Câu chuyện về cái chạm ngực đầu tiên – thấy tình yêu và một khối u

Hoàng Xuân |

Không hiểu sao tôi thấy Midori - cô kỹ sư điện tử biết đá banh - lại có nhiều nét giống mẹ Cám đến vậy: Đều rạng ngời hạnh phúc, luôn vui tươi hết mình. Và chung nhất, cuộc đời họ đều là những câu chuyện lạ lùng đến mức khó tin.

Câu chuyện về cái chạm ngực đầu tiên – thấy tình yêu và một khối u

Câu chuyện về cái chạm ngực đầu tiên – thấy tình yêu và một khối u - Ảnh 2.

Một buổi tối, cô gái ấy nghe điện thoại xong thì bực mình nói với đứa cháu vừa đến chơi: "Cháu chờ một tí. Dì ra đầu hẻm chia tay với cái chú này cái đã".

Chia tay với người yêu mà như đi mua ly trà đá ấy!

Cơ mà gặp phải đối tác cao chiêu, cô ấy chia đi chia lại mãi chẳng được. Đã thế còn tự hại, mỗi lần đòi chia lại một lần thấy người này sao cần thiết với mình đến thế.  Sau đó…

 Sau đó, hình như là chuẩn bị về ra mắt ba mẹ hai bên rồi.

Thực ra cô nàng chẳng phải thực bụng muốn chia tay. Mà vì một lý do rất vĩ đại tiểu thuyết. Lúc ấy nàng vừa phát hiện bị ung thư vú.

Câu chuyện về cái chạm ngực đầu tiên – thấy tình yêu và một khối u - Ảnh 3.

"Cầm trên tay tờ kết quả xét nghiệm, mình đứng giữa sân bệnh viện mà mặt mày sa sẩm, mắt cứ hoa lên, nhìn cái gì cũng mờ mờ, chỉ nghĩ là phải lên bàn mổ chứ chẳng biết gì nữa, chẳng nghĩ được cái gì nữa" - sau này, Midori kể lại.

Người chia sẻ đầu tiên không phải là mẹ. Ba đã qua đời, mẹ ở xa, biết tin sẽ càng lo lắng. Nhốt chặt cuồng phong bão tố trong lòng một thời gian, người nàng chia sẻ đầu tiên là anh chàng đeo kính cận, ít nói nhưng nói câu nào chết người câu nấy, lại hay tủm tỉm cười.  Nhưng chia sẻ là để bảo chàng biết, từ nay nàng quyết noi gương những anh hùng trong tiểu thuyết, khi biết mình mắc căn bệnh trầm trọng nào đó là lặng im chia tay người yêu, để cho người ta dứt khoát tìm người yêu khác.  

Em đã thoải mái đi gặp bạn bè, đi tung tẩy khắp nơi với mái tóc cũn cỡn của mình

Để tình trạng sức khỏe của mình không ảnh hưởng đến tương lai của người kia. Nhất là lịch trình điều trị ung thư khá dài, mổ rồi nhưng năm năm sau còn phải uống thuốc. Chuyện lập gia đình và có con, với Midori lúc ấy là hết sức xa vời.

Nhưng, chàng là dân kỹ thuật, nên với những giai thoại văn học như thế, chàng có vẻ không hào hứng mấy (may quá). Đã thế còn mếu máo: "Anh không biết đâu. Em còn phải sinh con gái cho anh nữa chứ".

Rầm! Nàng gục ngã.

Thế là một câu chuyện tình tiếp nối.

Midori (cô ấy muốn gọi mình như thế. Midori trong tiếng Nhật là màu xanh -tượng trưng cho hy vọng. Vì sao chọn tiếng Nhật, à, đó là thứ tiếng cả hai đang cùng học để nâng cao chuyên môn).

Câu chuyện về cái chạm ngực đầu tiên – thấy tình yêu và một khối u - Ảnh 5.

Chỉ 3 tuần sau khi có kết quả xét nghiệm đầu tiên, Midori đi mổ. Rồi  tuần tự thực hiện liệu trình chữa trị. Hóa trị, xạ trị, mái tóc dài rụng dần, khi cái đầu rụng hết tóc trông giống như quả bưởi cũng chính là lúc tình yêu của Kính cận thực sự chinh phục cô kỹ sư điện tử, giảng viên giỏi giang, ham chơi đá bóng và có giọng nói thủ thỉ ngọt ngào này.

Khó tin suốt cả một quá trình hóa trị, xạ trị như vậy, cô chỉ nghỉ làm đúng một hôm đi hóa trị. Thể chất mạnh khỏe vì thường xuyên chơi thể thao trước đây giúp Midori vượt qua những cơn nôn, đau mệt, nhức mỏi… dễ dàng hơn người khác. Nàng vẫn đi làm, đi dạy, đi bơi, đá bóng ở đội bóng nữ công ty (Midori là kỹ sư công nghệ). 

Vì, kẻ thù lớn nhất của bệnh ung thư là một tinh thần vui tươi và chấp nhận thì nàng đã có. Nàng có, không chỉ một chỗ dựa yêu thương, săn sóc luôn bên cạnh, hiểu và yêu nàng còn hơn chính nàng, mà còn rất nhiều niềm vui, sự chia sẻ, những quan tâm và háo hức khác trong cuộc đời.

Câu chuyện về cái chạm ngực đầu tiên – thấy tình yêu và một khối u - Ảnh 6.

Một năm trôi qua từ khi Midori cầm trên tay kết quả xét nghiệm. Cũng đã ba bốn tháng từ khi cầm trên tay giấy ra viện. Cô gái ấy, và chàng trai của cô, cùng những bạn bè, đồng nghiệp, niềm ham thích thể thao, những niềm vui khác trong đời sống và nghề nghiệp, vẫn đang khỏe mạnh và hạnh phúc.

Câu chuyện về cái chạm ngực đầu tiên – thấy tình yêu và một khối u - Ảnh 7.

Nguyễn Thị Phượng - hay Mẹ Cám - như người phụ nữ 30 tuổi này tự nhận, thực sự là người từ cõi chết trở về.

Câu chuyện của cô, hầu như điều dưỡng, BS nào ở BV Y học dân tộc TP HCM cũng biết.

Cách đây ba năm, Phượng đưa mẹ xuống Sài Gòn khám bệnh. Sau khi xét nghiệm, bà bị kết luận ung thư phổi giai đoạn 3. Điều trị một thời gian, bà quá yếu nên đòi về nhà.

Đang chuẩn bị hành lý đưa mẹ về thì Phượng ngất xỉu. Một cô điều dưỡng đang chăm sóc mẹ Phượng đề nghị cô cũng đi khám xem sao.

Câu chuyện về cái chạm ngực đầu tiên – thấy tình yêu và một khối u - Ảnh 8.

Kết quả làm cả 3 rụng rời: Phượng bị ung thư vú, di căn, đã đến giai đoạn cuối.

Vài tháng sau, Phượng điều trị ung thư vú, nhưng cơ thể không đáp ứng thuốc.

Trước thời điểm phát hiện  bệnh, hai mẹ con Phượng sống bằng nghề đập đá thuê-đeo khẩu trang cầm cái búa suốt ngày ngồi đập vụn đá ra cho người ta làm vật liệu xây dựng. Công việc nặng nhọc và độc hại, nhưng thu nhập không thấp, trung bình 15 triệu-20 triệu đồng/tháng. Cao nhất đến 25 triệu. Ở vùng nông thôn xa của Bình Phước, số tiền đó là trong mơ. Một mình Phượng có thể lo cho mẹ và em trai đi học đại học, lúc đó.

Nhưng khi cả hai mẹ con đều phát hiện bệnh, trong nhà rối tung. Số tiền không đủ để họ cùng điều trị. Phượng cũng không dành dụm mấy vì khi có tiền, người thân cần gì cô đều cho.

Ban đầu, Phượng nói dối mẹ: "K vú có nghĩa là không có gì ở vú hết, không có bệnh".

Đến khi Phượng bắt đầu bị rụng tóc, mẹ mới biết.

"Buồn cười nhất là vì em dối mẹ em, nên có lần mẹ em cãi nhau với một bà trong phòng bệnh là mẹ không bị ung thư, chỉ có K phổi tức là không có gì ở phổi thôi, chứ không phải ung thư. Bà thật thà nên cũng lấy hồ sơ bệnh ra cho người ta xem, người ta mới giải thích K là ung thư đấy, bà bị ung thư!

