Chính quyền địa phương Nam Phi dự đoán rằng ngày 12 tháng Tư năm 2018 sẽ là Ngày Số Không – Day Zero, là ngày thành phố Cape Town sẽ không còn đủ nước để sử dụng.
Nếu như người ta cảm thấy tuyên bố này đáng sợ thì người ta đã đúng rồi: thành phố Cape Town đã đương đầu với nạn hạn hán 3 năm nay. Lý do gây ra hạn hán thì nhiều, từ trách nhiệm của các nhà quản lý địa phương tới việc biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra nắng nóng diện rộng.
Những con đập chứa nước, những hồ nước tự nhiên đang cung cấp nước cho 4 triệu người dần cạn kiệt, tới những mức đáng báo động.
Cape Town.
Sẽ chẳng lâu nữa, người ta sẽ phải tới những điểm phát nước được lực lượng vũ trang bảo vệ nghiêm ngặt. Tại Nam Phi, cụ thể là tại Cape Town, nước là nguồn tài nguyên quý hiếm vậy đó.
Nhưng cùng lúc đó và cũng như bài báo cáo của phóng viên Aryn Baker của tờ Time, thì những nhà đầu tư đang chớp lấy cơ hội này để đầu cơ nước, lợi dụng hạn hán để kiếm chút lợi cho mình. Trên những trang bán hàng trên mạng của Nam Phi như Gumtree hay Junk Mail, hàng chục thương lái đang buôn nước, bể nước, vòi nước, máy lọc nước.
Trên Gumtree, nhiều dịch vụ chuyển phát đủ các loại nước được quảng cáo: nước uống, nước lưu trữ, nước đổ bể bơi (2 tháng nữa thành phố hết nước mà vẫn có người nghĩ tới nước đổ bể bơi). Những thương lái ấy đều là những công ty nhỏ hay cá nhân nhỏ, bơm được nước từ nguồn khác mang về bán với giá cao.
Những mẩu quảng cáo bán nước ấy đã xuất hiện từ hồi tháng Mười Một năm ngoái.
Trên Junk Mail, một người bán nước còn tuyên bố hùng hồn rằng: "Hạn hán làm bạn buồn? Hãy để chúng tôi lắp đặt bể nước vào nhà cho bạn". Đây đó, những lời hứa hẹn về một hệ thống lọc nước tiên tiến được đăng tải.
Giá bán của nước cũng dao động tùy người bán và khu vực mua, có nơi bán 0,14 USD/lít nước mà có chỗ chỉ bán 0,04 USD/lít. Có những người nói rằng họ phải xin cả giấy phép bán nước để có thể buôn mặt hàng này.
Liệu có cách giải quyết thỏa đáng nào không? Cũng tùy. Nếu như có ai đó mua về cả một cái xe bồn chở nước, lấy nước từ các nhà máy nước đóng chai để bán sẽ là trái pháp luật. "Việc bán nước là trái luật pháp", phát ngôn viên của cơ quan kiểm soát nước và hệ thống vệ sinh tại Cape Town nói với báo giới. "Thứ nước hợp pháp duy nhất có thể bán là nước đóng chai".
Anh chàng này mua hết nước ở siêu thị về, nhất quyết không chia cho ai dù chỉ một bình. Khủng hoảng đang tới rất gần rồi.
Mà chất lượng những hệ thống lọc nước, những xe bồn chứa nước cũng cần phải xem xét. Chắc chắn chính quyền thành phố không muốn lượng nước còn lại đã hiếm rồi mà lại còn bị làm ô nhiễm. Nước từ những nguồn không rõ như vậy có thể nguy hiểm. Đang trong cơn khủng hoảng nước này, chẳng ai muốn mắc thêm cả bệnh liên quan tới nước bẩn nữa.
Patrick Reed, một giáo sư tại Đại học Cornell nói với Motherboard rằng những nguồn nước không được kiểm soát sẽ là mối nguy hại tới xã hội. Trong đợt khủng hoảng sau bão tại Puerto Rico, hệ thống nước hỏng đã là một nguồn lây lan bệnh đáng lo ngại. Tại một thành phố hạn hán và thiếu nước, viễn cảnh này hoàn toàn có thể xảy ra.
"Người ta sẽ cần nước. Họ sẽ tìm ra những cách để có được nước, dù là nguồn nước ấy có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe hay không", giáo sư Reed nói.
Nhưng không phải mọi thứ đều xấu: đã xuất hiện những tổ chức phi lợi nhuận phân phát nước tại Cape Town, nhiều nhà hảo tâm đã gây quỹ giúp đỡ những tổ chức này. Deon Smit, giám đốc của tổ chức Thiếu Nước Nam Phi nói rằng ngày 25 tháng Giêng vừa rồi, họ đã nhận được một xe tải chứa 28.000 lít nước từ các nhà hảo tâm.
Để đối phó với Day Zero đang tới gần, nhiều người cũng lập những hội trên Facebook nhằm chia sẻ mối lo, chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm và chia sẻ cả nước khi thời điểm khủng hoảng tới gần. Đây là thời điểm khó khăn với Cape Town và nếu không được giúp đỡ, họ sẽ phải rất vất vả mới qua được "cơn khát" này.