Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063 km, từ Cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn đến Cà Mau, đi qua 32 tỉnh, thành phố.
Hiện tại, tuyến cao tốc Bắc - Nam đã cơ bản hoàn thành, khai thác liền mạch đoạn Lạng Sơn - TP Hà Nội - Diễn Châu (Nghệ An) và đoạn từ TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bình Thuận và Ninh Thuận. Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021 – 2025), sau khi được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công vào ngày 1/1/2023, đến nay tiến độ cơ bản theo sát kế hoạch, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác toàn bộ 12 đoạn tuyến vào cuối năm 2025.
Thời gian vừa qua, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ GTVT và nhà đầu tư, nhà thầu xây lắp, đơn vị tư vấn đã nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn để sớm đưa các dự án vào khai thác.
Tính đến tháng 10/2023, Bộ GTVT đã đưa vào khai thác 8/11 đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam với tổng chiều dài 519 km. Theo kế hoạch đến cuối năm nay, Bộ GTVT sẽ đưa vào khai thác dự án thành phần cầu Mỹ Thuận 2 và trong năm 2024 sẽ đưa thêm 2 dự án thành phần còn lại là đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo vào hoạt động.
Mới đây, sáng 18/10, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa và UBND tỉnh Nghệ An đã khánh thành, đưa vào khai thác 2 đoạn tuyến cao tốc thành phần, gồm QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu dài 93km.
Trước đó, ngày 29/4/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì lễ thông xe 2 tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99 km, nối Bình Thuận - Đồng Nai và tuyến Mai Sơn - Quốc lộ 45 nối Ninh Bình - Thanh Hóa, dài 63 km.
Việc hoàn thành các dự án thành phần từ Ninh Bình đến Nghệ An tiếp tục nâng tổng số km đường cao tốc trục Bắc - Nam lên khoảng 1.050km. Đây là sự thống nhất, kết nối, chia sẻ, hội tụ, lan tỏa kinh tế - xã hội cấp quốc gia, là động lực vật chất thúc đẩy các địa phương cất cánh.
Có thể thấy hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông luôn đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, là chỉ số quan trọng đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, đường bộ cao tốc là công trình kỹ thuật cao nhất trong hệ thống đường bộ, với quy mô hiện đại, năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn.
Hệ thống đường cao tốc đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, vận tải hàng hóa, hành khách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại giữa các vùng, miền, tạo liên kết giữa các trung tâm kinh tế - chính trị, các địa phương, cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế…
Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đầu tư phát triển đường bộ cao tốc là tất yếu khách quan, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Đường bộ cao tốc gắn chặt với tiến trình công nghiệp hóa của nhiều nước trên thế giới.
Các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Đức, Nhật, Hàn Quốc…đều có hệ thống đường cao tốc rất phát triển. Trong đó, Mỹ có khoảng 75.000km đường cao tốc liên bang, Đức hơn 13.000km, Nhật Bản gần 10.000km, Hàn Quốc hơn 6.160km đường bộ cao tốc…
Ở nước ta, các tỉnh, thành phố có đường bộ cao tốc kết nối đều có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, tạo diện mạo mới cho địa phương.
Các địa phương có đường bộ cao tốc đi qua đều có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân cao hơn so với cả nước. Cụ thể, giai đoạn 2011-2019, GRDP của Hải Phòng tăng 12,89%, Quảng Ninh 9,91%, Hải Dương 8,62% và Long An 10,23%...trong khi tốc độ tăng GDP cả nước đạt khoảng 6,3%.
Trong thời kỳ mới, đường bộ cao tốc có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng sau hơn 16 năm kể từ thời điểm xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên (TP Hồ Chí Minh - Trung Lương), đến nay cả nước mới đưa vào khai thác khoảng 1.163km, tương ứng 18% so với quy hoạch, tốc độ xây dựng bình quân 74 km/năm; chưa hoàn thành mục tiêu "đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 2.000km đường cao tốc" như Nghị quyết 13-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra.
Vì vậy Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thông qua chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, trong đó xác định một trong 3 đột phá chiến lược là "Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị", với mục tiêu "Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông…".
Tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài 2.063km được xác định là hành lang xương sống quốc gia trong thời kỳ mới. Việc đầu tư, đưa vào khai thác toàn tuyến sẽ tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội Đảng XIII đã thông qua.
Bên cạnh đó, hành lang vận tải trên trục Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng: Kết nối Trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, tác động đến 62,1% dân số, đóng góp 65,7% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 74% các cảng biển (loại I, II), 75% các khu kinh tế, đặc biệt kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và ĐBSCL), kết nối với 16/23 cảng hàng không với 91% lưu lượng hành khách…
Tuy nhiên, cần phải sớm đưa toàn bộ tuyến đường này vào khai thác để bảo đảm tính đồng bộ, phát huy tối đa hiệu quả khai thác, tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế của đất nước trong thời kỳ mới.
Theo các chuyên gia kinh tế, giao thông và lãnh đạo nhiều địa phương, hệ thống giao thông đường bộ, với xương sống là trục cao tốc Bắc-Nam, là mũi đột phá quan trọng, cần phải được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phân bổ nguồn lực quốc gia, và là đầu tư mang tầm chiến lược. Đất nước phát triển, không thể thiếu đường cao tốc.
Trong Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố năm 2019, chỉ số chất lượng đường bộ, và chỉ số kết nối giao thông đường bộ của Việt Nam lần lượt đứng thứ 103 và 104 trên 141 nền kinh tế trên thế giới tham gia khảo sát, đây là một trong những chỉ số thấp nhất trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh tổng thể của chúng ta.
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và là đại biểu Quốc hội khóa XV, để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt hệ thống giao thông đường bộ, với xương sống đường cao tốc - Bắc Nam, là mũi đột phá quan trọng, cần phải được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phân bổ nguồn lực quốc gia.
"Cơ sở hạ tầng giao thông yếu là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới chi phí logistic của chúng ta chiếm tới 20% GDP, cao gần gấp đôi so với các nước phát triển, và cao hơn mức bình quân toàn thế giới. Chi phí này quá lớn cần phải thay đổi", ông Lộc phân tích.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, với tính cấp thiết của việc triển khai xây dựng trục đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, việc này có ý nghĩa nhiều mặt, cả về kinh tế, chính trị, xã hội, góp phần gắn kết các địa phương, thu hẹp khoảng cách vùng miền, lan toả về kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, về mặt kinh tế, xây dựng tuyến cao tốc Bắc-Nam sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế.
"Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng năng lực cạnh tranh quốc gia của nước ta vẫn chưa cao, theo xếp hạng của các tổ chức có uy tín trên thế giới. Và một trong những điểm nghẽn chính là kết cấu hạ tầng, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông giữ vai trò quan trọng", ông Lộc cho biết.
Lấy ví dụ điển hình nhất, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với chiều dài 99km mới thông xe tháng 9 vừa qua, những chuyến xe khách, xe tải chở hàng hóa từ TPHCM đến Phan Thiết và ngược lại đi qua những cánh đồng lúa, vườn thanh long, rừng cao su xanh mát giờ chỉ mất gần 2 tiếng, ngắn hơn một nửa so với hành trình cũ phải mất 4 - 5 giờ, tài xế cũng không còn phải đi qua QL1 chen chúc, ùn tắc.
Ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thông xe là sự kiện quan trọng của tỉnh.
"Thời gian từ TP HCM đến Phan Thiết chỉ còn khoảng 2 giờ thay vì phải đi QL1 mất gấp đôi thời gian. Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Bình Thuận đăng cai Năm du lịch Quốc gia, với việc tuyến cao tốc được đưa vào khai thác, dự báo khách du lịch đến địa phương sẽ tăng mạnh. Đồng thời, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào khai thác sẽ giảm áp lực cho QL1 đã quá tải nhiều năm qua, trở thành mắt xích quan trọng kết nối sân bay Long Thành, các khu công nghiệp khu vực TP Long Khánh, Dầu Giây, Xuân Lộc…, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương", ông Đăng nói.
Không thể phủ nhận giao thông đi đến đâu mở ra tiềm năng kinh tế đến đó, hiệu quả đầu tư các dự án cao tốc chỉ có thể đạt được ở mức tối đa khi các dự án trên toàn tuyến đưa vào khai thác đồng bộ.
Để hoàn thiện hàng chục dự án án cao tốc Bắc-Nam, với hàng trăm km, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, là những nỗ lực, quyết tâm không ngừng nghỉ của Bộ GTVT, Ban QLDA, nhà thầu, các đơn vị tư vấn cùng sự chỉ đạo của Chính phủ, sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân các địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, ngành GTVT tâm niệm, việc hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án cao tốc Bắc - Nam nói riêng, các dự án giao thông trọng điểm nói chung, là danh dự, trách nhiệm của ngành trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
"Từ Bộ trưởng đến lãnh đạo Bộ, các cơ quan trực thuộc, các Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, các nhà đầu tư, nhà thầu thi công đã thực sự vào cuộc quyết tâm, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: "Đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Theo Bộ trưởng, quá trình thi công, nhất là ở giai đoạn cuối, Bộ GTVT đã phát động các phong trào thi đua với mục đích vừa động viên, cổ vũ, vừa là mệnh lệnh để các chủ thể tham gia dự án nỗ lực phấn đấu, tổ chức triển khai 3 ca 4 kíp, thi công xuyên lễ, xuyên Tết.
"Vừa qua, với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", cách nghĩ, cách làm đột phá, vượt qua những khó khăn, thách thức mà nhiều dự án về đích đảm bảo thông xe đúng vào dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước. Mỗi lần khánh thành đưa vào sử dụng một dự án, chúng tôi thường ngồi lại để nhận diện những ưu điểm nhằm phát huy cho các dự án sau này. Đồng thời, cũng thẳng thắn nhìn vào các vấn đề còn tồn tại, cần rút kinh nghiệm để mỗi công trình sau làm nhanh hơn, tốt hơn công trình trước", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.
Tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sáng 8/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị và có bài phát biểu bế mạc quan trọng.
Khi nói về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023 – 2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo, nhưng nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao, kịp thời của Đảng; sự đồng hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đoàn kết, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Nổi bật là: Trong 9 tháng đầu năm vừa qua, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm tăng gần 5% với khoảng 110.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước, góp phần đưa 659km đường bộ cao tốc Bắc-Nam vào sử dụng và đang tiếp tục hoàn thành, khởi công nhiều dự án, công trình xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng cho đất nước...
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc xây dựng tuyến cao tốc này đã tồn đọng từ nhiều năm nay rồi: "Từ đầu nhiệm kỳ tôi cũng đã nhắc đồng chí Thủ tướng tập trung vào để làm cho được những dự án đang tồn đọng lâu nay thì đã là một thành công rồi".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, việc đưa 659km đường bộ cao tốc Bắc-Nam vào sử dụng là bước tiến mà ít người nói đến.
"Đây là một kết quả rất tốt mà chúng ta cũng cần tham khảo, rút kinh nghiệm. Đã làm gì thì làm tập trung dứt điểm, xong việc này mới làm việc khác, chứ cùng một lúc đưa ra quá nhiều dự án, ký thật nhiều cho nó oai, sau cứ để treo đấy thôi không làm. Ruộng thì dân không làm được, vốn thì đọng lại mà đường xá vẫn cứ tắc", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ nguyên nhân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định, vấn đề cao tốc Bắc-Nam được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo ngay từ đầu, khi đồng chí Phạm Minh Chính lên làm Thủ tướng và yêu cầu "phải tập trung làm cho được mấy cái này, phải có sản phẩm cụ thể".
"Việc đưa 659km đường bộ cao tốc vào sử dụng là một điểm sáng của chúng ta trong thời gian vừa qua, phải nói rằng là một thành quả, một kết quả tốt đấy chứ. Mà không phải chúng ta không làm được, chẳng qua có làm và chịu làm hay không. Khi biết làm mà tập trung vào sẽ cho ra sản phẩm ngay. Đây không chỉ là thành tích mà sẽ cho chúng ta kinh nghiệm để chỉ đạo những việc khác. Thà ít mà tốt, đề ra ít mà kết quả nhiều…", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Những cung đường cao tốc Bắc-Nam đi qua ven biển, xuyên rừng, băng qua những vùng đất cỗi cằn sỏi đá sẽ đem đến không gian phát triển mới cho các vùng đất nó chạy qua. Thành quả và đích đến đó không phải tự dưng thành hiện thực, mà đánh đổi bằng "mồ hôi, xương máu", bằng tinh thần quyết tâm, "4 dám". "Dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung".
Những phát biểu đúc kết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa là kim chỉ nam cho Chính phủ, Bộ GTVT hành động quyết liệt hơn nữa để đưa toàn bộ dự án cao tốc Bắc-Nam vào hoạt động sớm nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Một tuyến đường bộ cao tốc hiện đại chạy dọc dài đất nước, từ địa đầu Lạng Sơn đến Năm Căn, Đất Mũi của Tổ quốc đang dần dần được được hoàn thiện, tạo đột phá cho sự phát triển của đất nước.
Tác giả: Phi Long - Thiết kế: Hà Phương