"Cành ô liu" Olympics của Triều Tiên sẽ chỉ làm Hàn Quốc thất vọng?

Thùy Lâm |

Ngoại giao thể thao có thể là cơ hội để chụp ảnh lưu niệm, chứ không thể dẫn tới khả năng hòa bình, hợp tác thực sự, nhà báo Australia John Power nhận định.

Mới đây, nhà báo Australia John Power đã có bài phân tích trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) về khả năng phá băng trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, dựa trên những động thái mới đây liên quan tới Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang.

Theo ông Power, môn thể thao mà Triều Tiên có thể sẽ tham gia trong Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang - trượt băng nghệ thuật - mặc dù rất duyên dáng nhưng sẽ không mở ra một kỷ nguyên hòa bình và hòa giải trên bán đảo Triều Tiên.

Nếu để ý những động thái gần đây của lãnh đạo Hàn Quốc thì cũng có thể có suy nghĩ khác.

Kể từ khi lãnh đạo Triều Tiên sử dụng bài phát biểu nhân dịp Năm mới để phát tín hiệu Bình Nhưỡng sẵn sàng tham gia Thế vận hội, Seoul đã đưa ra những thông báo tích cực về khả năng quan hệ hai miền được tan băng.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, quan điểm về Thế vận hội của ông là không có gì ngoài "cơ hội bắt đầu cải thiện quan hệ liên Triều và thiết lập hòa bình".

Với động thái nối lại đường dây nóng hôm 3/1 và quyết định chấp nhận đàm phán với Seoul của Bình Nhưỡng, Hàn Quốc có thể nhận thấy hy vọng của mình ở Thế vận hội, sự kiện làm nổi bật quan hệ hợp tác liên Triều. Tuy nhiên, sự kiện này sẽ không thuyết phục được lãnh đạo Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.

Còn nhớ trong Thế vận hội châu Á năm 2014 tại Incheon, đã có những tuyên bố đáng chú ý tương tự về sức mạnh biến đổi của ngoại giao thể thao. Sau nhiều lần "bàn tới bàn lui", Triều Tiên đã tham gia, mặc dù người đóng thuế Hàn Quốc phải gánh một cái giá, trả cho phần lớn chi phí ăn ở của phái đoàn.

Tại Olympics Mùa hè Sydney năm 2000 và Olympics Mùa hè Athens năm 2004, khi chính sách "Ánh dương" về hợp tác liên Triều đang được áp dụng triệt để, vận động viên hai nước thậm chí còn diễu hành cùng nhau dưới một lá cờ miêu tả một bán đảo Triều Tiên không bị chia cắt.

Kết quả của tất cả những nỗ lực ngoại giao thể thao ấy là gì?

Năm 2006, Triều Tiên hoàn tất vụ thử hạt nhân lần đầu tiên. Tháng 9 năm 2017, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu với sức công phá mạnh nhất từ trước đến nay. Hai tháng sau đó, Triều Tiên thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tấn công bất cứ nơi nào trên toàn bộ lãnh thổ Mỹ.

Theo ông John Power, cách tiếp cận mới nhất của Hàn Quốc liên quan đến sự kiện Olympics sắp tới sẽ thất bại bởi nó dựa trên một tiền đề không rõ ràng: Sau 7 thập kỷ chia cắt, hai miền Triều Tiên bị chia rẽ cả do những hiểu nhầm, nghi kỵ lẫn nhau, cả do biên giới kiên cố giữa hai nước.

Điều này cho thấy, Triều Tiên và Hàn Quốc chỉ có thể vượt qua bất đồng nếu họ dành thời gian để đàm phán kỹ lưỡng về các vấn đề tồn đọng.

Kết thúc bài viết, nhà báo John Power cho rằng, không có gì đáng phàn nàn về việc Triều Tiên tham gia Thế vận mùa đông vào tháng sau.

Nhân sự kiện này, bằng mọi cách Tổng thống Moon sẽ hoan nghênh phái đoàn Triều Tiên đến tham dự nếu Bình Nhưỡng gửi các vận động viên của họ tới. Tuy nhiên, ông Power khuyến cáo: Đừng mong đợi điều này sẽ giúp thay đổi cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên hiện nay, nếu không bạn sẽ chỉ thất vọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại