"Dị nhân" Thiếu Lâm có tài dùng lưỡi liếm thanh sắt nung đỏ

Tiểu Mã |

Từ thuở ấu thơ đầy cơ cực, chính nghị lực đã khiến Thích Diên Minh vươn lên, trở thành người sở hữu công phu thượng thừa bậc nhất ở Thiếu Lâm Tự.

Người “có thừa” công phu

Thiếu Lâm Tự, Thích Diên Minh (Shi Yan Ming) được ca tụng là một bậc đại sư dù mới chỉ bước sang tuổi 51. Nói về công phu võ thuật, ông được coi là tài năng cự phách, ít người sánh kịp.

Shi Yan Ming từng được coi là một trong những võ sư châu Á nổi tiếng nhất, được thế giới biết đến với những ngón công phu rất đặc trưng của võ Thiếu Lâm.

Có thể kể tới những màn đặc dị như Thiết đầu công (dùng đầu công phá cả một tảng đá lớn), ngủ trong trạng thái treo ngược trên cây hay khi đứng tấn bằng một chân trong nhiều giờ liền, dùng hạ bộ để nâng và điều khiển vật nặng 23kg…

Shi Yan Ming có thể để một người khác đá liên tiếp vào hạ bộ mà không hề biết đau. Đặc biệt, ông sở hữu cú đấm thần sầu, có lực lên tới 772 pound, điều mà ngay cả với những võ sĩ quyền Anh hạng nặng cũng phải ngưỡng mộ.


Thích Diên Minh sở hữu võ công thâm hậu.

Thích Diên Minh sở hữu võ công thâm hậu.

Sau khi danh trấn giang hồ, được coi là một “báu vật” của võ thuật Trung Quốc, Thích Diên Minh bất ngờ sang Mỹ và được coi là người sáng lập võ Thiếu Lâm tại đất nước này.

Đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đã có rất đông người dân Mỹ đổ xô tới xem những màn biểu diễn của ông. Người ta đã kinh ngạc, sởn gai ốc khi lần đầu tiên chứng kiến những màn biểu diễn có thể nói là ngược lại với những quy luật thông thường.

Có lần, ông đã thực hiện một màn công phu khiến những khán giả tại Mỹ phải nổi da gà khi dùng lưỡi thản nhiên liếm một thanh sắt được nung đỏ rực mà gương mặt chẳng hề biến sắc.

Đây là màn công phu vô cùng khó mà bất kỳ vị võ sư nào trên thế giới cũng chỉ biết lắc đầu chào thua!.

Tuổi thơ cơ cực, từng chết đi sống lại

Thích Diên Minh sinh năm 1964 trong một gia đình rất nghèo có tới 9 anh chị em tại tỉnh Hà Nam.

Cha của ông cũng lớn lên từ một gia đình vô gia cư, từng phải đi xin ăn từng bữa và tất nhiên, chưa từng biết tới việc được cắp sách tới trường.

Ấy vậy nhưng cha của Diên Minh vẫn cố gắng “học mót” từng con chữ với chí lớn sẽ trở thành một nhà văn hoặc nhà thư pháp.

Gia đình Thích Diên Minh nghèo đến nỗi không đủ quần áo để mặc vào mùa đông. Hàng ngày, mọi người trong nhà lại phải thu gom củi từ khắp nơi để đốt sưởi ấm mỗi khi đêm đến.

Thậm chí, trước khi Diên Minh chào đời thì một người anh trai và một chị gái của ông đã bị chết vì đói từ cuối năm 1950.

Thích Diên Minh từng trải qua tuổi thơ vô cùng cơ cực.
Thích Diên Minh từng trải qua tuổi thơ vô cùng cơ cực.

Phải rất vất vả, cha mẹ của Diên Minh mới xin được một chân làm công nhân khai thác khoáng sản, cả ngày làm việc dưới lòng đất nhưng vẫn không đủ để lo chuyện cơm áo cho cả gia đình.

Năm lên gần 3 tuổi, Thích Diên Minh cũng từng suýt chết vì bạo bệnh, khiến cha mẹ phải bán hết những bức thư pháp và vay mượn khắp nơi để chạy chữa. Nhưng thật không may, các bác sĩ sau khi nhận lời cứu giúp đã phải trả ông lại vì bệnh quá nặng.

Cha mẹ cứ tưởng sẽ vĩnh viễn mất đi đứa con thứ 7 của mình. Lúc hấp hối, Thích Diễn Minh được cha mẹ bọc trong một tấm chăn để chuẩn bị đem đi chôn cất thì bỗng dưng một phép màu đã xảy ra.

Khi cha mẹ đang ngồi ôm đứa con và khóc ròng thì bỗng một vị đại sư có tên Gen Shan đã tình cờ đi ngang qua. Thấy cảnh tượng trớ trêu, vị đại sư đã giang tay cứu giúp.

Sau khi thực hiện các bài châm cứu, Thích Diên Minh đã qua được cơn nguy kịch và dần khỏe lại. Sau này, hồi tưởng lại về thuở ấu thơ, ông đã gọi vị đại sư kia là một Bồ Tát được Đức Phật gửi xuống để cứu rỗi cuộc đời mình.

Bén duyên với võ Thiếu Lâm

Năm 1969, Thích Diên Minh đã lên 5 tuổi nhưng thể trạng vẫn còn rất yếu ớt. Thấy vậy, cha mẹ đã quyết định mang ông tới gửi tại chùa Thiếu Lâm với mục đích rèn luyện sức khỏe.

Thấy quyết tâm lớn từ gia đình, vị cao tăng Thích Hành Chính đã thu nhận Diên Minh làm đệ tử. Ông là người nhỏ tuổi nhất và được tập võ cùng 17 vị sư huynh.

Phóng sự về Thích Diên Minh được thực hiện tại Mỹ.

Kể từ đó, Diên Minh được truyền dậy nhiều bài công phu. Tuy nhiên do tính tình nghịch ngợm nên có những lúc ông đã bị phạt đánh đòn đến sưng tấy, hoặc phải “trồng cây chuối” cho đến khi mệt nhừ.

Hàng ngày, Diên Minh phải tỉnh dậy từ 4 rưỡi để tập luyện cho tới 10h đêm mới được nghỉ ngơi. Ông chỉ được ngủ trên một mảnh gỗ với một tấm chăn, lắm lúc phải sử dụng chính quần áo để gối đầu.

Đến hồi chừng 14 -15 tuổi, Diên Minh đã sở hữu thân thể tráng kiện nhờ quá trình luyện tập gian khổ.

Hồi đó do chùa thiếu nước sinh hoạt nên hàng ngày ông cùng các sư huynh phải xách từng xô nước dưới suối để cất trữ trong một chiếc bể. Nhưng với Diên Minh thì đó chỉ là “chuyện nhỏ” bởi ông có thể xách cả buổi mà chẳng hề biết mệt.

Năm 16 tuổi, Diên Minh nhận tin dữ khi cha mẹ ông ở quê đã lần lượt qua đời vì ung thư phổi chỉ trong vòng 6 tháng. Kể đó đó ông càng thêm quyết tâm rèn luyện bản thân với niềm tin sẽ dùng võ thuật để thay đổi cuộc đời mình.

Biết bao nghị lực cuối cùng cũng được đền đáp. Tới năm 1985, Thích Diên Minh đã trở thành nhà vô địch trong cuộc thi võ thuật của Thiếu Lâm Tự trong 3 năm liên tiếp và trở thành HLV phó tại Thiếu Lâm Tự.

Đến năm 1992, ông giành giải ở nhiều cuộc thi võ thuật cấp quốc gia, được Hiệp hội Võ thuật Mỹ mời sang để giao lưu và truyền bá võ thuật Thiếu Lâm.

Kể từ đó, ông cũng trở thành người sáng lập võ Thiếu Lâm tại Mỹ và được ca ngợi là một trong những võ sư của châu Á có sức ảnh hưởng lớn nhất.

Dù vẫn sinh sống tại Mỹ từ hơn 2 thập kỷ tuy nhiên với quê hương Trung Quốc, ông vẫn là người được ca tụng nhờ những cống hiến rất lớn trong việc quảng bá võ thuật Thiếu Lâm Tự trên phạm vi thế giới.

Dù rất thành danh trong lĩnh vực võ thuật nhưng ở khía cạnh đời tư, Thích Diên Minh lại từng gây ra không ít sự dị nghị bởi ông đã có 2 người con với Sophia Chang – người nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc mang hai dòng máu Hàn Quốc-Canada.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại