Cào cào lá dừa giữa Sài Gòn: Người bán không vì mưu sinh, chỉ muốn gìn giữ kí ức tuổi thơ

Lan Chi |

Những con cua, cá, châu chấu, cào cào làm từ lá dừa, đung đưa nhảy nhót trên cành tre... đã đưa nhiều người trở về tuổi thơ đầy trong trẻo.

Người gìn giữ kí ức

Hồi bé, đứa nhỏ nào mà không dùng đôi chân trần của mình để chạy thật nhanh qua những quãng đồng hanh hao, chúng rúc vào những bụi cây, lùm cỏ, dựng nên cái chòi nho nhỏ rồi ngồi xếp cào cào bằng lá dừa. Mớ lá dừa được phơi vàng óng ánh đó có khắp nơi, trong nồi bánh thơm lựng của má, hay được bàn tay ba lợp trên mái nhà để che nắng mưa. 

Đó là những kí ức trong trẻo, ngọt lành suốt thời ấu thơ của ông Lê Minh (70 tuổi, ngụ quận Bình Tân). Ấp ôm những hoài niệm ấy gần hết đời mình, ông Minh mới có thể dũng cảm chạy xe máy cọc cạch đi khắp Sài Gòn, ngồi ở ngã tư tỉ mẩn xếp cào cào bằng lá dừa. Sạp hàng của ông rất giản đơn, một hộp đồ nghề, một thùng xốp, một nhành tre treo những chú cào cào, dế choắt... đang nhảy nhót. Ấy vậy mà lại kéo người ta về miền tuổi thơ đầy đẹp đẽ. 

Cào cào lá dừa giữa Sài Gòn: Người bán không vì mưu sinh, chỉ muốn gìn giữ kí ức tuổi thơ - Ảnh 1.

Ông Lê Minh

Ông Lê Minh từng là hoạ sĩ tranh sơn dầu. Khi tuổi đã cao, một bên mắt của ông bị đục thuỷ tinh thể, bên còn lại bị cườm nước. Người hoạ sĩ yêu nghề đành phải ngậm ngùi gác bút.

"Suốt 1 năm rưỡi ở nhà trị bệnh, tôi buồn quá chừng. Nằm trên giường, tôi nhớ về lá dừa Tiền Giang quê mình. Con nít xóm tôi ngày xưa hay bì bõm lội qua những quãng sông chơi đánh trận, chặt lá dừa, rồi mấy bàn tay nhỏ xíu lại tỉ mẩn đan hình con cào cào, con cua, con chim... Tôi vực mình dậy, tìm lá dừa để sáng tác gần 43 con vật khác nhau.

Lúc bày tỏ mong muốn được đi bán cào cào, con cái tôi cản quá chừng. Chúng đã lớn, thành đạt hết rồi nên không muốn ba phải vất vả. Tôi nói rằng nếu tụi con cho ba nằm nhà hoài ba sẽ bệnh, tay chân yếu hơn... Và thế là tôi lên đường bán cào cào", ông Minh nói. 

Những con vật được làm ra từ đôi tay khéo léo của ông Minh

Cũng chính vì lẽ đó, ông Minh bán cào cào châu chấu không phải để mưu sinh, mà để gìn giữ kí ức tuổi thơ. Từ Bình Tân, ông chạy xe máy lên ngã tư đường Cao Thắng (quận 3), lúc tấp vào lề đường quận 1, hay dựng xe ven đường Lê Đại Hành (quận 11)...

Sạp hàng của ông kì lạ ở chỗ, người lớn lại nhiều hơn trẻ con. Có người 40 tuổi, vẫn thắng xe lại, háo hức chạm tay vào những con cào cào làm từ lá dừa, trong đáy mắt vẫn hân hoan như một đứa trẻ... Có cụ bà vẫn mừng mừng rỡ rỡ, mua chú dế choắt lá dừa về cho con cháu chơi. "Cho chúng biết ngày xưa thế nào", bà lí giải với ông Minh. 

Về miền tuổi thơ

Ông Minh kể, trẻ con thời nay rất khác ngày xưa. Chúng ôm lấy iPad, điện thoại, chơi game nhiều hơn là bước ra ngoài cánh cổng nhà. Qua những con cào cào lá dừa, ông muốn mang đến cho chúng món đồ chơi của ngày xưa. Cái thời mà bất kì đứa trẻ nào cũng phải một lần vục đầu xuống dòng sông mát lành, hít hà mùi thơm của lúa non, đi chân trần trên những ụ rơm, trèo cây hái ổi chát hay ném những trái bần trôi...

"Mỗi con vật tôi làm chỉ tầm 5-7 phút. Thời gian nghĩ ra cách làm chúng mới lâu, có khi kéo dài gần cả tháng. Tôi đã từng "truyền nghề" cho một đứa cháu nhưng đến con vật thứ 3 là nó bỏ cuộc vì khó quá (cười lớn). Bạn phải nhớ chính xác từng đường xỏ, nhầm lẫn là hư luôn.

Lá dừa làm cào cào phải là phần cờ bắp, tức là phần lá non có màu ngả vàng bên trong. Cây cờ bắp này vừa dài, vừa nặng, người ta phải lội nước, trèo cao mới có thể mang về. Cào cào bằng lá dừa chỉ khô đi chứ không hư hỏng hay gây độc hại gì. Đó là lí do tôi muốn trao nó cho tụi con nít", ông Minh nói.

Cào cào lá dừa giữa Sài Gòn: Người bán không vì mưu sinh, chỉ muốn gìn giữ kí ức tuổi thơ - Ảnh 4.

Khách đi đường thích thú với món quà tuổi thơ

Mỗi con vật được ông Minh bán với giá 20.000 đồng, nhưng nó có giá trị như một chiếc vé quay trở về tuổi thơ. Bạn Nhật Minh (ngụ quận 2, TP.HCM) cho biết: "Hồi nhỏ, ba cũng từng làm cho mình những con cào cào bằng lá dừa, nay gặp lại thấy sao mà nhớ quê, nhớ ba quá. Ngày xưa, đứa nào mà có được món đồ chơi này là quý lắm, cứ trưng trong tủ kính hoặc treo đầu giường".

Thi thoảng, ông Minh vẫn nhận lời đi làm cổng rạp lá dừa, biểu diễn tạo hình lá dừa tại một số sự kiện. Tiền bạc đối với ông không còn quan trọng nữa, điều quý giá nhất ông nhận được là nụ cười trong trẻo của tụi con nít, cách người lớn xuýt xoa như được một phần tuổi thơ của mình vỗ về...

Cào cào lá dừa chỉ là một món đồ chơi, nhưng nó lại khiến người ta nhớ về một khúc sông xưa, một đồng lúa chín, một mái nhà tranh. Đôi khi, người lớn chỉ có khao khát được bé lại...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại