Câu chuyện đang gây bão MXH: Con "bị" 7 điểm Toán, mẹ có hình phạt khiến con mỗi lần nhìn món sườn om là ám ảnh

Hiểu Đan |

"Mình chỉ mang máng nhớ là mặt mình nóng bừng, xấu hổ, thấy bản thân cực kỳ kém cỏi".

Khi con mắc lỗi, nên phạt con ra sao? Chắc hẳn là cha mẹ, ai cũng đã từng đặt ra câu hỏi này và câu trả lời thì không phải ai cũng như nhau. Người thì ủng hộ khuyên bảo nhẹ nhàng, người quan niệm "thương cho roi cho vọt". Ai cũng có lý lẽ của riêng mình.

Nhưng, là cha mẹ, bạn đã từng áp dụng một hình phạt: Không đau đớn, không mắng nhiếc, đánh đòn... nhưng lại để ấn tượng cực kì sâu sắc như bà mẹ dưới đây chưa? "Vì con được 7 điểm Toán, nên con không xứng đáng được ăn món ngon hơn". Từ đó về sau, mình luôn cảm thấy món sườn om không ngon, rất khó nuốt" - Đây là câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý những ngày gần đây.

Một cư dân mạng kể câu chuyện năm 9 tuổi: "Thi giữa kỳ lớp 4, môn Toán mình được 7 điểm, mình rụt rè báo điểm cho mẹ khi mẹ nấu cơm. Mình còn nhớ rõ, lúc ấy mẹ đang làm sườn chua ngọt, món mình rất thích. Nhưng thái độ mẹ hoàn toàn thay đổi ngay sau khi biết được điểm số của mình, và trưa hôm ấy, mình cũng không được ăn miếng sườn chua ngọt nào cả. Mẹ phạt mình, bằng cách tước đi quyền của một đứa trẻ được ăn món nó thích. Mẹ phạt mình, bằng cách đổi món sườn chua ngọt, thành sườn om.

Mình chỉ mang máng nhớ là mặt mình nóng bừng, xấu hổ, thấy bản thân cực kỳ kém cỏi. Chỉ nhớ sau này, mình không dám mang điểm 7 toán về nhà một lần nào nữa, cũng rụt rè hơn khi báo điểm cho mẹ.

Bây giờ, lớn rồi, có lần mình ngồi với mẹ, kể lại chuyện này.

Câu chuyện đang gây bão MXH: Con bị 7 điểm Toán, mẹ có hình phạt khiến con mỗi lần nhìn món sườn om là ám ảnh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Mình bảo lúc đấy con thực sự có thể khóc luôn trên bàn ăn, cũng có thể vùng vằng đứng dậy, nhưng con không làm thế. Con biết là con sai khi mình chưa cố gắng đủ, con phải chịu hình phạt cho điều này. Bố hay đánh mỗi khi con làm sai, nhưng con không thấy đau. Duy có lần phạt này của mẹ, là con đau nhất.

Mẹ im lặng, xoa tóc mình, không nói. Lúc sau, mẹ khẽ bảo "hồi xưa mẹ ghê gớm nhỉ". Mình biết, đấy thực chất là một lời xin lỗi. Là mẹ biết mẹ đã làm mình đau rồi, mẹ biết cách mẹ phạt mình có thể sẽ khiến mình tiến bộ hơn, nhưng cũng có thể tạo ra trong mình một vết sẹo. Sâu lắm".

"Cách phạt "đau" nhất chưa hẳn là đòn roi"

Nhiều người nhận định, phạt một đứa trẻ bằng cách tước đi món ăn yêu thích là một sự tàn nhẫn. Và càng nhẫn tâm hơn khi nguyên nhân chỉ là "bị" điểm 7 môn Toán. Có nghĩa đứa trẻ không phải làm điều gì sai nghiêm trọng, chỉ là điểm số không như kỳ vọng của gia đình.

Tuy nhiên, bà mẹ trong câu chuyện này vì áp lực thành tích mà phạt con. Một hình phạt không đòn roi nặng nề nhưng lại khiến đứa trẻ ghi nhớ như một vết sẹo lâu năm khó phai mờ. Cách phạt "đánh" vào tinh thần này còn ghê gớm hơn là đánh vài roi đau để nhớ.

Tuy nhiên, luồng ý kiến khác nhận xét, hình phạt này chẳng có gì nặng nề đến mức "ám ảnh" cả. Sau này khi trưởng thành, ra xã hội, đời còn "vả" cho đau gấp tỉ lần, mẹ phạt vậy là quá nhẹ nhàng. Nếu biết đấy là món mình thích và mẹ vất vả đi làm lo toan trăm bề vẫn luôn cố gắng dành thời gian nấu vì mình, thì hãy cố gắng để xứng đáng với nỗ lực đó của mẹ.

Họ cho rằng, bản thân đã trải qua tuổi thơ với bố mẹ vô cùng nghiêm khắc và kỳ vọng nhiều ở con. Ngày trẻ họ từng trách mẹ về điều đó, cho rằng mẹ làm tổn thương mình. Nhưng càng lớn, càng thêm tuổi càng nhận ra mẹ đã khổ, đã vất vả vì mình như thế nào. Còn nhiều trẻ em ngày nay quá mong manh, dễ vỡ, không chịu nổi dù một chút áp lực.

"Thấy bóng dáng mình trong người mẹ này. Nhưng tất cả những người mẹ hết lòng vì con, mong chờ sự tiến bộ của con thì mình nghĩ đổi từ sườn chua ngọt sang sườn om cũng không phải là hình phạt quá nặng. Vì đã là món ưa thích thì chắc chắn không phải lần đầu con được ăn mà mẹ đã từng nấu cho con nhiều lần. Nếu lần này không được ăn sẽ có lần khác" , một phụ huynh bày tỏ ý kiến.

Trên thực tế, chuyện phạt con bằng những cách "độc lạ" không phải hiếm. Trước đó, câu chuyện về cách phạt con được chia sẻ trên mạng xã hội của một chuyên gia giáo dục độc lập ở Hà Nội đã gây ra nhiều tranh cãi.

Được biết, 17 năm trước, cô con gái của vị chuyên gia có sở thích gọt bút chì, một tuần đã gọt hết nguyên hộp. Thế rồi một ngày, chuyên gia này thủ thỉ với con, rằng có người mời 2 mẹ con đi đám cưới. Đây là đám cưới đặc biệt với rất nhiều đồ ăn ngon, kèm bóng bay, chú hề và 7.749 thứ khác như ngày hội.

Con gái của vị chuyên gia tâm sự: "Mẹ gieo cho tôi hy vọng chuẩn bị được đi dự đám cưới đấy. Nhưng đến ngày đó, mẹ chuẩn bị đi và tuyên bố tôi bị phạt phải ở nhà với ngoại. Thấy tôi bắt đầu chết trong lòng 1 ít, mẹ tôi thêm câu: "Ui tiếc thế! Đi đám cưới là thích nhất, vui nhất, không được đi thà chết còn hơn". Cô con gái cũng cho rằng, lời nói của mẹ như nghìn dao đâm vào tim đứa trẻ 6 tuổi, "là nỗi đau lớn nhất". Chưa kể, về nhà mẹ còn kể đám cưới đó siêu ngon, siêu vui làm em càng "chết tâm".

Nói về hình phạt của mình năm xưa với con, vị chuyên gia nhận xét: "Đây là lời than thở của con tớ về 1 hình phạt mà 17 năm sau nó vẫn nhớ như in. Phạt không đau người (không đánh đập), không đau tim (không xúc phạm, chì chiết), mà chỉ đau lòng (tiếc nuối) nhưng hiệu quả khỏi nói luôn".

Cách dạy con của chuyên gia này thổi bùng tranh cãi dữ dội. Những người phản đối nhận định, hành động "ăn miếng trả miếng" đã gây tổn thương tâm lý của một đứa trẻ 6 tuổi, khiến em nhớ mãi tới 17 năm sau, "khóc suốt cả năm trời" vì mẹ đem khoe chiến tích với các lớp học, điều này không có gì đáng tự hào. Vết thương ngoài da lành rồi còn để lại sẹo, vết thương tâm lý của 1 đứa trẻ thì rất khó lành.

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh: Đừng trừng phạt mà hãy kỷ luật một cách tích cực

Nói về vấn đề phạt khi con làm sai, chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho rằng, giáo dục kiểu trừng phạt sẽ có thể đem tới một đứa trẻ nhút nhát, thu mình, không tự tin và không tin bất kỳ ai trên thế giới này.

Phạt cho hiệu quả là để đứa trẻ hiểu hành vi của mình chưa đúng ở đâu, rồi từ đó sẽ tự hiểu để không làm nữa, chứ không phải gây hoảng loạn rồi khiến con sợ hay ám ảnh. Nhiều người nghĩ trẻ con không biết gì và không bị tác động. Với trẻ ít nhạy cảm thì có thể không sao, nhưng trên thực tế, đa phần các trẻ đều dễ tổn thương nên phạt kiểu "trả đũa" có thể để lại trong lòng trẻ sự oán ghét.

Thay vì trừng phạt, cha mẹ có thể sử dụng các kỹ thuật kỷ luật tích cực. Ví dụ, có thể chuyển hướng con sang một hoạt động khác khi con đang làm điều gì đó tiêu cực, như giới thiệu một món đồ chơi, hoạt động khác. Với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể thảo luận thêm về những điều con có thể và không nên làm. Cha mẹ hãy tận dụng mọi cơ hội để khen ngợi cụ thể hành vi tốt của trẻ hoặc khi trẻ có sự cải thiện dù rất nhỏ.

Nếu muốn tương tác ngay cả khi con làm sai điều gì đó, các phụ huynh có thể cùng ngồi xuống với con. Sau đó, cùng con đọc một cuốn sách hay. Khi con đã bình tĩnh, cha mẹ có thể thảo luận với trẻ về những lựa chọn tốt hơn cho lần sau.

Bên cạnh đó, phụ huynh nên giảm bớt kỳ vọng để các con được thoải mái. Hoặc khuyến khích con cố gắng hết sức để tốt hơn so với bản thân trong quá khứ, thay vì so sánh với bạn bè cùng lớp. Bạn nên thể hiện tình yêu với con, ngay cả khi các em nhận điểm kém. Bằng thái độ thoải mái, cởi mở, bạn hãy khuyến khích con chia sẻ những lý do dẫn đến việc học tập kém hiệu quả. Từ đó, cùng tìm hướng giải quyết và cải thiện vấn đề.

Việc phụ huynh la mắng, chì chiết trẻ vì bị điểm kém sẽ không thúc đẩy các em tiến bộ. Ngược lại, nó khiến trẻ vừa áp lực vì điểm số, vừa căng thẳng khi phải chia sẻ tiến độ học tập với gia đình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại