Cao ủy năng lượng EU: Mùa đông năm nay khó khăn, nhưng mùa đông năm sau sẽ còn khó khăn hơn

Hữu Hiển |

Vào ngày 30/9, dữ liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, lạm phát ở khu vực đồng euro đã lên mức 10% trong tháng 9, trong đó giá năng lượng tăng cao tới 40,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo hãng tin RT (Nga), các bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức một hội nghị đặc biệt tại Brussels (Bỉ) vào ngày 30/9 để thảo luận về các biện pháp mới nhằm đối phó với tình trạng giá điện và khí đốt tự nhiên tăng cao.

Cao ủy năng lượng EU Kadri Simson cho biết tại một cuộc họp báo sau hội nghị rằng, các bên đã đạt được thỏa thuận chính trị về các biện pháp can thiệp khẩn cấp nhằm hạ giá năng lượng. Các biện pháp bao gồm: giới hạn doanh thu của các công ty năng lượng và hoàn trả lợi nhuận dư thừa cho người tiêu dùng; các quốc gia thành viên đồng ý giảm tiêu thụ điện vào giờ cao điểm và giảm nhu cầu điện tổng thể.

Cao ủy năng lượng EU: Mùa đông năm nay khó khăn, nhưng mùa đông năm sau sẽ còn khó khăn hơn - Ảnh 1.

Cao ủy năng lượng EU Kadri Simson (đầu tiên từ trái sang) tại cuộc họp báo vào ngày 30/9. Ảnh: Twitter

Tuy nhiên, bà Simson cũng thừa nhận rằng, EU không thể thống nhất về vấn đề giới hạn giá khí đốt do các bộ trưởng năng lượng vẫn còn chia rẽ về giới hạn giá khí đốt quan trọng. Bà cũng cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tiếp tục tìm cách đàm phán về "hành lang giá" với các nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành quá trình này và cố gắng thương lượng để đạt được "một hành lang giá", chứ không phải là một mức giới hạn giá cố định. Bằng cách đó, chúng tôi có thể giảm chi phí cho người tiêu dùng", bà Simson nói.

Bà Simson cũng chỉ ra rằng, một khi thời tiết chuyển lạnh, cuộc khủng hoảng năng lượng tiếp diễn sẽ có tác động đến lục địa châu Âu, và các quan chức ngành năng lượng EU đang rất lo ngại về điều này.

"Các bộ trưởng năng lượng cũng lo lắng như tôi rằng mùa đông này sẽ không dễ dàng cho chúng ta và mùa đông tiếp theo sẽ còn khó khăn hơn", bà Simson nói.

Khủng hoảng năng lượng có thể kéo dài đến cuối năm 2023

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp năng lượng liên tục ở châu Âu, khiến cho giá khí đốt tự nhiên và giá điện tăng cao, dẫn đến lạm phát cao ở châu Âu.

Dữ liệu mới nhất do Eurostat công bố ngày 30/9 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của 19 quốc gia trong khu vực đồng euro trong tháng 9 đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, lần đầu tiên được ghi nhận ở mức hai con số. Chỉ số này vào tháng 8 là 9,1%, so với chỉ 3,4% một năm trước đó.

Hãng tin AP (Mỹ) nhận định rằng, giá năng lượng tăng là thủ phạm chính gây ra lạm phát cao ở khu vực đồng euro. So với mức tăng 11,8% của giá thực phẩm, thuốc lá và rượu so với cùng kỳ năm trước, giá năng lượng ở khu vực đồng euro đã tăng 40,8% so với một năm trước đó.

Amrita Sen - trưởng nhóm phân tích dầu mỏ tại công ty tư vấn Energy Aspects cảnh báo rằng, mặc dù châu Âu đang phải vật lộn để đối phó với tình thế tiến thoái lưỡng nan về việc thiếu nguồn cung năng lượng, nhưng khủng hoảng năng lượng có thể kéo dài đến cuối năm 2023. Theo ông Sen, thị trường năng lượng cần dựa vào Nga để có thể cân bằng, không chỉ cho mùa đông sắp tới mà còn cho cả mùa đông năm sau.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic hôm 7/9 cũng từng cảnh báo rằng, châu Âu và toàn thế giới đang phải đối mặt với thảm họa, và Serbia cũng sẽ bị ảnh hưởng.

"Mùa đông năm nay sẽ rất lạnh đối với tất cả chúng ta, nhưng mùa đông tới sẽ lạnh như ở vùng cực đối với cả châu Âu", ông Vucic nói.

Ngày 29/9, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg (Mỹ), nhà sáng lập Microsoft Bill Gates cũng cho biết, một số quốc gia châu Âu hiện đang cố gắng từ bỏ việc sử dụng năng lượng của Nga, nhưng họ không có bất kỳ giải pháp thay thế khả thi nào. Châu Âu sẽ phải đối mặt với một "tình hình rất thảm khốc" trong mùa đông này khi giá năng lượng tại địa phương tăng cao và người dân có thể không có cách nào để sưởi ấm ngôi nhà của họ.

Cao ủy năng lượng EU: Mùa đông năm nay khó khăn, nhưng mùa đông năm sau sẽ còn khó khăn hơn - Ảnh 2.

Nhà sáng lập Microsoft Bill Gates. Ảnh: Bloomberg

"Khí tự nhiên là nguồn năng lượng quan trọng để sưởi ấm trong gia đình, sản xuất điện và sản xuất công nghiệp. Khí tự nhiên giá rẻ là một phần quan trọng của ngành công nghiệp hóa chất Đức. Vì vậy, nói chung là, bạn có thể giảm lượng điện sử dụng hay không? Thật không may, hiện nay năng lượng gió không đủ, một số nhà máy điện hạt nhân đã đóng cửa ở Pháp và lượng mưa rất ít ở Na Uy", ông Gates nói.

Ông Gates chỉ ra rằng, sự khác biệt về lượng khí đốt tự nhiên mà con người cần trong một mùa đông khắc nghiệt và trong mùa đông ấm áp là đáng kinh ngạc, đôi khi chênh lệch lên tới ba lần.

"Vì vậy, tốt hơn hết các bạn nên hy vọng vào một mùa đông ấm áp trong năm nay… Nếu đó là một mùa đông khắc nghiệt thì việc đánh đổi rất khó khăn, như hạn chế sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp đến mức nào? Mọi người vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho việc này", ông Gates nói.

Cao ủy năng lượng EU: Mùa đông năm nay khó khăn, nhưng mùa đông năm sau sẽ còn khó khăn hơn - Ảnh 3.

Một người đàn ông Đức đang bổ củi cho vào bếp. Ảnh: guancha.cn

Liên quan đến việc châu Âu liên tục đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là do Nga, chuyên gia năng lượng Mỹ Brenda Schaeffer đã có bài viết trên trang Foreign Policy, chỉ trích châu Âu đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng là do nguyên nhân bên ngoài, và cho rằng chính sách năng lượng sai lầm mới là thủ phạm dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng.

Ông Schaeffer chỉ ra rằng, trên thực tế, cuộc khủng hoảng năng lượng mùa đông sắp tới của châu Âu là đã là lần thứ ba. Ngay từ mùa đông 2020-2021 và 2021-2022, châu Âu đã phải trải qua những đợt tăng đột biến về giá điện và giá khí đốt, tình trạng thiếu khí đốt khiến việc sử dụng than và dầu đốt tăng lên. Nhưng các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã nhắm mắt làm ngơ.

Ông Schaefer nói: "Châu Âu cần khẩn trương loại bỏ những phân biệt về ý thức hệ và áp dụng một cách tiếp cận thực dụng. Nếu không, bất kể Tổng thống Nga Putin làm gì, người châu Âu sẽ phải trải qua nhiều cuộc khủng hoảng vào mùa đông hơn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại