Cạnh tranh huy động “làm khó” lãi suất cho vay ưu tiên

Trần Thúy |

Lãnh đạo ngân hàng cho rằng, lãi suất huy động đầu vào của các ngân hàng thương mại phải đảm bảo cạnh tranh trên thị trường, nguồn vốn rẻ rất hạn chế...

Phát biểu tại Hội nghị về tín dụng đối với các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách tại các tỉnh phía Bắc mới đây, đại diện Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, đối với các khoản cho vay cho ngành ưu tiên của Chính phủ phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 55/2015/NĐ-CP), lãi suất cho vay VietinBank hiện đang quy định là 5,5% để đảm bảo mức vốn giá thấp cho lĩnh vực này.

Tuy nhiên, đại diện ngân hàng này cũng cho biết, lãi suất huy động đầu vào của các ngân hàng thương mại phải đảm bảo cạnh tranh trên thị trường, nên nguồn vốn rẻ rất hạn chế.

Theo đó, việc áp dụng một mức lãi suất cố định để hỗ trợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ảnh hưởng khá lớn đến hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại.

“Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực có độ rủi ro cao, đặc biệt lại là nông nghiệp tại địa bàn miền núi, do vậy dẫn đến thực trạng chi phí triển khai cho vay cao nhưng mức lãi suất cho vay lại chưa tương đồng với rủi ro của khoản vay", đại diện VietinBank nói.

Một vướng mắc khác được ngân hàng đưa ra là chất lượng thông tin của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thấp, báo cáo tài chính không đủ độ tin cậy hoặc không qua kiểm toán độc lập nên chưa đáp ứng các điều kiện vay vốn trong xu thế minh bạch hóa thông tin như hiện nay.

Ngoài ra, các phương án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả hoặc khách hàng không có kinh nghiệm đối với việc xây dựng phương án, lưu giữ chứng từ chứng minh mục đích vay, sổ sách thu chi... nên các ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi xét duyệt cho vay và giám sát vốn vay.

“Quy mô vốn nhỏ, kinh nghiệm và khả năng quản lý còn nhiều hạn chế dẫn đến năng lực sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn cũng còn nhiều mặt cần cải thiện", đại diện VietinBank cho hay.

Đặc biệt, do là địa bàn gặp nhiều khó khăn về vận chuyển và giao thương nên sức chịu đựng rủi ro của các doanh nghiệp thấp, khi thị trường hoặc đối tác có biến động, việc tìm kiếm các đối tác, thị trường thay thế rất khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp.

Mặt khác, việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm đối với một số ngành nghề sản xuất trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi…) hiện còn hạn chế, rất hiếm các công ty bảo hiểm có sản phẩm bảo hiểm cho ngành nông nghiệp, có thì cũng không khuyến khích mở rộng và chưa đảm bảo quyền lợi cho người nông dân, doanh nghiệp cũng như đảm bảo an toàn vốn vay cho các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, cũng theo ý kiến trên, trong điều kiện vận chuyển, đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hạn chế, các đơn vị hoạt động trên địa bàn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn thông tin.

Hiệu quả phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… từ các nguồn chính thống như tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệpvà các tổ chức chính trị - xã hội với các doanh nghiệp còn chưa được thường xuyên, dẫn tới các mắt xích trong chuỗi giá trị phát triển chưa đồng bộ, không thể tạo ra chuỗi giá trị bền vững, hiệu quả kinh tế cao.

Thực tế này khiến cho các ngân hàng khi đánh giá tính khả thi đối với kế hoạch sản xuất kinh doanh của khách hàng gặp nhiều khó khăn khi đầu vào đầu ra của phương án đều chưa bền vững.

Về nhóm các lĩnh vực ưu tiên, vừa qua các ngân hàng thương mại lớn có sở hữu Nhà nước chi phối cùng một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn đã thực hiện giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay. Nhưng, như trên, bản thân các ngân hàng cũng gặp hạn chế về nguồn vốn rẻ, trong khi lãi suất huy động cạnh tranh "nóng" hơn trong thời gian gần đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại