Cảnh giác trước bẫy lừa đảo
Không chỉ người dân ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa phía Bắc và phía Nam nằm trong “kế hoạch” lừa đảo của nhóm tội phạm mà ngay tại Hà Nội cũng có nhiều nạn nhân dính “bẫy” của chúng.
Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) nhận được nhiều trình báo của bị hại về việc họ bị một số đối tượng giả danh là cán bộ Công an gọi điện đến lừa gạt để họ chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng này.
Điều đáng nói là nhiều nạn nhân bị lừa với số tiền lớn từ vài trăm triệu tới hàng tỷ đồng. Nạn nhân gần đây nhất là chị Nguyễn Thị G., ở Hà Nội.
Chị G. nhận được điện thoại của một người đàn ông tự giới thiệu là cán bộ của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy (Bộ Công an) nói rằng chị đang liên quan đến một đường dây buôn bán trái phép các chất ma túy.
Cơ quan điều tra đang chuẩn bị triệu tập chị lên làm việc, chị phải nộp một khoản tiền để bảo lãnh. Nghe đầu dây bên kia thông báo như thế, chị G. bủn rủn chân tay.
Sau vài câu trao đổi, người bên kia yêu cầu chị gửi tiền vào tài khoản của cơ quan điều tra, chị G. cũng tin và răm rắp nghe theo với số tiền 1,8 tỷ đồng.
Trường hợp thứ hai là một thầy giáo đã nghỉ hưu. Đối tượng giả danh là cán bộ của Cục CSĐT tội phạm về quản lý trật tự Kinh tế và Chức vụ nói ông liên quan đến một tổ chức rửa tiền và yêu cầu ông nộp tiền bảo lãnh vào tài khoản với số tiền 400 triệu đồng.
Thầy giáo này đã ra ngân hàng gửi tiền, khi gửi xong ông mới giật mình biết là bị lừa, vội vàng chạy tới Công an quận Hoàng Mai trình báo.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an quận đã phối hợp với ngân hàng phong tỏa tài sản và kịp thời thu hồi được một nửa số tiền ông đã gửi.
Theo cán bộ điều tra thì đối tượng chỉ chờ trực con mồi gửi tiền là lập tức rút tiền ngay. Chúng di chuyển đến các cây ATM rất nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn đã rút được 200 triệu đồng.
Công an quận Hoàng Mai cho biết, nhiều nạn nhân đã “dính” bẫy của đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp, có người đã chuyển khoản đến vài tỷ đồng cho đối tượng.
Hơn nữa, thời gian gần đây, những tên tội phạm còn dùng thủ đoạn tìm trên các báo để tìm các vụ án mới xảy ra.
Sau đó chúng tìm cách lần mò địa chỉ của người nhà và gọi điện đến nói rằng chạy được án hoặc gửi được tiền vào lo cho bị cáo ở trong trại. Khi nạn nhân cắn câu, chúng cử người đến nhà lấy tiền hoặc người nhà chuyển tiền qua tài khoản cho chúng.
Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tham gia tố giác tội phạm
Theo Đại tá Hoàng Anh, Chánh văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lạng Sơn thì tuyên truyền là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay, qua các phương tiện thông tin truyền thông người dân biết đến thủ đoạn lừa đảo mà cảnh giác, kịp thời báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Hoàng Anh cho biết, anh vừa nhận được thông tin một người dân ở tỉnh Hà Giang sau khi nhận được điện thoại của người tự xưng là Công an đang điều tra vụ án ma túy có liên quan đến số tài khoản của người dân này đã yêu cầu nộp tiền, người dân đã cảnh giác và báo ngay cho cơ quan Công an.
Nhờ được tuyên truyền nên người dân này đã không trở thành bị hại của nhóm đối tượng lừa đảo.
“Khi người dân nhận được cuộc gọi tự xưng là cán bộ điều tra của Bộ Công an đang điều tra vụ án ma túy có liên quan đến tài khoản của bị hại, yêu cầu bị hại chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản sang tài khoản của nhóm đối tượng này để xác minh, nếu như không liên quan thì sẽ trả lại toàn bộ thì người dân tuyệt đối không tin và chuyển tiền cho đối tượng. Người dân phải nhanh chóng báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất” - Đại tá Hoàng Anh khuyến cáo.
Vì sao bị hại trong các vụ lừa đảo này đều dễ dàng bị đối tượng thuyết phục mà chuyển tiền, liệu họ có liên quan đến vụ án nào đó không? Theo Đại tá Hoàng Anh thì trong vụ án mà Công an tỉnh Lạng Sơn khám phá thì hầu hết các bị hại đều không liên quan.
“Vụ án này không có bị hại nào là người Lạng Sơn, nhưng sở dĩ đối tượng chọn Lạng Sơn làm địa bàn để mở tài khoản ngân hàng là bởi đây là tỉnh giáp với Trung Quốc thuận lợi cho việc chuyển tiền và có dịch vụ đổi tiền. Khi Công an Lạng Sơn đấu tranh mạnh thì chúng chỉ đạo nhóm đối tượng thuê người mở tài khoản ở Bắc Giang, Bắc Ninh để hòng trốn tránh việc điều tra” - Đại tá Hoàng Anh cho biết.
Để không còn lừa đảo thì chỉ có cách người dân tự nhận thức để mình không “dính bẫy”. Phòng PC44 Công an tỉnh Lạng Sơn thường xuyên phối hợp phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng thủ đoạn lừa đảo này để nhân dân cảnh giác.
Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã có công văn gửi Trưởng Công an các huyện, thành phố của Lạng Sơn tổ chức tuyên truyền đến từng thôn, bản để chủ động phòng ngừa.
Phòng PC44 đã tăng cường phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn Lạng Sơn có công văn trao đổi nhằm phối hợp phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.
Lực lượng Công an mong muốn người dân khi nhận được điện thoại như trên phải hết sức cảnh giác với loại tội phạm này và báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.