John Edward Jones là cái tên mà mỗi lần nhắc đến nhiều người vẫn không khỏi ám ảnh bởi câu chuyện của anh. Một thanh niên có niềm đam mê mãnh liệt với khám phá hang động. Để rồi, chính trò mạo hiểm ấy đã cướp đi mạng sống của anh.
John ra đi để lại người vợ trẻ, con thơ 13 tháng tuổi và một đứa con mà anh còn chưa kịp nhìn mặt. Không những thế, câu chuyện của anh còn trở thành bài học đắt giá cho những ai ưa mạo hiểm, thích khám phá hang động.
Hình ảnh John Edward Jones và vợ.
Tuổi thơ gắn liền với... những cái hang
Từ khi lên 4 tuổi, John đã dành hầu hết thời gian để khám phá các hang động cùng cha. Thậm chí, anh còn được vào vai nạn nhân bị mắc kẹt trong hang để được đội cứu hộ Utah Cave Rescue - một nhóm mà cha anh thành lập - giải cứu.
Với chiều cao 1m85, John cao hơn hầu hết các lối đi trong hang động nhưng anh chàng này lại gầy như cái cành cây khô và sở hữu cơ thể dẻo dai, linh hoạt, dường như miễn nhiễm với chứng sợ hãi sự gò bó.
Hang Nutty Putty, nằm ở bang Utah, Mỹ.
Hang động nơi John phải bỏ mạng là hang Nutty Putty, nằm ở bang Utah, Mỹ. Nó ở vị trí phía Tây Nam của hồ Utah và cách Thành phố Salt Lake khoảng chừng 90km. Nó được khám phá lần đầu tiên vào năm 1960 bởi nhà thám hiểm Dale Green.
Hệ thống hang động này thuộc sở hữu Cơ quan quản lý Đất đai của Tổ chức Trust và được quản lý bởi Utah Timpanogos Grotto. Dale Green đặt tên cho hang động này là Nutty Putty bởi đặc điểm cấu tạo chủ yếu từ đất sét. Hang Nutty Putty từ lâu nổi tiếng vì không gian bên trong cực kỳ nhỏ hẹp. Nhưng chính điều đó lại thu hút sự tò mò của các nhà thám hiểm hang động.
Khi John và em trai Josh còn nhỏ, cha họ thường xuyên đưa 2 anh em đi thám hiểm hang động ở Utah. 2 đứa trẻ lớn lên cùng những chuyến khám phá các tầng sâu dưới lòng đất. Họ len lỏi qua những hang hốc với niềm yêu thích màu đen tối huyền bí của chúng mà chẳng chút sợ hãi.
Quyết định liều lĩnh
Năm 2009, khi ấy John đã bước sang tuổi 26 và là một sinh viên y khoa ở Virginia. Anh có vợ cùng một bé gái 13 tháng tuổi. Trong chuyến trở về quê nhà thăm gia đình vào kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn hồi tháng 10 năm đó, John hân hoan thông báo với gia đình rằng anh và vợ Emily Jones-Sanchez chuẩn bị chào đón thêm một em bé nữa.
Đã vài năm John không tham gia bất kỳ chuyến thám hiểm hang động nào nên tận dụng kỳ nghỉ ấy, anh quyết định thực hiện chuyến thám hiểm đầu tiên của mình vào hang động Nutty Putty, với mục đích trải nghiệm "một cấp độ phiêu lưu mới" sau thời gian "rửa tay gác kiếm" vì tập trung học ngành y và dành thời gian cho gia đình.
Không ngờ, đó là một quyết định liều lĩnh mà John đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Ngày đen tối
Vào khoảng 20h ngày 24 tháng 11 năm 2009, John cùng em trai Josh và 9 người bạn khác cũng như các thành viên trong gia đình tiến vào hang động Nutty Putty. Họ coi chuyến đi lần này như một cách để kết nối với nhau. Thật không may, mọi thứ không đi theo kế hoạch.
Khoảng 1 giờ sau chuyến thám hiểm, John tìm thấy một khe hẹp và cho rằng đó là một nhánh của hang Nutty Putty nổi tiếng với tên gọi Birth Canal. Đó là một lối đi chật hẹp đáng sợ mà những người thám hiểm hang động phải cẩn thận bò qua.
Với sự tò mò mãnh liệt của mình, John liều lĩnh tiến vào. Cứ thế len lõi qua khe hẹp, John tiến về phía trước bằng cách phối hợp nhịp nhàng các bộ phận cơ thể của mình, những món nghề mà anh đã thành thục từ khi còn nhỏ.
Tuy nhiên, khi càng đi sâu vào lối đi hẹp, John bị mắc kẹt và anh ta nhận ra mình đã mắc một sai lầm nghiêm trọng.
Đã nhiều năm không đi khám phá hang động, John quên mất rằng mình đã nặng tới 90kg. Những kinh nghiệm từ thời thơ ấu không thể giúp anh thoát khỏi tình huống bất ngờ này. John phải cố gắng ép người về phía trước nhưng bề rộng khe hẹp ấy chỉ khoảng 45cm, cao 25cm. Nó thậm chí còn quá nhỏ để John có thể hít thở bình thường.
Sơ đồ hang Nutty Putty.
Josh là người đầu tiên phát hiện ra anh trai John bị mắc kẹt. Anh chỉ có thể nhìn thấy đôi chân của anh trai thò ra bên ngoài. Josh đã cố gắng đưa anh ra ngoài nhưng John càng trượt sâu hơn và thử thách càng trở nên tồi tệ hơn. Cánh tay của John giờ bị kẹp dưới ngực và anh không thể cử động được. Sau đó, họ buộc phải lên tiếng kêu cứu.
Nỗ lực giải cứu
Mặc dù lực lượng cứu hộ đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường nhưng phải mất vài tiếng mới có thể đưa được người và di chuyển các thiết bị cứu hộ xuống cái hang ở độ sâu 150m so với bề mặt Trái đất. Ở nơi đó, John vẫn đang mắc kẹt ở tư thế chổng ngược.
Khoảng 0h30 phút sáng 25 tháng 11, nhân viên cứu hộ đầu tiên, Susie Motola, mới tiếp cận được đến vị trí của John. Nhưng Susie chỉ nhìn thấy mỗi đôi bàn chân của anh.
"Chào Susie, cảm ơn vì đã đến", John nói. "Nhưng tôi thực sự, thực sự muốn ra ngoài".
Trong 24 tiếng đồng hồ tiếp theo, hàng chục nhân viên cứu hộ đã nỗ lực hết sức để giải thoát cho John. Họ thậm chí đã sử dụng một hệ thống ròng rọc và dây thừng để cố gắng đưa anh ra khỏi chỗ chật hẹp. Nhưng do các góc độ bất thường của hang động, họ buộc phải làm gãy chân anh trong quá trình này.
Đã có lúc, đội cứu hộ nhấc được John ra lùi ra khỏi hốc nhỏ ấy một đoạn ngắn nhưng sợi dây kéo lại bất ngờ bị đứt mà không có dấu hiệu báo trước và anh rơi trở lại. Lúc này, John thậm chí còn bị đẩy sâu vào trong hơn.
Phương pháp kéo dây và ròng rọc giờ đã hoàn toàn thất bại, không có kế hoạch khả thi nào khác để đưa John ra ngoài vào lúc này. Nhưng đội cứu hộ vẫn luôn túc trực và động viên anh vượt qua nỗi sợ hãi. Họ còn hát những bài hát vui vẻ để giữ cho John tỉnh táo.
Trái tim của John đã bị tổn thương do nằm úp trong một thời gian dài. Trong tình trạng này, máu không thể được bơm đến toàn bộ cơ thể và phổi của anh cũng không còn hoạt động bình thường được nữa.
Vì những điều này, điều duy nhất lực lượng cứu hộ có thể làm cho John là tiêm vào chân anh một mũi tiêm có chứa thuốc an thần để anh bình tĩnh lại.
Kết cục bi thảm
Sau 27 giờ bị mắc kẹt trong tư thế chổng ngược, John cuối cùng được tuyên bố là đã chết vì tim ngừng đập và ngạt thở ngay trước nửa đêm 25 tháng 11 năm 2009. Gia đình anh cảm ơn những người cứu hộ vì những nỗ lực hết mình của họ bất chấp họ phải nhận tin buồn.
Kể cả khi John đã chết, người ta cũng không đưa được thi thể của anh ra ngoài. Cuối cùng, gia đình và ban quản lý đã đồng ý đóng cửa Hang động Nutty Putty khi thi thể John vẫn mắc kẹt bên trong. Hang động được niêm phong bằng bê tông để không ai khác phải chịu cảnh chết trong sợ hãi như John thêm một lần nào nữa. Giờ đây, nhiều người gọi hang động này là “Hang John Jones” vì tình yêu và sự tôn trọng của họ dành cho anh.
Mặc dù hang động Nutty Putty đã thu hút hàng ngàn du khách đam mê thám hiểm hang động từ khắp nơi đến, nhưng John là người duy nhất tử vong.
Vào năm 2016, nhà làm phim Isaac Halasima đã sản xuất một bộ phim dài tập có tựa đề “The Last Descent” để kể lại cuộc đời và cuộc giải cứu John Edward Jones. Nó mang đến cho khán giả cái nhìn chính xác về thử thách của John và cảm giác như thế nào khi bị mắc kẹt trong lối đi hẹp nhất của hang động.
Nguồn: Mysteriesr Unsolved