Không quân Đức sẽ mua 45 "siêu ong bắp cày" từ Mỹ
Ngày 20/4 (giờ Việt Nam), tạp chí Der Spiegel của Đức đưa tin không quân nước này (Luffwaffe) sẽ mua 45 tiêm kích từ nhà sản xuất Boeing của Mỹ để thay thế máy bay phản lực Tornado lỗi thời trong trang bị.
Cụ thể, Đức sẽ đặt mua 30 tiêm kích F/A-18E/F "Super Hornet" (tạm dịch: Siêu ong bắp cày) và 15 tiêm kích EA-18G "Growler" (biến thể tác chiến điện tử của F/A-18E/F).
Đều được phát triển từ F/A-18A/B Hornet (trên), F/A-18E/F Super Hornet (giữa) và EA-18G Growler (dưới) không có nhiều khác biệt về ngoại hình, chủ yếu là bổ sung trang bị chiến tranh điện tử dưới cánh và một số thay đổi liên quan tới khí động học (gân cánh) trên cánh.
Theo nguồn tin từ Boeing (chưa được xác thực), Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer được cho là đã gửi email cho người đồng cấp Mỹ Mark Esper vào ngày 16/4 để thông báo về quyết định này.
"Trong khi chờ đợi một thông báo chính thức, chúng tôi (BQP Đức) vẫn cam kết hỗ trợ cho cả chính phủ Đức và Hoa Kỳ trong quyết định mua sắm quan trọng này".
Hiện cả hai phía Đức và Mỹ đều chưa đưa ra bình luận về bài viết.
Bình luận về quyết định nói trên, tờ Der Spiegel cho rằng việc đặt đơn hàng kết hợp giữa Super Hornet và Growler phù hợp để đáp ứng các yêu cầu chiến tranh hiện đại của Luffwaffe.
Tuy nhiên quyết định này có thể làm phật ý Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), các đối tác trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel, vì chưa thông báo với họ trước khi đưa ra quyết định của mình.
Một chiếc Eurofighter Typhoon của Luffwafffe và F/A-18 E/F Super Hornet của Mỹ.
'Tương lai ảm đạm" cho 80 chiếc Eurofighter Typhoon?
Trong quá khứ, trước áp lực của SPD Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen (người tiền nhiệm của bà Kramp-Karrenbau) đã phải đưa ra một "thỏa hiệp", theo đó Đức sẽ mua cả 45 chiếc F/A-18 E/F Super Hornet lẫn 80 chiếc Eurofighter Typhoon (do Airbus sản xuất).
Khi thời gian vận hành của những chiếc Tornado sắp hết và Luffwafe phải "gánh" những chi phí khổng lồ liên quan tới bảo trì, người Đức đã tính tới việc trang bị Eurofighter Typhoon (Đức gọi là EF-2000) với các biến thể ECR (trinh sát chiến đấu điện tử) và Project Quadriga.
Project Quadriga là biến thể nhằm thay thế những chiếc Eurofighter Typhoon Tranche 1 (biến thể phòng không cơ bản) với các nâng cấp mới nhất và radar quét mảng pha chủ động (AESA) Captor E-Scan Mk1.
Nói cách khác, biến thể ECR sẽ đảm nhiệm các hoạt động chiến tranh điện tử của Tornado ECR còn Project Quadriga sẽ thay thế Tornado IDS trong vai trò cường kích. Tuy nhiên, quyết định của Đức phải tính tới khả năng triển khai chiến tranh hạt nhân trong NATO.
Một tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ mang theo bom hạt nhân B-61.
Cả Eurofigher Typhoon và Super Hornet đều chưa có khả năng mang vũ khí hạt nhân - nhưng một đánh giá chung giữa Đức và Mỹ cho thấy việc đưa bom hạt nhân B-61 (số lượng 20 tại căn cứ Büchel của Đức) lên máy bay Mỹ sẽ nhanh hơn (trên Eurofighter là từ 3 đến 5 năm).
Việc người Đức nhanh chóng quyết định trang bị 15 máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler cũng sẽ là "hòn đá tảng" khiến đơn hàng Eurofighter Typhoon ECR trong tương lai bị ảnh hưởng.
Theo tờ Handelsblatt, quyết định mua EA-18G Growler được ủng hộ bởi một số chuyên gia khi cho rằng Airbus không thể phát triển Eurofighter ECR trong thời gian ngắn.
Việc mua máy bay từ Mỹ đã gây ra tranh cãi ở Đức khi một số quan chức lập luận rằng ngành công nghiệp quốc phòng Đức nói riêng (và EU nói chung) sẽ mất đơn hàng 4 tỷ Euro và chi phí cho cơ sở hạ tầng của Luffwaffe dù chỉ trang bị số lượng máy bay tương đối nhỏ.
EA-18G Growler thử nghiệm các hoạt động tác chiến điện tử từ tàu sân bay Mỹ.