Vạch trần thủ đoạn lừa đảo của Đỗ Anh Dũng
Đỗ Anh Dũng khi chưa bị bắt.
Cụ thể, căn cứ kết quả điều tra, ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm liên quan.
Kết quả điều tra xác định, thời gian từ tháng 7/2021 - 3/2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên gồm: Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.
Về vụ án này, ngày 30/6, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) cho biết, kết quả điều tra đến nay xác định Tân Hoàng Minh đã chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ đồng của các nhà đầu tư . Hiện nay các bị hại đến khai báo và xuất trình chứng từ chưa đầy đủ, có khoảng 50% bị hại đến làm việc với cơ quan điều tra.
Đại gia Trịnh Văn Quyết 'thổi' từ vốn điều lệ đến giá chứng khoán
Ông Trịnh Văn Quyết khi chưa bị khởi tố.
Không kém cạnh, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và đồng phạm cũng bị cơ quan điều tra cáo buộc với thủ đoạn t ăng vốn điều lệ khống đã lừa đảo, chiếm đoạt 6.400 tỷ đồng của nhà đầu tư.
Cụ thể, ngày 25/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án, bổ sung tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC và bà Hương Trần Kiều Dung, cựu Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn này.
Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2014 - 2016, ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros.
Sau khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, các bị can đã bán, thu được tổng cộng hơn 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt. Ngoài ra, 2 em gái của ông Quyết gồm Trịnh Thị Thúy Nga (cựu thành viên HĐTV, Phó tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán BOS) và Trịnh Thị Minh Huế (nhân viên kế toán Công ty CP Tập đoàn FLC cùng bị khởi tố bổ sung về tội danh trên.
Nhóm bị can này bị điều tra hành vi nâng khống vốn của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros. Cơ quan điều tra bước đầu xác định, tính đến ngày 24/2/2021, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên ông Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do bị can Quyết nhờ đứng tên). Sau đó, các bị can thu được tổng cộng hơn 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.
Trước đó, ông Quyết cùng 3 bị can nêu trên đều bị khởi tố, điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Kết quả điều tra bước đầu xác định, dưới sự chỉ đạo của ông Quyết, các bị can đã dùng hàng trăm tài khoản để mua bán khớp chéo (không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu, mua bán với khối lượng lớn, chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa, đóng cửa và đặt lệnh mua/bán sau đó hủy lệnh) các mã cổ phiếu nhằm "thổi giá", sau đó bán "chui" lượng lớn cổ phiếu thu về số tiền 1.689 tỷ đồng, thu lợi bất chính khoảng 530 tỷ đồng.