Năm 2017, võ sư Phạm Văn Bằng vinh dự được Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam trao tặng danh hiệu Đại võ sư. Đó là sự ghi nhận cho những cống hiến và đóng góp của ông đối với sự phát triển của bộ môn võ thuật cổ truyền dân tộc.
Phía sau người chưởng môn sáng lập của môn phái Thiếu Lâm Bằng Long Hải là cả một câu chuyện dài đến với võ thuật và tạo ra nhiều giai thoại đáng chú ý.
Thanh niên học làm gốm một đánh mười trên đất khách
Võ sư Phạm Văn Bằng vốn xuất thân là con nhà võ, sinh ra ở vùng đất cảng Hải Phòng. Tuy nhiên, mãi đến năm 15 tuổi ông mới bắt đầu tiếp xúc và tập luyện võ thuật. Gia đình ông ngoài cha là võ sư thì có truyền thống làm nghề gốm sứ. Công việc làm gốm, tiếp xúc với việc nhào nặn các loại vật dụng đã khiến ông trở nên hứng thú và cảm nhận bản thân khá gần gũi với võ thuật.
Ông nói: "Hồi còn trẻ, tôi là một thanh niên có tính hiếu kỳ, ảnh hưởng rất nhiều từ các phim ảnh võ thuật. Lúc nào tay chân tôi cũng múa may, đấm đá, tôi rất mê võ thuật. Từ nhỏ tôi đã quen với việc nhào trộn đất làm gốm nên ít nhiều cũng thấy đôi tay mình cứng cáp, có thể làm quen được với võ".
Võ sư Phạm Văn Bằng vốn đam mê võ thuật từ thuở niên thiếu.
Năm 1969, khi ấy võ sư Bằng 19 tuổi, là một cậu thanh niên mới lớn, tính tình vẫn còn hiếu động và cực kỳ hiếu chiến, đúng chất Hải Phòng theo như cách ông nói. Lúc này, ông được gia đình cho sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với mục đích chính là học nghề gốm sứ nhằm tìm ra được chất liệu men tốt để về quê phát triển.
Theo lời võ sư Bằng, ở thời điểm đó, có nhiều học sinh Việt Nam sang du học tại Trung Quốc nhưng thường bị bắt nạt và đuổi đánh. Đa số đều không dám chống cự, trừ ông.
Ông kể: "Tôi nhớ lúc đó là năm 1969, trong một lần đang đi đường, tôi gặp một nhóm thanh niên khoảng 10 người Trung Quốc. Trước đó, họ vốn không ưa gì những người từ Việt Nam sang nên thường kiếm chuyện để gây sự.
Khi gặp tôi, họ cũng tiến tới với mục đích chính là "đánh cho bỏ ghét". Tôi thì tiếp xúc với võ từ nhỏ mà còn là thanh niên trẻ nên hiếu thắng, khi họ lao tới chưa kịp tấn công tôi thì tôi đã lao thẳng vào để đánh lại.
Trong thế một đánh mười, tôi chọn cách đánh lần lượt từng người một, vừa đánh vừa rút lui để tìm cách thoát. Tuy nhiên, họ không thể tấn công được vào tôi nên một lát sau mười thanh niên đó tự động bỏ cuộc. Có một vài người trong số đám đông đó bị tôi đấm cho bầm dập".
Võ sư Bằng từng đấu với 10 đối thủ ở Trung Quốc.
Đó là thời điểm võ sư Bằng chưa được học võ bài bản mà chỉ đánh theo bản năng và sự hiếu chiến. Ông quan niệm rằng khi xảy ra hữu sự thì việc áp dụng những đòn thế đã học là cực kỳ khó. Vì thế, ông chỉ đánh theo bản năng vốn có và tận dụng vào sức mạnh từ đôi bàn tay do luyện nhào trộn gốm sứ từ nhỏ.
Luyện tuyệt kỹ độc giúp đôi bàn tay cứng như sắt đá
Ở độ tuổi gần 70, nói về nghiệp võ của mình, võ sư Phạm Văn Bằng tự hào về sự chịu khó khổ luyện của bản thân. Ông cũng trân trọng khoảng thời gian quý báu nơi đất khách Trung Quốc vì nhờ đó mà ông đã tìm được niềm đam mê thực sự với võ thuật. Một trong những tuyệt kỹ đến bây giờ ông vẫn duy trì luyện tập đó chính là "ngũ trảo công".
Ông nhớ lại: "Trong quá trình sang Trung Quốc học làm gốm, tôi được người cậu gửi gắm vào nhà một người quen, người này là thầy Quan Bản Thục – võ sư nổi tiếng của phái Nga Mi Thuật, một trong bảy con Hổ của Quảng Đông thời bấy giờ.
Lúc đó tôi chưa tìm được men gốm tốt nên được thầy Thục cho làm đậu hủ, rồi sau đó cho vào rừng đốn củi. Tôi vốn biết thầy là một võ sư nên cũng muốn ở lại để học thêm võ thuật.
Hằng ngày, tôi đón rất nhiều củi để vác về nhà nhưng một thời gian sau thầy Thục lại bắt phải tự bẻ củi bằng tay không. Điều này rất mệt nhọc, đôi lúc có chút ấm ức nhưng vì sự quyết tâm phải học bằng được võ thuật nên tôi gạt bỏ nỗi đau sang một bên để hoàn thành công việc".
Võ sư Phạm Văn Bằng thi triển một số đòn thế
Võ sư Bằng cho biết thêm, ngoài bẻ củi, thầy Quan Bản Thục còn yêu cầu ông chỉ được dùng tay chân để đốn ngã các cây chuối sứ trên rừng. "Những lớp bên ngoài vỏ những cây chuối này rất dày và dai lắm. Tôi phải tập luyện rất gian khổ, vừa đấm bằng tay và đá bằng chân đến sưng tấy mà phải hai năm trời rèn luyện liên tục mới làm cho cây chuối ngã được", võ sư nói.
Tuy nhiên, một thời gian sau, ông nhận ra rằng việc đón củi trên rừng này ngày càng giúp đôi tay trở nên cứng cáp và có sức chịu đựng cao. Võ sư Bằng tiết lộ lúc đó ông có thể dùng tay không xuyên thủng cây chuối với độ sâu từ 5-6cm. Về sau, ông mới nhận ra rằng đó là tuyệt kỹ "ngũ trảo công" lừng danh mà sư phụ Quan Bản Thục đã âm thầm truyền lại cho mình.
Vượt qua được nhiều thử thách trong suốt 3 năm ở Quảng Tây, thầy Quan Bản Thục quyết định truyền cho võ sư Bằng nhiều bài võ độc đáo, sau đó còn trao cho quyền đứng lớp để dạy võ.
Võ sư Phạm Văn Bằng cho biết thêm: "Ngũ trảo công tức là luyện cho đôi tay thật cứng. Phải luyện cho tay chân cứng thì nó không khác gì hàng rào để tự bảo vệ mình. Khi chiến đấu hoặc tự vệ, nếu một người lao vào tấn công mình, đôi tay mình cứng chỉ cần đụng nhẹ thì người ta cảm nhận thấy sự đau đớn và không dám vô được nữa.
Hiện nay, tôi có thể hít đất bằng năm đầu ngón tay, bắt chân lên ghế chống đẩy hoặc tung người hít đất mà không hề hấn gì. Sức chịu đựng của ngũ trảo công là rất đáng sợ".
Võ sư Phạm Văn Bằng thi triển đại đao.
"Võ là phải tự vệ được, không phải học để biết, để khỏe"
Ở Trung Quốc 6 năm, võ sư Phạm Văn Bằng trở về nước và truyền thụ lại võ thuật cho các võ sinh. Biết được tài nghệ của ông nên nhiều người đăng ký theo học. Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển, ông vào Sài Gòn từ tháng 9/1975 để tiếp tục nghiệp võ. Tại đây, võ sư Bằng được mời dạy võ cho các lực lượng công an, dân quân, bộ đội, sinh viên…
Đầu những năm 1980, phong trào Võ cổ truyền bắt đầu phát triển. Để có thể hội nhập với các môn phái khác, võ sư Phạm Văn Bằng đứng ra sáng lập nên môn phái Thiếu Lâm Bằng Long Hải vào năm 1982.
Ông lý giải: "Sở dĩ tôi chọn tên này vì tôi lấy hình tượng của chim đại bàng (Bằng) mang ý nghĩa sức mạnh trên không, loài rồng dưới nước (Long) cũng đầy sức mạnh và cuối cùng là Hải vì nó rộng lớn, mênh mông. Với tôi, võ thuật là sức mạnh và sự đoàn kết".
Theo võ sư Bằng, nét độc đáo nhất của Thiếu Lâm Bằng Long Hải là chú trọng quyền pháp tập trung vào sức mạnh của đôi tay và chân. "Đôi tay và đôi chân của mình giống như một hàng rào, nếu không có động tác kín thì khó bảo vệ mảnh vườn thân thể lắm.
Người học võ cần chú ý rèn luyện 4 tố chất: nhanh, mạnh, bền và chính xác, phải tập sao cho được trình độ cao để có thể hóa giải chính xác những đòn thế hiểm độc của đối thủ", ông nói.
Võ sư Phạm Văn Bằng sở hữu nhiều đòn hiểm.
Ngoài ra, vị chưởng môn 68 tuổi cũng khẳng định: "Võ nào cũng là tay chân đấm đá. Với các môn sinh của tôi, học võ là phải tự vệ được, không thể nói là học để biết để cho khỏe hoặc để tìm ra cái đạo đức. Đạo đức cũng chỉ là một phần trong võ thuật.
Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh rằng không phải anh biết võ là để lạm dụng nó đi đánh người, làm hại người khác. Võ của tôi là phải có sức khỏe thật, giỏi thật, có độc ác thật (đòn hiểm) nhưng không bao giờ được làm hại người khác".
Hai lần đối chiêu cùng cao thủ nước ngoài
Với tuyệt kỹ ngũ trảo công có đôi bàn tay cứng như sắt đá, võ sư Phạm Văn Bằng từng dùng nó để khiến nhiều võ sư nước ngoài phải lăn lộn vì đau đớn. Đó là hai lần đối chiêu vào các năm 2007 và 2014.
Võ sư Bằng kể: "Năm 2007, tôi sang Mỹ để dạy cho một số võ sinh của môn phái Thái Cực Đạo. Vị võ sư bên đó thấy tôi ở Việt Nam sang nên có ý định mời thử chiêu để xem có gì khác biệt.
Tôi thì không muốn thử nhưng họ cứ muốn đánh. Không còn cách nào khác nên tôi đành ra chiêu, tôi chỉ dùng 1-2 đòn điểm nhẹ vào vùng hiểm là khiến họ đau đớn, vẫy tay xin thua không dám thử nữa. Sau đó họ bắt tay làm bạn".
Võ sư Phạm Văn Bằng sở hữu bàn tay cứng như sắt đá.
Lần thứ hai diễn ra năm 2014 khi một đoàn võ cổ truyền của Italia sang Việt Nam để giao lưu. Trước sự chứng kiến của nhiều người, vị chủ tịch của Võ cổ truyền Ý mời võ sư Bằng thử chiêu.
"Nói là đánh giao lưu nhưng thực ra là họ đánh thật, còn tôi lúc đầu chỉ đưa ta ra đỡ, không đánh lại. Họ nhận ra điều đó nhưng vẫn cố tình đánh, vì thế tôi đành tung chiêu vào những chỗ hiểm nhưng ra đòn nhẹ rồi dừng lại đúng lúc. Vị võ sư đó đau đớn quá nên xin thôi, không giao lưu nữa", võ sư Bằng nhớ lại.
Đó là hai trong số nhiều kỷ niệm đáng nhớ của vị chưởng môn phái Thiếu Lâm Bằng Long Hải khi nói về những cuộc đối chiêu trong nghiệp võ của mình.
Cuối cùng, trước những cuộc thách đấu lẫn nhau giữa các võ sĩ, võ sư của các phái như hiện nay, kèm theo đó là tranh cãi về tính thực chiến của võ cổ truyền, võ sư Phạm Văn Bằng nhận định:
"Thật ra, võ cổ truyền của ta có nhiều đòn đánh rất hiểm và ra đòn nhanh. Khi giao đấu có thể đánh vào các yếu điểm của đối phương là họ sẽ bị đau đớn rất nhiều.
Tôi cho rằng nói võ cổ truyền không có tính thực chiến là không đúng mà ngược lại nó rất hữu dụng. Tuy nhiên, cao thủ thì ít khi lộ diện. Vì thế, những võ sĩ bây giờ sẽ rất ít có cơ hội đánh thắng nếu đối đầu thật sự".
Võ sư Phạm Văn Bằng chống đẩy bằng công phu.