Lúc ấy mẹ em quẫn lắm, sợ bệnh nặng thành gánh nặng cho con cái vì nhà mình nghèo. Đi đâu ở trên lầu cao em với mợ em cứ phải giữ chặt vạt áo  túm mẹ em lại, không mẹ nhảy lầu ở BV Phạm Ngọc Thạch mất."

Toàn bộ số tiền chữa trị cho hai mẹ con giờ trút lên vai đứa em trai, đã tốt nghiệp đại học và đi làm ở một công ty tốt. Nhưng một biến cố lớn xảy đến khiến nguồn thu nhập của em cũng không còn nữa, ngoài ra còn thêm rất nhiều phiền muộn.

Hai mẹ con và hai đứa trẻ sống bằng tiền vay mượn, tiền bán trái cây ít ỏi trong nhà, và sau này là tiền Phượng tập tành bán trái cây lặt vặt trên mạng mà có.

Phượng chuyển sang BV Y học dân tộc để chăm sóc giảm nhẹ. Nói văn hoa, đó là giảm bớt đau đớn cho người bệnh, trong những ngày sắp chết.

Cô cầm cự bằng uống thuốc nam và morphin giảm đau.

Đầu 2017, Phượng bắt đầu xạ trị khối u di căn trong não.  Được 15 lần thì chân em bị liệt.

"Đêm đó, em nằm liệt giường, mắt không mở được nhưng vẫn nghe biết hết. Bác sĩ tưởng em hôn mê nên nói cho các bạn em ngay bên giường là nên đưa về để gặp con, nó bị phù não rồi, không còn khả năng cứu nữa rồi. Lúc đó em nghĩ không được gặp con nữa rồi lại sợ run lên, chỉ muốn về với con để tạm biệt con lần cuối".

Trong sự kinh ngạc của bác sĩ, hôm sau Phượng tỉnh lại.

Câu chuyện về cái chạm ngực đầu tiên – thấy tình yêu và một khối u - Ảnh 10.

"Lúc em bị liệt, mỗi lần về nhà bạn bè phải dìu vào. Bọn trẻ con thấy mẹ thế nó sợ lắm. Em không muốn thế. Em muốn bao giờ em về nhà cũng phải tự đi được, mạnh khỏe, cho con mình nó vui, nó không sợ, để cho người nhà không phải lo, để cho mẹ em không phải suy sụp. Vì vậy em quyết tâm phải tự tập đi".

Cô gái kiên cường bíu vào thanh vịn dọc hành lang BV tập đi từng bước một.

"Nhiều lúc buồn quá, ngồi xoài ra khóc, khóc xong rồi lại đi tiếp. Em nản lắm, muốn bỏ cuộc lắm vì mỗi lần bước đi là như dao nó đâm vào tim một cái. Nó đau quá, em xỉu, bác sĩ khiêng vào cấp cứu.

Cấp cứu xong, ngày hôm sau em lại tập đi tiếp. Lại xỉu, bác sĩ lại khiêng vào cấp cứu. Nghĩ lại thời gian đó thật là sợ".

Cản mãi không được, cứ thế, người bệnh chung quanh quá quen với sự kiên gan lì lợm của cô gái mỏng manh gầy nhom. Thấy Phượng ra tập đi là họ ngồi nhìn, chuẩn bị tinh thần xốc cô vào phòng cấp cứu.

Tập đi được 6 -7 tháng sau, đến sinh nhật Phượng vào tháng 10.

Nhưng ngay từ tháng  9, những người bạn cùng bệnh tổ chức sinh nhật sớm cho Phượng để em ra đi cho thanh thản. Nghe thật rùng rợn, thật lạnh lòng. Nhưng những câu chuyện về người bệnh ung thư đều lạ lùng như vậy. Không ai hiểu sâu sắc mỗi ngày mở mắt ra còn thấy mặt trời là một ngày lãi của họ. Không ai nghĩ Phượng còn sống được.

"Thực ra bên ngoài nói không sợ chết, nhưng bên trong em nhiều lúc cũng sợ phát run lên. Lúc em còn liệt mà không cử động được, khi nằm một chỗ, một mình, cái cơn sợ chết nó lên. Hàng ngày cứ thấy bạn mình vác chiếu khiêng xuống. 

Tim thắt lại không thở được, lúc đó chỉ muốn uống thuốc tự tử để thoát khỏi cái cảnh sợ chết, đau đớn như thế này. Có những lúc nghĩ mình như người tử tù, mong xin được xử sớm mà không được, vì sợ cảnh cái chết đứng gõ cửa rồi lại đi, đêm hôm sau lại đến gõ cửa".

Thái độ quyết sống, niềm vui từ những thành quả nho nhỏ hàng ngày, sự yêu thương, sự động viên mỗi ngày bên cạnh đã góp phần làm nên kỳ tích cho Phượng. Sau lần sinh nhật ấy, Phượng bỏ gậy, tự đi được một mình.

Hơn nửa năm sau đêm sinh nhật có một không hai đó, bây giờ trước mặt tôi là cô gái nước da hồng hào và đôi mắt nâu to trong suốt đẹp lạ lùng. Chẳng ai ngờ một thể xác đã được quyết định trả về nhà để chờ chết, nay lại ngồi được sau xe máy đi suốt hơn trăm cây số từ Sài Gòn về Bình Phước, trèo cây hái trái, đêm đến thì đốt lửa chơi với đám trẻ con trong xóm. 

Phượng trong một dự án người bệnh ung thư chụp ảnh thời trang cho một thương hiệu trang phục, tháng 4/2018

Cô đi nơi này nơi nọ trong bệnh viện, đùa với người này một câu, giúp người kia một tay. Rồi tập yoga, đi Đà Lạt, đi Vũng Tàu chụp ảnh giới thiệu niềm vui sống của người bệnh ung thư, tham gia đủ mọi hoạt động cả xa lẫn gần của nhóm cho các hoạt động cộng đồng… Phượng đã sống và đang sống, mạnh mẽ hơn, hạnh phúc hơn rất nhiều lần.

Phượng là bằng chứng sống, là tấm gương bằng xương bằng thịt hàng ngày cho những người bệnh đang nghĩ cuộc đời mình thế là chấm hết. 

Thật trái khoáy, nhưng quãng đời phát hiện ung thư đã biến cô từ một cô gái quê mùa và ít học, lấy chồng từ 18 tuổi, hàng ngày cùng mẹ mưu sinh bằng lao động chân tay nặng nhọc, bị trọng bệnh, chồng tàn nhẫn bỏ đi để mặc hai con cho vợ nuôi, đã trở thành người phụ nữ độc lập, hiểu biết hơn rất nhiều, mê đọc sách, có bạn bè ở khắp nơi, nhiệt tình với cộng đồng. Và đặc biệt, xinh đẹp hơn gấp bội.

***

Bác sĩ Phạm Lương Giang (Massachusett, Mỹ) viết trong một loạt bài về những bí quyết giữ sức khỏe và phục hồi cho người bệnh ung thư, nhấn mạnh riêng trong một bài viết về sức mạnh tinh thần. Không phải là cái gì ghê gớm khó làm, chỉ là cảm giác không cô đơn, được chia sẻ, có chỗ nương tựa, có mục đích để ngày ngày cố gắng đạt được, có những niềm vui tự tạo ra mà không phải lệ thuộc người khác và giàu nghèo đều làm được, như chơi thể thao, chơi nhạc, trồng rau, trồng hoa, nấu nướng, làm thủ công, nghiên cứu, học tập… Bất cứ việc gì có thể lấy đi khoảng thời gian nhàn rỗi buồn thối ruột và thối rữa cả thân xác lẫn trí óc, bất cứ việc gì có thế khiến cho thân xác và trí óc hoạt động mê say và đều đặn.

Tình cờ, những người tôi đã gặp và kể lại cho bạn ở câu chuyện vừa đọc chưa hề biết nhiều những nghiên cứu khoa học sâu xa khi họ gặp sự cố mang cái tên ung thư trong đời mình, nhưng họ chính là bằng chứng xuất sắc của những nỗ lực nghiên cứu đó, và trở thành nguồn động viên thật sự cho những người đang còn hoang mang.

Cuộc đời có thể ném vào mặt bạn một quả chanh. Những người tôi biết đã thêm một muỗng đường và biến nó thành ly nước mát lạnh cho-không chỉ riêng cuộc đời mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại