Nhiều hộ dân ở huyện Nhà Bè, TPHCM đang khốn khổ với dãy số nhà của mình, đường phố tại đây đang trong quá trình thi công càng làm đời sống của họ trở nên khốn khổ.
Những "dãy số nhà thần thánh"
Con hẻm 1806 ở huyện Nhà Bè từ lâu được mệnh danh là con hẻm "siêu số", những dãy số dài dằng dặc khiến chủ nhà gặp nhiều tình huống dở khóc dở cười.
Muốn đổi nước, đổi ga, kêu gạo… chủ nhà cũng phải ra tận đầu đường để dẫn người giao hàng vào nhà, nếu không họ sẽ quay trở về chứ không thể tìm được địa chỉ mà người dân tại đây cung cấp.
Hiện tại số nhà ở đây được thay mới, nhưng địa chỉ cũng dài không thua gì số cũ
Một dãy địa chỉ được xem là tương đối ngắn tại KP6.
Với những người đến chơi, họ phải ghé lại từng đoạn của con hẻm rồi gọi điện thoại liên hồi mới mong tìm được nhà. Thậm chí, với chủ nhà nơi đây, ban đầu dọn đến họ cũng gặp không ít chuyện dở khóc dở cười khi… không thể tìm được nhà của mình.
Chị Nguyễn Hồng Nhiên (người dân) cho biết: "Ở đây kêu bất kỳ dịch vụ gì như đổi nước, đổi ga... mình cũng phải chạy ra tận bên ngoài để đón.
Nếu không ra thì họ bực bội vì tìm hoài không biết đường vô, người bên ngoài vào đây phải đi từ 2 đến 3 lần mới nhớ đường, còn không thì lạc như chơi".
Chỉ những người dân sống tại đây mới không bị lạc. Tuy nhiên, hầu hết họ đều không nhớ số nhà của mình.
Càng đi vào phía trong con hẻm, người tìm càng hoa mắt trước những số nhà dài dằng dặc, có những ngôi nhà lên đến 8 xuyệt. Không dừng lại ở đó, dãy nhà san sát nhau, số sẽ giống hệt nhau và phân biệt bằng chữ cái A, B,C nên... rất loạn.
Hầu hết người dân tại đây không nhớ nổi địa chỉ nhà của mình, khi đi làm hồ sơ họ phải ghi ra giấy, hoặc chụp lại "dãy số thần thánh" để không bị nhầm lẫn.
Một người dân tại đây cho biết: "Đây là địa chỉ nhà mới được cấp và chỉnh sửa, trước kia dãy số còn… hãi hùng hơn nữa khi các số nhà loạn xạ cả lên, số không liên tiếp và xuyệt thì nhiều.
Nhà tôi trước kia là 8 xuyệt, bên cạnh cũng thế, tuy nhiên dãy số hoàn toàn khác nhau, chỉ giống ở con số đầu là 1806 khiến chúng tôi không thể nào đưa địa chỉ để người ta tìm nhà, lúc nào cũng phải chạy đi đón".
Một ngôi nhà có tới 2 bảng địa chỉ, mỗi bảng địa chỉ có cả số cũ và số mới.
Ngoài ra, những hộ dân ở đây luôn lo sợ mỗi khi xảy ra hỏa hoạn, không biết làm cách nào để hướng dẫn cho xe cứu hỏa vào kịp thời. Thậm chí, khi nhà có người thân bệnh nặng cần cấp cứu thì xe cứu thương cũng không thể tìm được nhà.
Nhiều người giao hàng cũng toát mồ hôi khi nhận được hóa đơn tại hẻm Huỳnh Tấn Phát. Để tìm nhà trong con hẻm này, họ phải gọi điện thoại liên tục, còn không thì… chạy lòng vòng "tham quan".
Anh Thái Vũ Linh (nhân viên giao hàng) cho biết: "Đi giao hàng trong đây thì khó tìm nhà lắm, vì xuyệt quá nhiều. Có lúc kiếm được cũng phải mất 15-30 mới ra địa chỉ, nhưng hầu như lúc nào cũng bị lạc và phiền người nhận hàng ra dẫn vô".
Nỗi lo… "lọt hố"
Ngoài ám ảnh về con hẻm "mê cung", người dân cũng mệt mỏi khi gần đây những con đường nhỏ này phải "đau khổ" vì đang thi công.
Thậm chí nhiều hố sâu, đầy ắp nước được đào ngay ngã 3, ngã 4 nhiều xe đi lại, mà không có biển hiệu cảnh báo, cũng không được rào chắn. Gia đình có trẻ em phải luôn canh giữ vì sợ chúng ra đùa nghịch nguy hiểm.
Ngoài nỗi nhọc nhằn về địa chỉ nhà, mấy tháng nay người dân cũng rên siết vì thì công đường.
Nhiều ngôi nhà đã bị bít lối với ngổn ngang đất đá.
Trải dài khắp ngõ ngách của khu vực này đều bị đào xới, đường hẻm rộng khoảng 6 mét vuông, nhưng hiện tại chỉ xe máy là có thể di chuyển trong phạm vi chưa đầy 1 mét vuông. Phần đường còn lại dành cho vật liệu thô.
Thậm chí đất đá chất thành đống trước cửa nhà dân khiến cho họ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt cũng như đi lại.
Cảnh tượng còn ngổn ngang
Bà Kim Anh chia sẻ: "Vài tháng trước ông nhà tôi bị đột quỵ, kêu xe cấp cứu xong phải nói với họ đợi bên ngoài.
Chúng tôi phải dùng xe máy để chở ông ấy ra tận ngõ vì bây giờ mặt đường bị đào xới, xe máy đi lại còn khó khăn huống chi cấp cứu vào tận nơi.
Việc này khiến chúng tôi cũng không khỏi lo lắng nếu như bị bệnh đột ngột như vậy, liệu có cứu kịp hay không".
Nhiều hộ dân thậm chí không thể ra ngoài bằng xe máy vì đống vật liệu chắn ngang cửa nhà.
Những hộ gia đình lân cận lo sợ nhà mình cũng bị chắn lối, nên phải ghi giấy yêu cầu khi thi công đến khu vực nhà mình phải gọi điện thoại thông báo để chuẩn bị, thế nhưng cũng chịu chung số phận.
Một căn nhà bị đào cổng ngay phía trước.
Chưa kể những lúc trời mưa hay công trình thi công xả nước, con đường này càng thêm khắc khổ, nhiều trường hợp đã té ngã do vừa tránh những mảng gạch to, vừa bị nước lắp lối đi.
Hiện tại, người dân nơi đây tha thiết mong chính quyền địa phương có hướng xử lý hợp lý về số nhà để họ có thể thuận tiện hơn trong sinh hoạt. Thi công công trình nhanh chóng để đi lại không mệt mỏi như hiện nay.
Chưa kể nhiều nơi đã đặt cống nhưng không có bảng báo, không được rào chắn.
Miệng cống rộng hơn một mét án ngữ giữa ngã ba đường, nơi có nhiều xe cộ qua lại. Tại đây cũng có khá nhiều trẻ em đến chơi đùa.
Người dân nói về cảnh éo le trong con hẻm khốn khổ ở Sài Gòn
Anh Đào Hồng Việt (người dân sống tại đây) cho biết: "Mọi người mong muốn Ủy ban huyện thay đổi địa chỉ nhà cho phù hợp để bà con không phải đau đầu trong việc xử lý với các loại dịch vụ.
Nhất là dãy nhà của tôi số đuôi lại là A, B, C, D. Đã kiếm ra nhà là khó rồi, lại còn chữ số nữa thì rắc rối hơn khi bốn cái nhà này lại không nằm trên một mặt bằng.
Nếu ở đây đường nhỏ, hẻm nhỏ thì không nói, còn ở đây đường khá rộng, nên chúng tôi kiến nghị đặt tên đường để giảm cái xuyệt đi thì hợp lý hơn".
Về việc này, đại diện UBND Thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè cho biết, theo quy trình và căn cứ theo bản đồ quy hoạch do Sở Xây dựng thành phố ban hành thì số nhà được cấp theo quy tắc hẻm.
Cụ thể, hẻm cấp 1 thì một xuyệt, cấp 2 thì hai xuyệt… cứ vậy tăng lên nhiều hẻm, nhiều nhánh thì số xuyệt tăng lên. Đa phần số nhà dài tập trung ở khu phố 5, khu phố 6.
UBND thị trấn Nhà Bè cũng biết việc người dân gặp nhiều bất tiện do số nhà dài nhưng việc cấp số phải theo quy định. UBND huyện cũng đã xem xét lại việc này.