Hiện nay, sau khi lực lượng CSGT thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ, để đối phó với những biện pháp xử phạt, nhiều người tham gia giao thông thay vì việc dừng uống rượu bia trước khi lái xe, lại lùng mua các loại thuốc giảm nồng độ cồn trong thời gian ngắn, giải rượu nhanh...
Cùng với đó, trên thị trường cũng xuất hiện nhiều loại thuốc được quảng cáo có tác dụng tương tự để đáp ứng nhu cầu này.
Cục Quản lý dược, Bộ Y tế khuyến cáo, chưa một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có công dụng "thổi bay" nồng độ cồn. Hiện nay, trên cả thế giới cũng chưa có loại thuốc nào chứng minh được công dụng này.
Chỉ có một số thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hoá, làm tăng việc đào thải qua gan, giảm hấp thu rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở.
Trên thực tế có một số thuốc gây cảm ứng enzyme gan, giúp gan tăng cường chuyển hoá, đào thải rượu.
Tuy nhiên, loại thuốc này phải chỉ được dùng trong cấp cứu với sự chỉ định của bác sĩ. Quá trình sử dụng thuốc phải được theo dõi chặt chẽ tại cơ sở y tế và liều lượng chính xác vì có thể gây ra phản ứng nguy hại cho sức khoẻ.
Đối với người bình thường, cơ thể phải mất khoảng 1 giờ đồng hồ mới đào thải hết nhưng nếu sử dụng thuốc quá trình chuyển hóa có thể diễn ra nhanh hơn 30-45 phút. Tuy nhiên chắc không thể giúp thổi bay được nồng độ cồn trong chốc lát.
Vì vậy, các loại thuốc đang được quảng cáo với công dụng có thể giải rượu nhanh, nhanh chóng giảm nồng độ cồn chỉ trong một thời gian ngắn đang được quảng cáo chỉ là đang đánh lừa người mua.
Mọi người nên có ý thức chấp hành, dùng uống rượu bia trước khi lái xe để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người.