Hoạt động kinh doanh tại các tuyến phố tập trung đông đúc các trường cấp 3 và đại học như Xuân Thủy, Nguyễn Trãi, Hà Nội trong thời gian này đều "khóc dở mếu dở" vì học sinh, sinh viên vẫn tiếp tục được nghỉ học để tránh dịch corona.
Nhiều cửa hàng trong tuyến phố đã phải tạm thời đóng cửa bởi công việc kinh doanh khôn mấy khả quan, không doanh thu để chi trả tiền điện nước và tiền thuê nhân viên.
"Cửa hàng tôi chủ yếu bán dụng cụ học tập cho học sinh. Tuy nhiên, trường học vẫn tiếp tục cho học sinh nghỉ nên từ sau Tết, tôi chưa bán được gì. Hoạt động kinh doanh của cửa hàng tôi đang rơi vào trạng thái tê liệt tạm thời", chị Nguyễn Thị Hà, chủ cửa hàng tại Thanh Xuân, Hà Nội cho biết.
Một cửa hàng chuyên bán sách giáo khoa và dụng cụ học tập tại Hà Nội đã tạm thời đóng cửa.
Một số cửa hàng khác vẫn tiếp tục mở cửa kinh doanh nhưng gần như không có người mua hàng.
Tương tự như trên, hoạt động kinh doanh tại các quán bán đồ ăn nhanh cũng vô cùng ảm đạm. Chị Nguyễn Thị Nhàn, Đống Đa cho biết, từ sau Tết, do cửa hàng không có khách nên thỉnh thoảng, chị lui tới quán lau dọn bàn ghế cho đỡ bụi sau đó lại đóng cửa ra về.
"Trước khi virus Covid-19 xuất hiện, mỗi ngày của hàng nhà tôi bán được khoảng hơn 100 suất ăn cho học sinh. Nhưng bây giờ, số đơn khách gọi đã giảm xuống chỉ còn 30 - 40 suất.
Hiện chúng tôi bán hàng qua mạng, nhưng số lượng đơn hàng không nhiều, chỉ bán cho qua ngày, chờ học sinh quay lại trường", anh Nguyễn Thắng, chủ hàng đồ ăn nhanh tại Đặng Văn Ngữ chia sẻ.
Thậm chí, để tự "giải cứu" cho hoạt động kinh doanh, giảm sức ép tài chính cho cửa hàng và cả bản thân, nhiều chủ hàng phải đi kiếm việc khác để có thêm thu nhập trả tiền thuê mặt bằng, có thêm tiền phục vụ như cầu sinh hoạt của gia đình.
...chỉ có một số tài xế giao hàng đợi nhận đồ ăn.
Liên quan đến đề xuất cho học sinh nghỉ tiếp tháng 3 của TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết ngày 21/2, Bộ GD-ĐT sẽ nêu quan điểm chính thức sau cuộc họp với lãnh đạo Chính phủ và các ban, ngành liên quan.
Cũng trả lời với báo chí trước đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT cho rằng, cần theo sát tình hình diễn biến dịch bệnh theo khuyến cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành y tế, để quyết định cho học sinh nghỉ tiếp hay đi học trở lại.
Tuy nhiên, về mặt chuyên môn, ông Thành bày tỏ, nếu phải cho học sinh nghỉ học nhiều hơn nữa, kéo dài hơn thì rõ ràng thấy nhiều bất lợi. Ví dụ phải điều chỉnh thời gian kết thúc năm học và thi THPT quốc gia cũng phải lùi lại….
Tình hình dịch bệnh corona không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các hàng quán cạnh các trường học mà còn tác động không hề nhỏ tới việc buôn bán tại quán nhậu hay trung tâm thương mại.
Phía bên ngoài nhà hàng bia khá nổi tiếng trên đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội, tấm băng rôn thông báo, nhà hàng sẽ mở cửa trở lại đón khách sau đợt nghỉ Tết Nguyên Đán vào ngày 3/2/2020. Tuy nhiên, đến nay, đã gần nửa tháng trôi qua, do lo ngại về dịch corona, nhà hàng vẫn "cửa đóng then cài", chưa hoạt động trở lại.
Một nhân viên tại nhà hàng này cho biết, họ phải dời lịch mở cửa vì đang có dịch. Hiện, nhà hàng vẫn chưa có thông báo chính thức khi nào sẽ hoạt động trở lại.
Tại TTTM Aeon Mall Hà Đông, ngày thường, nơi đây tập trung rất đông khách hàng đến vui chơi, mua sắm nhưng những ngày qua vô cùng vắng vẻ, ảm đạm. Các gian hàng phủ bạt, nhân viên ngồi "tám chuyện" vì không có khách mua hàng.
Hàng nhậu nổi tiếng nhất nhì Hà Nội cũng đóng cửa im lìm.