hiện nay: Những thanh niên coi luật pháp như trò đùa và những người, mà tất cả những gì họ chờ đợi, là "biến căng cực".

Xã hội chúng ta sẽ đi đến đâu nếu ai cũng chỉ vì hóng biến mà làm ngơ trước những hành vi sai pháp luật, và tệ hơn là cản trở cơ hội được sống của những người hoạn nạn?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại