Trong phòng cấp cứu, xung điện làm người bệnh giật lên nhiều lần, nhưng tim không hoạt động lại. Bác sĩ nhìn đồng hồ: "Mười phút rồi! Não không còn hoạt động… Anh ta đang ở thế giới bên kia…".
Sai lầm này khiến hàng trăm nghìn người vĩnh viễn ra đi trong khi y học còn có thể cứu sống họ.
"Không biết ở Hollywood ra sao, chứ ở bệnh viện chúng tôi, mọi chuyện không kết thúc nhanh như vậy".
Giáo sư Rant Bagdasarov khẳng định: "Việc cấp cứu vẫn tiếp tục khoảng trên dưới một tiếng đồng hồ sau khi tim đã ngừng đập. Đạo đức nghề nghiệp buộc chúng tôi phải hồi sức cho bệnh nhân dẫu người đó chỉ có thể sống lại thêm vài giờ nữa".
"Nếu người bệnh đã qua thời điểm đó trên một tiếng rưỡi đồng hồ hoặc bị chấn thương không thể cứu sống, hoặc bị bệnh hiểm nghèo ở giai đoạn cuối thì bệnh viện mới không tiến hành hồi sức cấp cứu.
Ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, đến mức không một bác sĩ nào đủ thẩm quyền xác định xem người bệnh có thể còn cứu được hay không.
Thực tế y học cho hay, khi người bệnh trút hơi thở cuối cùng, trái tim ngừng đập, điện tâm đồ chạy thành một vạch thẳng tắp, vẫn chưa thể khẳng định rằng người đó đã chết.
Nhiều bác sĩ không nhất trí với khái niệm "cái chết lâm sàng". Theo họ, khi bệnh nhân bị coi là chết lâm sàng, thực tế anh ta vẫn còn sống, chỉ có điều y học chưa hiểu được trạng thái đặc biệt đó của sự sống mà thôi.
Chết lâm sàng hay giấc ngủ lạ?
Giáo sư Rant Bagdasarov đã dành 29 năm để nghiêm cứu về "cái chết lâm sàng" và có thể khẳng định với đầy đủ luận cứ khoa học rằng chỉ khi các mô và tế bào của cơ thể bắt đầu tan rã, không phục hồi được mới có thể coi là người chết đã chết.
Tim ngừng đập, não ngừng hoạt động chỉ là một sự cảnh báo về nguy cơ chết. Trong lúc đó, cơ thể vẫn sống trong trạng thái "chờ đợi" xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Nếu có những tác động y khoa đúng đắn, cơ thể có thể thoát ra khỏi trạng thái "chờ đợi" đó đã bị hiểu lầm là "cái chết lâm sàng".
Bagdasarov nói: "Tôi đã từng chứng kiến nhiều cuộc hồi sức cấp cứu như sau: Tim bệnh nhân ngừng đập nhiều lần. Mỗi lần xung điện làm nó hoạt động trở lại, bệnh nhân đều gắt lên: Để yên cho ngươi ta ngủ nào!".
Có lẽ cái chết lâm sàng hay trạng thái chờ đợi chỉ là một giấc ngủ đặc biệt. Người bệnh có thể "thức dậy" hoặc "yên giấc ngàn thu"… Vấn đề chỉ còn ở trách nhiệm của các bác sĩ: Đánh thức được anh ta dậy hay để anh ta ra đi vĩnh viễn.
Chết lâm sàng: Linh hồn đi về đâu?
"Tôi bống thấy không còn đau đớn trong lồng ngực nữa. Người tôi nhẹ tênh, nổi phình trên trần nhà, phía sau các chụp đèn phủ đầy bụi. Tôi phát bực mình, sao phòng mổ lại bẩn thỉu thế!
Phía dưới, các bác sĩ đang loay hoay quanh một xác chết. Phải mất một lúc tôi mới hiểu, đó chính là cái xác của tôi…", chị Marline, một bệnh nhân chết lâm sàng kể lại.
Marline kể tiếp: "…Nhưng tôi không hề hoảng sợ mà lại thấy sung sướng và tự do. Một đường hầm sâu hun hút với ánh sáng chói lòa ở cuối đường như mời gọi.
Tôi đã định lao vào đó, nhưng còn muốn nhìn xuống dưới lần cuối: Tòa nhà trong suốt như đúc bằng pha lê vậy. Có mấy người đang sụt sùi khóc. Đó là chồng và các con tôi.
Tôi nói: Tạm biệt! Nhưng không ai nghe thấy. Bỗng tôi sực tỉnh: Mình không thể bỏ mặc các con ai sẽ nuôi dạy chúng…".
Câu chuyên trên chỉ là một trong hàng nghìn trải nghiệm do những bệnh nhân chết lâm sàng kể lại. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, thì 6% số bệnh nhân cảm thấy vui sướng khi tim ngừng đập.
69% được xem lại toàn bộ cuộc đời trước đó như trong một cuốn phim tua nhanh. 44% thấy mình bay trong đường ống. 72% thấy người thân đã mất hoặc các thiên thần nói với họ rằng chưa nên chết vội. 19% khẳng định đã nhìn thấy địa ngục, phần lớn trong số này là những người tự sát.
Cho đến nay, các nhà khoa học phương Tây vẫn chưa thống nhất: Vì sao người ta có thể nhìn được sau khi đã chết? Một số ý kiến cho rằng, đó là vì não bộ vẫn còn sống sau khi tim ngừng đập. Nhưng vì không được cung cấp oxy nên người bệnh rơi vào trạng thái mê sảng.
Nhiều người khác lại khẳng định đó là kết quả của hiệu ứng tràn hooc-môn dự trữ vào thời điểm tim ngừng đập. Vài nhóm khoa học khác lại cho rằng: ý thức vẫn tiếp tục sống, ngay cả khi cơ sở vật chất của nó là não bộ đã chết (điều này trùng với quan điểm của các tôn giáo lớn trên thế giới).
Ranh giới giữa sự sống và cái chết?
Chết lâm sàng là một trong những hiện tượng khó giải thích nhất trong y học hiện đại. Đó là sự "ra đi" nhưng lại bị níu kéo "trở về", hay đơn giản là khoa học chưa xác định được đúng ranh giới giữa việc còn sống và đã chết?
Giáo sư Bagdasarov nói: "Sai lầm của tất các các nhà nghiên cứu là họ đã liên tục hỏi người bệnh ngay khi họ trải qua cái chết lâm sàng. Anh ta phải trả lời những câu hỏi theo mẫu định trước, trong khi còn chưa kịp tỉnh táo để hiểu điều gì đã xảy ra".
Kết quả là họ thu được một bản dịch những cảm giác của người bệnh trong quá trình tỉnh lại, được diễn đạt bằng ngôn ngữ thông thường với các đường ống, ánh sáng chói lòa… tức là y hệt như trong Kinh Thánh.
Tuy nhiên, những bệnh nhân vô thần lại không thấy gì cả thậm chí không nhớ nổi điều gì đã xảy ra sau khi chết lâm sàng.
Bagdasarov nhận xét: "Như thế là đã rõ: Khi hồi tỉnh, não bộ rà soát nhanh lại toàn bộ nhớ, vì vậy những gì bệnh nhân kể cho các nhà khoa học chỉ là điều được ghi nhận trong não bộ của họ từ trước, không hơn không kém".
"Chúng tôi đã từng nghiên cứu hơn 20 bệnh nhân ngoại đạo tỉnh lại sau khi bị ngất. Họ cũng kể về những cảm giác nhẹ bẫng, về đường ống, ánh sáng chói lòa, thân nhân, thiên thần… mặc dù rõ ràng người bị ngất chưa ở ranh giới sự sống và cái chết, cũng như không thể thấy được thế giới bên kia.
Điều đó khẳng định thêm quan điểm về sự rà soát nhanh bộ nhớ trong quá trình bệnh nhân tỉnh lại, dù bị ngất hay chết lâm sàng.
Kết luận này khiến chúng tôi phải đặt lại câu hỏi: Vậy bản chất của chết lâm sàng là gì? Ranh giới giữa sự sống và cái chết như hiện nay chúng ta vẫn tin tưởng đã chuẩn xác chưa?...", Bagdasarov nói.
Ảnh: Internet
Nguồn sưu tầm: Cuốn: "Bí ẩn của nhân loại", từ trang 47 đến 51 - NXB: Từ điển Bách khoa.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.