Thống đốc Ibaneis Rocha ngày 8-1 xác nhận với đài CNN rằng cảnh sát đã "quét sạch người biểu tình" khỏi toà nhà Quốc hội, Toà án Tối cao và Dinh Tổng thống, đồng thời bắt giữ ít nhất 400 "kẻ bạo loạn".
"Họ sẽ phải trả giá cho những tội ác đã gây ra. Chúng tôi đang tiếp tục xác định tất cả những người tham gia vào hành động khủng bố này và sẽ lập lại trật tự" - Thống đốc Rocha nói thêm.
Quan chức Bộ Tư pháp Brazil Ricardo Cappelli cho biết ông đã đích thân chỉ huy lực lượng an ninh dập tắt cuộc bạo loạn.
Người biểu tình xông vào toà nhà quốc hội Brazil ngày 8-1. Ảnh: Reuters
Lãnh đạo đảng Tự do Valdemar Costa Neto tuyên bố "hôm nay là một ngày buồn đối với đất nước Brazil".
“Chúng ta không thể đồng ý việc bãi bỏ quốc hội. Tất cả biểu hiện có trật tự là hợp pháp. Tình trạng rối loạn chưa bao giờ là một phần của đất nước chúng ta. Tôi muốn nói với các bạn rằng chúng tôi cực lực lên án kiểu thái độ này. Luật pháp phải được thực thi, củng cố nền dân chủ của chúng ta" - ông Neto nói.
Người đứng đầu văn phòng truyền thông của tổng thống Brazil, Paulo Pimenta, đã công bố một đoạn video quay cảnh người biểu tình đi lại trong Điện Planalto. "Tôi đang ở trong văn phòng của mình trên tầng hai của Điện Planalto. Như các bạn thấy đó, mọi thứ đã bị phá hủy, bao gồm các tác phẩm nghệ thuật" - ông Pimenta phát biểu trong đoạn video.
Đồ đạc nằm ngổn ngang sau khi người biểu tình "gây bão" các toà nhà chính phủ quan trọng ở thủ đô Brasilia của Brazil ngày 8-1. Ảnh: Reuters, AP
Thủ đô Brasilia của Brazil là một phần của Đặc khu Liên bang. Đây là nơi đặt các toà nhà chính phủ quan trọng.
Vài tuần sau khi ông Bolsonaro thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 10 năm ngoái, hàng ngàn người ủng hộ ông đã tập trung tại các doanh trại quân đội trên khắp đất nước, yêu cầu quân đội can thiệp vì "cuộc bầu cử đã bị đánh cắp".
Cuộc bạo loạn ngày 8-1 xảy ra khoảng 1 tuần sau lễ nhậm chức của Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva. Ông Lula đánh bại ông Bolsonaro trong cuộc bầu cử ngày 30-10-2022 và quay trở lại nắm quyền sau 12 năm bị gián đoạn.
Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh chính trị căng thẳng và phân cực ở Brazil, quốc gia đang đối mặt với lạm phát cao, tăng trưởng hạn chế và nghèo đói gia tăng.
Chính quyền của ông Bolsonaro cam kết sẽ hợp tác với quá trình chuyển giao quyền lực song ông Bolsonaro chưa chính thức thừa nhận thất bại. Ông đã rời Brazil tới Mỹ trước lễ nhậm chức của ông Lula.
Ông Lula phát biểu về cuộc bạo loạn ngày 8-1. Ảnh: CNN