Y tá đi trước, tôi đi sau. Cô vừa đi, vừa nhẹ nhàng an ủi: "Anh chuẩn bị tinh thần nhé", "Phải thật bình tĩnh", "Anh còn trẻ, còn nhiều cơ hội".
Tôi nghe mà chết lặng trong lòng...
Từ lúc bước vào căn phòng chăm sóc đặc biệt này, cái không khí chết chóc, ngột ngạt sộc lên mũi đã khiến tôi ngạt thở. Có đến hàng trăm đứa trẻ dị tật, đứa bị hở hàm ếch, đứa mù mắt, đứa chân tay chỉ còn lại vài mẩu thịt cụt ngủn…, vừa chào đời đã phải rời xa vòng tay bố mẹ. Chúng gào khóc liên tục trong những chiếc lồng bằng kính.
"Anh chuẩn bị nhé!"… "Bình tĩnh"… Cô y tá tiếp tục nói.
Rồi cô đột ngột quay lại, giọng trầm đi hẳn: "Một tỷ đứa trẻ mới có một đứa. Chắc nó chết…". Sự thương cảm vô tận qua đôi mắt ngấn nước của cô khiến tôi cảm thấy như vừa bị găm lên tim một nhát dao chí mạng.
"Không sao đâu cô! Nó là con của tôi mà" - tôi nói.
Đến ô thứ 14, cô y tá dừng lại hẳn. Trước mặt tôi, một đứa trẻ đỏ hỏn, nhỉnh hơn quả bí. Trừ cái ống thở chọc vào miệng, hai tay, hai chân buộc vào thành sắt, xem ra con tôi vẫn lành lặn nhất phòng.
"Anh chuẩn bị chưa?" - y tá hỏi. Chờ tôi gật đầu xong, cô từ từ bóc từng lớp khăn quấn thân dưới đứa bé. Lớp khăn trắng mở ra, lớp khăn tiếp sau máu sũng. Con tôi ré thét. Tôi sụp xuống đất, oà lên nức nở. Giờ thì tôi đã hiểu tại sao nó phải nằm đây, quanh những đứa trẻ dị thường lúc nãy.
Cái bụng của con tôi như bị ai đó cắt làm đôi rồi bỏ mặc không khâu lại. Lớp da mỏng như giấy, trong suốt có thể nhìn thấu bên trong. Ruột, dạ dày, bàng quang quấn vào nhau, lòi ra ngoài. Toàn bộ phần dưới của con tôi đã chết, chết hẳn đi khi nó chỉ vừa bắt đầu biết khóc.
"Một tỷ đứa mới bị một đứa. Tôi nghĩ con anh chắc không sống nổi rồi…" - cô y tá đặt tay lên vai tôi, thì thầm khi tôi khóc.
5 tháng trước, ngày tôi đưa Bình đi khám thai, bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đã chần chừ thông báo với 2 vợ chồng tôi: "Bé có thể dị dạng, thoát vị bẹn (ẩn cơ quan sinh dục), anh chị nên bỏ đứa bé, thai còn nhỏ…". Nhưng Bình vẫn một mực từ chối đề nghị của bác sĩ, cô ấy muốn sinh con. Đêm ấy, trở về nhà, cô nằm sát vào mép tường, khóc.
Rồi hôm Bình sinh con, vừa ra khỏi phòng mổ, bác sĩ đã quấn con tôi trong khăn trắng, kéo tay tôi lên xe cấp cứu chạy đi. Trên xe, tôi ngồi nhìn chăm chăm cái bọc lốm đốm đỏ máu và đã nghĩ đến những chuyện chẳng lành. Tôi liên tục xin y tá được ôm con, nhưng cô nhất nhất từ chối: "Nó yếu lắm".
Hồi ấy, Bình làm công nhân cho một công ty dán keo giày dép. Mỗi tối, sau tan ca, cái mùi keo nhựa bám vào quần áo, tóc tai, chân tay theo cô về nhà, tôi cảm nhận một sự bất an. Từ lúc biết con sinh ra có thể mang bệnh, vợ chồng tôi lao đầu vào công việc nhiều hơn. Tụi tôi đã chuẩn bị hơn 70 triệu đồng để sẵn sàng phẫu thuật cho con khi cần thiết.
Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ con tôi chào đời, chưa kịp mở mắt, mà những câu chuyện về "cái chết" đã lấp đầy hơi thở nó như thế. Tôi ước gì có thể nhấc chiếc lồng kính ra để ôm con, vuốt ve lên cái bụng của nó, tỉ tê: "Bố đây!", "Bố đây". Con tôi vẫn khóc bên trong cái lồng kính, vẫn ré lên từng cơn.
Hồi xưa, năm bố tôi đi lính, một mình mẹ phải ở nhà chèo chống nuôi 3 anh em tôi. Có đợt tôi đổ bệnh nặng, mẹ nhiều lần đánh thư gọi bố trở về, nhưng đều bặt vô âm tín.
Một đêm, tôi lên cơn sởi, co giật rồi mềm nhũn, mẹ địu tôi trên lưng, chân đất chạy đi giữa cái lạnh cắt da thịt để gõ cửa từng nhà thầy lang xin cứu giúp. Đợt đó, căn bệnh hậu sởi "ăn" hết da thịt, nội tạng, bụng tôi căng lên như quả bóng chờ nổ. Dân làng gọi tôi là thằng "Chật Đất", nghĩa là sống chết gì cũng chỉ... chật đất.
Nhưng qua trận sinh tử đó, tôi khoẻ như voi, làm đêm làm ngày mà chẳng bao giờ bệnh tật.
Bình ở viện 3 ngày thì tôi đưa cô về nhà. Buổi tối, sau giờ cơm, cô gặng hỏi về con. Tôi phải vờ nói dối: "Tốt cả. Em yên tâm, bác sĩ bảo hơn tuần nữa con xuất viện được". Từ đó, sáng sớm nào, tôi cũng xách xe vào bệnh viện, nằm cả ngày dài trên ghế đá. Con không được gặp, bác sĩ chẳng nói gì thêm…, nhưng tôi phải ở lại đây để tránh mớ thắc mắc dồn dập từ Bình.
Sang ngày thứ 21 thì cô ấy nằng nặc đòi gặp con. Vợ chồng tôi cãi nhau lớn, Bình đập cửa, cầm quần áo ra khỏi nhà: "Em tự bắt xe ôm đi tìm con. Khỏi cần anh…".
Tôi liền chạy theo, nài nỉ cô lên xe. Trên đường, tôi cố giải thích: "Em đừng buồn. Con sẽ sớm khoẻ thôi". Bình ngồi sau nước mắt rơi lã chã. Đi được nửa đường thì trời đổ mưa to, tôi lấy bao nilon trùm cô ấy lại, còn mình thì lõm bõm lội nước, dắt xe.
Tới cổng bệnh viện đã quá chiều, hết giờ thăm con. Bác sĩ nhìn áo quần tôi tong tỏng nước, bèn mở cửa: "Một người vào thôi, 5 phút nhé!". Bình bước vào, tiếng cửa đóng sầm sau lưng khiến tôi cảm tưởng như vừa tự tay đẩy cô ấy qua cổng địa ngục vậy.
Hết 5 phút, Bình chạy ra, nấc lên: "Sao tàn nhẫn vậy! Ai đó mổ bụng con em vậy? Ai?", rồi cô ôm tôi, ngất lịm.
Hơn 1 tháng rưỡi thì con tôi rút xuống còn 1,6 kg. Bấy giờ, trừ cái miệng chúm chím đỏ hỏn, toàn bộ thân người nó đều khô queo. Một tối, bác sĩ dắt chúng tôi vào phòng, tỉ mẩn chỉ dạy tôi cách để từng tờ giấy ướt đắp lên bụng con để làm da giả: "Anh chị có thể mang cháu về rồi đấy. Cho cháu bú ít sữa nhé…"
Tôi mừng húm.
Hôm đó, lần đầu được ra ngoài, hít khí trời, con tôi khoẻ hơn. Đi nửa đường, nó vòi uống sữa, Bình liền chặm bình bú. Sữa chảy qua miệng chưa đặng 10 phút thì tong tỏng trào xuống cái bọc nhựa dưới hậu môn. Con nhìn Bình mếu khóc mà cười khúc khích, vòi uống sữa tiếp.
Về nhà, con chơi xíu rồi ngủ, thức dậy lại vòi sữa. Đến nửa đêm, tự nhiên nó khóc, sữa ọc lên miệng, lên mũi khiến nó tím tái, bụng chướng như quả bóng bay tách đôi lớp giấy mỏng bên trên, làm ruột lòi cả ra ngoài. Tôi bất lực, muốn cứu con, ôm con, vỗ về con, nhưng cánh tay tôi chỉ khiến nó giãy nhiều hơn.
"Cứu con tôi với", "Ai đó cứu con tôi với", tôi chạy ào ra khỏi phòng, vẫn còn mặc nguyên cái quần ngủ, gào thảm thiết. Cả xóm thức giấc. "Cứu con tôi với", "Cứu với". Tôi ôm con chạy, chạy đi, chân đất chạy trên những con đường hun hút lúc 12h đêm.
- Bác ơi, con tôi sao thế này? Bác sĩ cứu con tôi với… Tới cửa bệnh viện thì chân tôi rách tươm, tướm máu.
- Tui trả về thì anh phải biết là cháu sẽ khó mà qua khỏi rồi chứ? - bác sĩ nhìn tôi ái ngại.
Lúc bấy giờ, tôi mới vỡ lẽ ra cho cái thông báo đưa con về ban sáng, lời dặn dò và cả cái mớm sữa. Thì ra đó là món quà cuối cùng bác sĩ sắp đặt cho 2 vợ chồng tôi. Tôi sụp xuống, ôm siết con, mọi thứ vỡ tan.
Đến nay, để có thể sống, tôi và Sơn đã kiên trì phẫu thuật trên dưới 10 lần.
- Anh cố gắng vượt qua. Mình còn trẻ còn nhiều cơ hội. Bác sĩ an ủi.
- Bác ơi, cứu con tôi… Lần này thôi, bác cứu con tôi với.
Tôi gào thét, đăm đăm nhìn con chỉ còn thở nhẹ như không, cái bụng rách làm hai, chảy máu.
- Cứu con tôi… Làm ơn cứu con tôi với… Tôi oà khóc.
- Chưa thấy người cha nào cố chấp như anh. Cứ nghĩ con về, anh phải chấp nhận rồi chứ!, bác sĩ ôm tôi, khóc theo.
"Anh đi kí giấy tờ đi, tôi sẽ sắp xếp ca mổ ngay". Đêm đó, con tôi phải phẫu thuật gấp. Lúc cầm tờ giấy cam kết ghi 95% chết, 5% sống, tôi vội kí rồi nộp lại ngay, không dám đọc gì thêm.
Tôi gọi về nhà, xin bố đặt tên trong sổ hộ khẩu cho con là Thanh Sơn. Sơn nghĩa là núi, để con mãi mạnh mẽ, vững chãi như núi. Thanh là thanh thản, tôi muốn con được ra đi, một cái chết nhẹ nhàng nhất.
Bố mua một cái hòm nhỏ, báo mọi người chuẩn bị đầy đủ, có gì con đưa cháu về sớm" - tôi gặng.
Nghe tới đây, bố tôi cũng khóc tức tưởi.
8 tiếng đồng hồ trôi qua, tôi, Bình ngồi trước cửa phòng phẫu thuật, chẳng ai dám nhìn thẳng mặt ai. Bác sĩ đi ra đi vào hơn chục người, gần sáng thì tôi nhận được thông báo: "Xem như đã thành công". Vợ chồng tôi ôm chầm lấy nhau.
Từ đó, bệnh viện và phòng trọ với Sơn như một. Một tháng 10 ngày Sơn phải nằm viện vì nhiễm trùng, xuất huyết, hoại tử, nước tiểu chảy ra từ đường phân, phân trộn nước tiểu. Nhưng may mắn, thằng bé sống.
Sơn lên 2 tuổi thì chú Út vào Nam lập nghiệp. Từ hồi sinh Sơn, tôi chưa một lần ẵm con về quê, bệnh bao nhiêu cũng giấu. Nhưng lần đó, chú Út khăng khăng đòi gặp cháu. Tôi ậm ừ đồng ý.
Tôi và chú Út là anh em kề, nhưng hơn kém nhau hơn 10 tuổi. Tôi xem chú vừa là em, vừa là con vậy. Từ khi Út còn đái đũng quần, nó đã vắt vẻo trên lưng tôi. Tôi thương nó lắm. 16 tuổi, tôi đi làm, Út mới lên 4. Hôm đi, tôi nhổ nước bọt ra tay, thoa đều lên khắp người nó. Người già bảo làm vậy có xa cách mấy trẻ con cũng nhớ hơi người thân.
Ở Sài Gòn hơn 15 năm, tôi sáng phụ hồ, tối bốc vác, sửa ống nước, bắt dây điện,… ai kêu gì làm nấy. Mỗi tháng dư hơn bạc triệu, gửi về quê cho Út ăn học. Nhưng đến năm lớp 12, tôi sinh Sơn, nó một mực không học tiếp đại học.
"Em đi học cái nghề rồi vào Nam kiếm tiền phụ anh chị".
Nó xin đi học trung cấp nghề, rồi xin chân công nhân xây cầu dưới Vĩnh Long. Lần đầu tiên lên Sài Gòn, thấy Sơn, sờ cái bụng bị bổ đôi của cháu, nó trách: "Sao anh chị khổ thế này! Sao anh chị giấu em?", rồi ôm vợ chồng tôi khóc.
Tối, Út đòi nằm cạnh Sơn, cả đêm mở mắt trao tráo, rủ rỉ: "Chú đi kiếm tiền, chú sẽ chữa bệnh cho cháu". Mấy hôm sau Út xách ba lô đi, tôi dúi mãi nó mới chịu nhận 700.000 đồng tiền vón cục. Lúc lên xe, nó cười: "Cuối tháng có tiền em gửi lên cho anh chị chữa bệnh cho cháu nhé". Tôi chẳng ngờ đó là lần cuối tôi thấy Út cười.
Út đi hơn tuần thì Sơn đòi tập đi. Tối đó, tôi về muộn, ngồi bên bệ cửa hút thuốc, còn Bình lục đục nấu ăn trong bếp. Mưa như trút.
Dạo gần đấy, Sơn đã bắt đầu ngọ ngoậy vòi đi khiến tôi nhiều lần quát, ngăn cản. Nhưng làm sao mà cản mãi được cái chân tuổi ăn tuổi lớn cơ chứ? Thằng bé lững thững chống tay đứng dậy trên đôi chân mảnh như que củi, chậm chập nhấc từng bước. Mặt nó tái mét nhưng vẫn không ngưng cười. Bên trên, cái bụng rách của nó đã được Bình bọc lại bằng chiếc túi nilon tự chế. Tôi thầm cảm ơn cô ấy.
"Đi đi con… Mạnh mẽ lên con trai…" - Tôi thầm nhủ. Bình đứng trong bếp, nín thở.
Đến bước thứ 10 thì chiếc túi nilon đã tròn lẳng, đùm ruột dài thòng ra cả một bọc rồi rơi tọt xuống chân Sơn, máu chảy ra sàn. Thằng bé ngã quỵ, khóc thét.
"Con ơi… Con…" - Bình hét lên.
Vợ chồng tôi vội vã đưa con vào viện. Nửa đường, điện thoại réo inh ỏi: "Út rớt xuống cầu rồi. Nó chết mất, chết mất thôi Du!". Mẹ gào khóc qua điện thoại. "Người ta bảo cầu sập, nó đang vác xi măng thì cắm đầu rớt xuống sông, mất xác. Con mau đi đón… Đón em về với mẹ đi…".
Tôi dập máy, không biết phải nói lời nào để an ủi trái tim tan vỡ của bà. Sau lưng tôi, Bình vẫn áp mặt vào đôi má phúng phính của Sơn: "Con ngừng thở mất anh. Sao đây anh? Nhanh lên, anh. Con chết mất, chết mất…".
"Đón Út về cho mẹ…". "Mau lên anh, Sơn ra máu… Con chết mất…". Tôi ngửa mặt lên trời, không biết, lúc này nên khóc cho cái chết của chú Út trước hay căn bệnh sinh tử của con tôi trước mới phải lẽ? Nước mắt chảy thành hai hàng.
Hôm đó, tôi đã bỏ Bình lại giữa đường, bỏ Bình lại trong khi cô ấy vẫn đang ôm siết đứa con nguy kịch của cả hai như thế. Tôi quay đầu, phóng xe đi Vĩnh Long, không bao giờ dám ngoái lại nhìn cô. Tôi thực sự sợ phải đối diện với khuôn mặt đau thắt của Bình.
Đến cổng huyện, lúc vào trạm đổ xăng, người bán hàng nhìn đôi mắt đỏ au của tôi, hỏi: "Chú người nơi khác tới phải không? Đến đây tìm ai à?"
"Tui tìm em trai". Tim tui đập như muốn bể lồng ngực.
"Nó làm gì ở đây? Đừng nói tôi xây cầu nghen! Đừng nói với tôi em chú làm công nhân xây cầu ở huyện Trà Ôn nghen?" - người bán hàng đột ngột biến sắc sắc.
"Đúng! Đúng! Chú biết em trai con sao? Chú biết em con sao?".
"Chèn đéc ơi! Tội nghiệp chú quá… Mất cả rồi. 5 người rớt xuống sông hôm qua chết hết rồi…". Người bán hàng mếu máo, khuôn mặt già nua của ông lão như chảy ra theo dòng nước mắt của tôi. "Chết hết rồi. Tội nghiệp chú quá" - ông lão mếu to hơn.
Lúc ấy, tôi cứ đứng ngây dại ở đó, không biết bao lâu, 2 chân như đóng vào mặt đường thành 2 cây trụ.
Giọng chú Út, gương mặt chú cười lúc chia tay tôi: "Cuối tháng có tiền, em cho cháu đi chữa bệnh", dội lại những khoảng không vô tận. Tôi cứ đứng đó, trơ trọi như đã bị chôn vào lòng đất. Gió thổi từ bến sông, những đợt gió buồn hiu hắt.
Rồi chiếc xe cứu thương chạy ra từ phía cây cầu, còi hú inh ỏi. Đến ngã ba, họ thả rơi cơn mưa tiền vàng. Tôi đứng ngây dại nhìn, nước mắt rơi lã chã. Biết đâu trên chiếc xe cứu thương vừa qua ấy là chú Út?
Xây mộ cho Út, còn lắp đúng 2 viên gạch cuối cùng, tôi nhận điện thoại từ Bình: "Anh ơi! Con mình chắc không qua khỏi! Bác sĩ bảo cắt hết…", tôi lại khóc.
Lần đó, bác sĩ buộc phải cắt bỏ hoàn toàn ruột già, tạo khung xương giả, hậu môn giả. Nhiều lúc thằng bé vừa uống nước vào đã chạy tong tong xuống bao nilon dưới rốn, ăn gì vào vài tiếng sau cũng ra đường hậu môn giả… Nhưng Sơn vẫn sống sót thần kỳ. Nhiều đêm, ngồi nhìn con, tôi thầm cảm ơn Út, cảm ơn câu nói: "Sau này có tiền em sẽ nuôi cháu". Tôi âm ỉ khóc.
Tôi mua hẳn một cái bô nhựa cho Sơn để con sống trên đó. 24/7, suốt 365 ngày/ năm, Sơn ăn, uống, vào thuốc, phẫu thuật, tập tò chơi, xem siêu nhân, đều trên cái bô xanh dương yêu quý ấy.
Hơn nửa năm, mông nó loét thành hình vành bô, lớp da mông chai lỳ, cứng ngắt. Ban đêm, tôi ngồi tỉ mẩn đắp giấy ướt lên bụng làm da cho nó. Nó cắn chặt môi: "Mình là siêu nhân, mình không đau", nhưng mặt đã đầm đìa nước mắt.
Lên 3 tuổi, Sơn không có bạn. Mùi hôi xộc lên từ chiếc bô đủ khiến bọn trẻ con rùng mình, bỏ chạy. Tôi hiểu nên hạn chế đưa Sơn ra ngoài.
Mỗi tối, trở về nhà, tôi hay chơi với con. Sơn bắt tôi chạy, nhưng chỉ vòng quanh cái bô xanh của nó. Vừa chạy, vừa hô: "Yêu quái", "Yêu quái đây". Nó sẽ dùng thanh kiếm nhựa chọc vào tôi, bắt tôi vờ chết. Thế là Sơn cười, đắc thắng.
Lên 6 tuổi, Sơn đã hiểu tường tận bệnh của mình. Nó vui vẻ, lạc quan hơn, chấp nhận cái bô xanh như một phần cơ thể, như chân tay phải gắn vào người nó vậy. Mỗi ngày, nó ở nhà, lấy khuỷu tay chà xuống đất tập đẩy chiếc bô dịch chuyển. Mấy lần đầu, bô chưa lếch được qua ô gạch thứ 5 thì máu đã úa ra chiếc bao nilon. Vậy mà, nó giấu.
Cứ vậy, nó dùng tay tập đẩy bô. Vài tháng, bô rách đít, tôi lại phải đi mua bô mới. Hơn năm thì Sơn đã thành thạo lượn sóng trên bô. Nó cứ như thể là "chú lính chì đang cưỡi con tuấn mã" của mình vậy. Lướt thẳng, thắng gấp, bẻ tay rẻ trái, tạt phải, xoay vòng bô,… Sơn đều làm vô cùng điệu nghệ. Suốt thời thơ ấu, nó mải miết sống, mải miết chiến đấu trên chiếc bô xanh như vậy.
Một hôm, trong lúc chơi trận giả, Sơn phi chiếc bô, đến cái gờ gạch thì chệch hướng, đổ ào ra ngoài. Nó ngã, mông đập thẳng xuống đất, ối máu. Cái bô dội hết nước tiểu, phân lên mặt, lên tóc, lên những phần cơ thể lành lặn nhất của nó.
"Sơn ơi!" - Bình ré lên, ghi ôm thằng bé, nhưng nó đã kịp dùng 2 tay lau sạch nước mắt. Nó nhìn tôi, nhìn Bình, mếu máo: "Con không muốn cả đời ngồi bô đâu. Con muốn được đi học như các bạn. Lớn lên, đi làm, có tiền, con nuôi bố mẹ".
Cả nhà tôi khóc.
Chung tay giúp "Sơn bô xanh" và những đứa trẻ bị khuyết thiếu
Được thành lập hơn 10 năm, đến nay, Quỹ Thiện Nhân và những người bạn đã tham gia khám và phẫu thuật miễn phí cho hàng trăm đứa trẻ bị dị tật cơ quan sinh dục tại Việt Nam với đội ngũ y tế hàng đầu từ Ý.
Tháng 11/2020 tới đây, Quỹ Thiện Nhân và những người bạn sẽ tiến hành mổ cho gần 35 trẻ em khuyết thiếu bộ phận sinh dục như "Sơn bô xanh". Mỗi ca mổ cần tối thiểu 35.000.000 đồng. Rất mong sự chung tay của các nhà hảo tâm để những vết thương của trẻ thơ và gia đình họ được hàn gắn.
Mọi sự ủng hộ xin gửi về soha.vn:
- Số tài khoản: 1210008685555
BIDV chi nhánh Hoàn Kiếm Hà Nội. Chủ TK CONG TY CO PHAN VCCORP
Swift code: Bidvvnvx
Chuyển khoản ghi rõ:
Ủng hộ quỹ Thiện Nhân
- Hoặc số tài khoản: 1100187251
Ngân hàng cổ phần thương mại Sài Gòn - Hà Nội chi nhánh Ba Đình
Chủ TK: VPĐ tổ chức Asia Injury Prevention Foundation tại Việt N