Mới đây, theo thông tin mới cập nhật tuyến cáp quang biển AAG (Asia - America Gateway) lại đang gặp sự cố và dự kiến phải tới ngày 3/9 mới khắc phục xong. Đây không phải lần đầu tiên tuyến cáp AAG gặp phải sự cố trong năm nay. Câu hỏi đặt ra là nếu đặt cáp quang dưới đáy biển dễ đứt, hỏng hóc đến như vậy, tại sao con người không tính đến phương án đặt nó trên cạn?
Thực tế, theo một số nghiên cứu, việc đặt các đoạn cáp quang trên cạn cũng có thể dễ dàng bị đứt, hỏng hóc chẳng kém đặt cáp quang dưới đáy biển. Các thiết bị xây dựng là một trong những yếu tố tác động đến chất lượng của cáp ngầm trên cạn. Trong khi đó, đối với cáp dưới lòng đại dương, cũng có không ít yếu tố có thể ảnh hưởng đến độ bền của chúng, ví dụ như mỏ neo của thuyền bè, các sinh vật biển hay thậm chí là thảm hoạ tự nhiên dưới lòng đại dương.
Sửa cáp quang dưới đáy biển vốn cũng là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Dù vậy, sau khoảng 150 năm, con người cũng đã tìm ra được một số cách để tăng tốc quá trình này.
Mỗi khi một đoạn cáp gặp sự cố, các tàu biển chuyên dụng cho việc sửa chữa sẽ làm nhiệm vụ. Nếu cáp nằm ở vùng nước nông, robot sẽ được sử dụng để tiếp cận đoạn cáp và đưa nó lên. Tuy nhiên, nếu cáp nằm ở vùng nước sâu, tàu sửa chữa sẽ sử dụng các móc sắt chuyên dụng để đưa đoạn cáp lên mặt nước, phục vụ công tác sửa chữa. Để giúp mọi thứ đơn giản hơn, các móc sắt này đôi khi sẽ cắt đoạn cáp hỏng làm đôi và thuyền sửa chữa sẽ nâng mỗi đầu cáp lên để sửa trên mặt nước.
Việc xác định chính xác vị trí đoạn cáp đứt cũng là một thách thức đối với đội sửa chữa và đôi khi mất khá nhiều thời gian cho nhiệm vụ này.