Trước kia, cứ vào mùa cao điểm du lịch, Phuket - “mỏ vàng du lịch” của Thái Lan, luôn chật kín khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.
Các loại trượt ván, đi du thuyền, lướt cano ầm ầm qua làn nước trong xanh. Những chiếc dù che nắng sặc sỡ sắc màu chạy dọc bờ biển cũng là một điểm thu hút tầm mắt mọi người.
Không khí tràn ngập tiếng cười đùa vui vẻ, mua bán nhộn nhịp. Các tài xế taxi, nhân viên nhà hàng hay người phục vụ bãi biển đều bận rộn không ngừng nghỉ.
Thế nhưng, tháng 4 năm 2021, CNN đưa tin về tình trạng trống vắng đến lạ lùng tại Bãi biển Patong của Phuket. Bờ biển vẫn trong xanh, bãi cát vẫn trắng mịn nhưng vắng bóng du khách tới tận hưởng.
Các bãi biển tại Phuket vắng lặng gần như đảo hoang, rất hiếm mới thấy bóng dáng du khách. Ảnh: CNN
Phần lớn các cơ sở kinh doanh gần đó đã đóng cửa, một số treo biển “Bán cửa hàng”. Các khách sạn đã dựng hàng rào xung quanh để chặn các lối vào. Ngay cả các chuỗi cửa hàng của Mỹ như McDonald's, Burger King và Starbucks cũng chung tình trạng.
Anthony Lark, chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Phuket cho biết: “Các bãi biển Patong, Karon và Kata là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên đảo Phuket. Ba khu vực này phụ thuộc 95% vào du lịch quốc tế nên phải đối mặt với sự sụt giảm nặng nề".
Quản lý một nhà hàng trên bãi biển Kata, anh Su Sutam cho biết: “Không có ai tới cả, thỉnh thoảng còn có người dân ghé qua nhưng chúng tôi chỉ phục vụ 1-2 bàn khách mỗi ngày. Mọi thứ thật tồi tệ. Trước kia, chúng tôi luôn chật kín khách khứa ở cả 2 tầng, từ trong ra ngoài.”
Các nhân viên của nhà hàng cũng chỉ được trả 50% tiền lương. Tất cả đều đang trông chờ sự trở lại của du khách nước ngoài.
Với ít khách du lịch quốc tế, các cơ sở kinh doanh của Patong buộc phải đóng cửa. Ảnh: CNN
Đối với Khu bảo tồn Voi Phuket, họ thậm chí còn không thể đóng cửa. 12 con voi đang sinh sống tại đây vẫn cần được chăm sóc và cho ăn mỗi ngày.
Tổng giám đốc Vincent Gerards của Khu bảo tồn cho biết: “Chi phí nuôi một con voi khoảng 20.000 đến 30.000 baht Thái mỗi tháng. Cả Khu bảo tồn cần khoảng 7.500-8.000 đô la mỗi tháng để duy trì các hoạt động này.”
Gerards cho biết thêm: “Khoảng 85% dân số Phuket phụ thuộc vào du lịch. Người làm việc trong khách sạn, người làm tài xế taxi, ngư dân… Tất cả đều liên kết với nhau và sinh sống dựa vào dịch vụ cho du khách nước ngoài. Vì vậy, Covid-19 đã giáng một đòn mạnh lên toàn bộ hòn đảo.”
Thái Lan đã phải đưa ra rất nhiều nỗ lực để phục hồi, thậm chí thực hiện kế hoạch "Phuket Sandbox" để các du khách đã tiêm phòng đầy đủ không phải thực hiện cách ly 14 ngày.
Theo Reuters, số lượng du khách đến tới “mỏ vàng du lịch” của Thái Lan trong tháng 7 năm 2021 vẫn chỉ bằng 1% so với con số trước đại dịch. Mỗi ngày, Phuket chỉ đón khoảng 450 lượt khách nước ngoài. Trước đó, thiên đường du lịch hấp dẫn tới 43.000 lượt khách/ngày.
Cảnh tượng đông đúc trước kia tại “mỏ vàng du lịch” Phuket. Ảnh: CNN
Trước đại dịch, du lịch là một trong những nguồn lực chính của nền kinh tế Thái Lan, chiếm 12% GDP. Ảnh hưởng đến từ Covid-19 khiến rất nhiều người dân lâm vào thất nghiệp và nghèo đói.
Trong quý II năm nay, Thái Lan đã mất 550.000 việc làm du lịch sau làn sóng virus mới. Đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng nhất ở Thái Lan bắt đầu từ tháng 4 và đã ảnh hưởng nặng nề đến chi tiêu trong nước cũng như du lịch.
Hội đồng Du lịch Thái Lan cho biết, 36% doanh nghiệp du lịch đóng cửa tạm thời và 4% vĩnh viễn. Niềm tin du lịch đã hạ xuống mức thấp kỷ lục trong quý hiện tại.
Chủ tịch Chamnan Srisawat chia sẻ, kể từ khi đại dịch xảy ra, hơn 2 triệu công nhân du lịch đã mất việc làm. Chỉ riêng quý I/2021, con số đã lên tới 400.000 người.
Thất nghiệp quá lâu khiến rất nhiều người lâm vào cảnh khó khăn, nghèo đói. Theo một phát ngôn viên của ngành du lịch Thái Lan, tại thành phố phía Nam của đất nước này là Hat Yai, đã có 9 hướng dẫn viên du lịch tự sát vì túng quẫn. Nhiều người đến từ Phuket, quận Yala’s Betong và Bangkok.
Witthaya Sae Lim, Cựu chủ tịch hiệp hội hướng dẫn viên chuyên nghiệp Songkhla, cho biết khoảng 600 hướng dẫn viên địa phương đã không có việc làm kể từ đầu năm ngoái.
Không ít người bế tắc, rơi vào trầm cảm. Một số khác thì lao vào các tệ nạn xã hội, bắt đầu hành vi trộm cắp để có thể sống sót qua đại dịch. Dù không có lấy một đồng thu nhập, họ vẫn phải chi trả các khoản chi phí thuê nhà và sinh hoạt. Một số còn phải trang trải học phí của con cái.