Cảnh sát trật tự có quyền tháo biển kiểm soát xe ô tô vi phạm?

Hoàng Đan |

Các luật sư đã có những ý kiến xung quanh việc cảnh sát trật tự tiến hành tháo biển số xe ôtô có hành vi vi phạm ở Hải Dương.

Hình ảnh một số cảnh sát trật tự tại Hải Dương tháo biển một chiếc ôtô có hành vi dừng đỗ không đúng quy định đang gây ra nhiều ý kiến tranh luận khác nhau trong vài ngày qua.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, tại điều 21 luật xử phạt vi phạm hành chính 2102 quy định các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng đã nêu rõ các mức:

Cảnh cáo; Phạt tiền; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính); Trục xuất.

Tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt, thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong các hành vi vi phạm, các cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền.

Cảnh sát trật tự có quyền tháo biển kiểm soát xe ô tô vi phạm? - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm.

"Nhưng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân hay tổ chức có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe ; tịch thu tang vật, phương tiện...

Đặc biệt, trong tất cả các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đều không cho phép tháo biển số ô tô, xe gắn máy...", luật sư Thơm thông tin.

Tuy nhiên, tại Nghị quyết 32/2007/NQ-CP về "Một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông".

Theo đó, trong phần 2 của Nghị quyết 32 nhằm "... nâng cao năng lực cho lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông vận tải" có nêu rõ nhiệm vụ cho lực lượng chức năng như sau:

"Thực hiện đình chỉ lưu hành các phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông bằng hình thức tạm giữ phương tiện hoặc tạm giữ đăng ký phương tiện, biển số đăng ký, sổ chứng nhận bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo thời hạn quy định của pháp luật hiện hành"

"Như vậy, với việc Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về "Một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông" thì nói đến việc cho phép tháo biển số xe.

Trong khi Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hành vi vi phạm, hình thức, mức xử phạt, thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ lại nói không thực hiện việc tháo giữ biển số xe.

Từ đó, cho thấy vấn đề này đã và đang gây nhiều tranh cãi. Nhưng xét trên thực tế hiện nay thì các lực lượng cảnh sát vẫn có quyền được tháo biển số xe ô tô vi phạm. Tuy nhiên phải được thực hiện theo qui định của pháp luật", luật sư Thơm nêu rõ.

Trong khi đó, luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội) lại cho rằng, nếu tháo biển số của người vi phạm sẽ không phải là một giải pháp tích cực, chỉ làm vụ việc thêm khó giải quyết và gây bức xúc cho người vi phạm.

"Theo quy định tại Điều 20, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP trước đây thì có quy định về biện pháp tháo biển số, tịch thu biển số với những xe sử dụng biển số giả, gắn biển số sai quy định.... 

Biện pháp xử lý này không áp dụng với hành vi vi phạm là dừng đỗ sai quy định.

Về nguyên tắc thì những hành vi bị cấm chỉ được quy định trong văn bản luật, văn bản dưới luật không được phép quy định thêm các hành vi ngăn cấm hoặc quy định các chế tài, biện pháp xử lý ngoài các biện pháp đã được luật quy định.

Vì vậy, cá nhân tôi không đồng tình với hành động tháo biển số của những người có dấu hiệu vi phạm hành chính ở lỗi dừng, đỗ xe sai quy định", luật sư Cường nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại