Theo CNN, Trung Quốc đã quyên góp ít nhất 150.000 khẩu trang, một số lượng lớn trang thiết bị và máy móc y tế tới Peru cũng như ít nhất 10 máy thở, 50.000 bộ xét nghiệm và 100.000 khẩu trang tới Argentina. Tỷ phú Trung Quốc Jack Ma cũng tài trợ 100.000 khẩu trang, 50.000 bộ xét nghiệm và 5 máy thở tới Mexico…
Tuy nhiên, danh sách trên chỉ là một phần trong những hoạt động gần đây của Bắc Kinh tại khu vực.
Tới cuối tháng 6, các thực thể Trung Quốc đã tiến hành gần 300 giao dịch liên quan tới hỗ trợ thời COVID-19 trên toàn Mỹ Latin và Caribbean. "Điều này không chỉ xuất phát từ quan tâm viện trợ nhân đạo mà nó còn góp phần giúp Trung Quốc đảm bảo rằng hình ảnh của họ không bị phá hoại", bà Margaret Myers từ tổ chức tư vấn chính sách Đối thoại Liên châu Mỹ cho biết.
Trong 15 năm qua, Trung Quốc đã "đổ" hàng chục tỷ USD vào Mỹ Latin và Caribbean – chủ yếu dưới hình thức cho các chính phủ địa phương vay trong nhiều dự án khác nhau. Gần 20 quốc gia đã kí kết tham gia Sáng kiến Vành đai, Con đường – chương trình phát triển hạ tầng cơ sở toàn cầu do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.
Không chỉ các tập đoàn nhà nước lớn mà cả các trung tâm văn hóa do chính phủ Trung Quốc tài trợ cũng đã xuất hiện tại nhiều quốc gia Mỹ Latin và Carribean.
Trước thái độ của cộng đồng quốc tế về việc virus corona mới xuất hiện đầu tiên tại Vũ Hán và cách Trung Quốc xử lý đại dịch trong thời gian đầu, cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc Jorge Guajardo cho rằng, các chiến dịch viện trợ của Trung Quốc gần đây "có phần giống như một lời xin lỗi". "Nó giống như, đúng vậy, chúng tôi làm không tốt với đại dịch. Nhưng chúng tôi đang cố là một phần của giải pháp chứ không phải là một phần của vấn đề", ông Guajardo nói.
Mỹ lùi bước, Trung Quốc tiến bước
Hồi tháng 3-5, "ngoại giao khẩu trang" của Trung Quốc từng là một chủ đề nóng trên truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, khi dịch bệnh tại Mỹ trở nên tồi tệ hơn, thay vì gửi thiết bị bảo hộ y tế và viện trợ tới đồng minh, Mỹ lại "đóng băng" vận chuyển và chỉ phân phối trong nội địa.
Điều đó khiến vai trò của Trung Quốc trở nên nổi bật ngay tại khu vực từng là "sân sau" của Mỹ.
Tại một cuộc họp với các ngoại trưởng Mỹ Latin và Carribean để công bố chương trình vay trị giá 1 tỷ USD, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói: "Trung Quốc sẽ không thay đổi chiến lược và tầm quan trọng lâu dài đặt ra trong mối quan hệ với Mỹ Latin và Caribbean… Mối quan hệ hai bên sẽ trở nên mạnh mẽ hơn hậu COVID-19".
Một số chuyên gia nhận định, việc không xuất hiện nhiều hơn trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch, Mỹ đang bỏ qua một cơ hội lớn. Cho tới gần đây, Mỹ mới bắt đầu gia nhập "cuộc chơi". Trong khi Trung Quốc tập trung vào các quyên góp đồ cụ thể, Mỹ lại nhắm vào tiền viễn trợ.
Cơ quan Phát triển Quốc tế cho hay đã dành 141,4 triệu USD vào hoạt động đối phó với COVID-19 tại Mỹ Latin và Caribbean từ tháng 3. Hơn 1.800 máy thở đã được gửi tới 7 quốc gia và con số dự kiến còn gia tăng.
Cạnh tranh giữa các cường quốc
Một trong những cách tốt nhất để đầy lùi đại dịch là các nước cùng hợp tác với nhau; tuy nhiên, đó dường như không phải là những gì đang diễn ra ở Mỹ Latin và Caribbean – ít nhất là liên quan tới Mỹ và Trung Quốc.
"Khu vực này đang ngày càng bị kéo vào bầu không khí địa chính trị nơi mọi thứ đều bị định hình bởi căng thẳng Mỹ-Trung", ông Pepe Zhang của Hội đồng Đại Tây Dương nói. "Viện trợ COVID-19 cũng là một lĩnh vực bị chính trị hoá'.
Điều đó có nghĩa, viện trợ chưa chắc được phân bổ một cách hiệu quả nhất. "Chính phủ chắc chắn sử dụng viện trợ nước ngoài như một cách mở rộng chính sách ngoại giao và tìm cách đạt được những mục tiêu phù hợp với các giá trị và mục đích an ninh quốc gia", Cynthia Arnson, giám đốc chương trình Latin America thuộc Trung tâm Wilson nhận định.
Ai chiến thắng?
Về bề ngoài, Trung Quốc có vẻ dành ưu thế khi nhanh chóng trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nhiều nước trong khu vực. Mặc dù vậy, CNN dẫn lời các chuyên gia nhấn mạnh, Trung Quốc không thể nào hoàn toàn vượt qua Mỹ trong khu vực.
"Có một số khoảng trống do Mỹ để lại", cựu đại sứ Guajardo nói. "Tôi không nghĩ điều đó là mãi mãi hay sẽ được Trung Quốc lấp đầy một cách sớm nhất".
Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất khu vực và là nguồn đầu tư nước ngoài chủ chốt. Ngoài ra còn chưa kể đến lịch sử lâu dài của Mỹ trong khu vực cũng đã để lại nhiều ảnh hưởng khó phai.
"Mỹ vẫn có những mối quan hệ kinh tế rất đa dạng, cũng như các quan hệ văn hóa quan trọng cùng quan hệ mang tính phụ thuộc mà Trung Quốc không có", bà Myers chỉ ra.
Bên cạnh đó, nhiều học gia cho rằng, ngay cả khi nhận được nhiều lời ca ngợi vì các hoạt động tài trợ trong dịch bệnh, điều đó vẫn không đủ để khiến toàn bộ khu vực nằm dưới ảnh hưởng của Bắc Kinh.
"Tôi nghĩ phần lớn là sự giao dịch, ở thời điểm hiện tại các nước này đang cố gắng giành được nhiều trợ giúp nhất có thể", bà Myers nhận xét về thái độ "hồ hởi" của các nước Mỹ Latin và Caribbean trước Trung Quốc.
Một yếu tố khác cũng được đánh giá là có khả năng thay đổi cuộc chơi trong khu vực đối với Trung Quốc, chính là một loại vaccine COVID-19 có thể được phân phối rộng rãi và dễ dàng. Nếu một công ty Trung Quốc phát triển thành công vaccine và đem nó tới Mỹ Latin và Caribbean theo gói cho vay 1 tỷ USD của Bắc Kinh - giúp các nước trong khu vực vượt qua cuộc khủng hoảng tập thể tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại, mọi chuyện có thể sẽ khác biệt lớn.
"Đây sẽ là kiểu sự kiện được ghi nhớ, công chúng sẽ nhận ra có người đang giúp đỡ mình và người khác thì không", đại sứ Guajardo nhận định. "Đó sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi, có ý nghĩa hơn nhiều so với khẩu trang hay quần áo bảo hộ".