Biến dạng xương mặt
Bé Trịnh Quang Anh, 4 tuổi nhà tại Xã Đàn, Hà Nội thường xuyên bị ngạt mũi, khó thở, thở khịt khịt và chỉ một vài ngày sau là cháu kèm theo dấu hiệu sốt cao 38 – 39 độ c.
Chị Nguyễn Hoài Thương mẹ của cháu cho biết triệu chứng này thường xuyên xảy ra từ lúc cháu 1 tuổi. Ngạt mũi ban đầu chỉ là khó thở nhưng tình trang ngạt nặng dần, ngạt một bên rồi hai bên. Nhìn bé thở khó khăn, thường phải há miệng thở, thở khụt khịt, khóc hoặc nói giọng mũi nghe cũng khó.
Mọi lần, chị Thương cho con đi kiểm tra ở các phòng khám tư nhân nhưng tình trạng này không giảm nhất là về những tháng giao mùa như thế này.
Nhìn con lúc nào cũng há miệng ra để thở, chị Thương rất lo lắng nên đưa con tới Bệnh viện Nhi trung ương để kiểm tra. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán con chị bị viêm VA mãn tính và đang điều trị theo dõi nếu không khả thi sẽ phải phẫu thuật.
Bé Trần Ngọc My 7 tuổi, con chị Vũ Hoàng Yến trú tại Long Biên, Hà Nội bị viêm VA mãn tính. Chị Yến kể từ bé cháu đã hay bị khụt khịt, ngạt mũi.
Chị cho con đi khám bác sĩ bảo cháu viêm VA và lớn lên sẽ hết nhưng đến nay dù đã vào lớp 1 hầu như năm nào cháu cũng phải nghỉ ốm vài lần do dấu hiệu ngạt mũi, chảy nước mũi kéo dài và tiến triển vào đến sốt cao, bỏ ăn, người gày. Dù 7 tuổi nhưng cháu chỉ có 17kg.
Chị Yến cho con đến bệnh viện khám, bác sĩ cho biết cháu bị biến chứng do viêm VA quá lâu, cháu thở bằng miệng là chính và khi thở cảnh mũi không cử động.
Chính vì thế, khuôn mặt của cháu phát triển xương không đều. Mũi dẹt đi, trán dô hơn… đây chính là hậu quả của thở miệng kéo dài trong thời kỳ khuôn mặt đang phát triển. Chị Yến xót xa vì không để ý tới con vì cứ nghĩ đó là bình thường, không thở bằng mũi thì thở bằng miệng.
Khi nào nên nạo VA
Theo bác sĩ Trần Thu Thuỷ - Bệnh viện Nhi Trung ương VA là 2 chữ viết tắt của cụm từ tiếng pháp "Végétations Adénoides’’, y văn quốc tế ngày nay gọi là amidan vòm (tiếng Anh là adenotonsillar hay adenoid).
Viêm VA nặng trẻ có thể đột tử vì ngưng thở trong khi ngủ.
VA và amidan là các tổ chức bạch huyết nằm ở ngã tư hầu họng. VA nằm ở vòm mũi họng, còn 2 amidan nằm ở các hố amidan của thành bên họng. VA và amidan đóng vai trò quan trọng giúp bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp.
VA viêm nhiễm kéo dài và quá phát sẽ không thể duy trì chức năng miễn dịch của mình mà còn dẫn tới nhiều biến chứng khác trong dó có việc cản trở việc thở của trẻ, khiến trẻ phải thở miệng, ngủ ngáy và thậm chí ngừng thở khi ngủ.
Nếu ngừng thở, thiếu oxy não thường xuyên sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển thể chất và trí tuệ, khả năng học tập cũng như hành vi của trẻ. VA quá lớn cũng ảnh hưởng tới khứu giác và vị giác của các bé.
VA phì đại có thể gây bít tắc vòi tai, dẫn tới nhiễm trùng tai, giảm thính lực và ảnh hưởng tới phát triển ngôn ngữ.
VA phì đại có thể khiến dịch nhầy tích tụ trong các xoang hoặc gây viêm xoang tái phát.
Ngoài ra, VA bị viêm thường xuyên sẽ là nơi trú ngụ của các vi khuẩn gây bệnh, từ đó chúng có thể tấn công các cơ quan khác như mũi họng, xoang, tai, thanh khí phế quản, tim, thận…
Khi bị viêm VA, bác sĩ thường cho điều trị điều trị nội khoa. Để tránh khô miệng, bạn có thể đặt máy phun sương trong phòng ngủ của bé, giúp làm ẩm không khí. Ngủ ngáy và ngừng thở khi ngủ đôi khi có thể tránh được nếu đặt trẻ nằm nghiêng hay nằm sấp.
Một vài trường hợp bác sĩ phải phẫu thuật nạo VA. Bác sĩ Thuỷ cho biết việc phẫu thuật nạo VA cũng được các bác sĩ chỉ định rất cẩn trọng. Bác sĩ thường chỉ định trong các trường hợp sau (không có giới hạn về tuổi):
Thứ nhất: Viêm VA tái đi tái lại nhiều lần trong năm (≥ 5 lần/1năm).
Thứ 2: Viêm VA điều trị nội khoa không hết, kèm theo bé có các biến chứng như viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phế quản.. tái phát.
Thứ 3: VA quá phát gây bít tắc cửa mũi sau, khiến trẻ nghẹt mũi kéo dài, gây cản trở đường thở tự nhiên.
Khi phẫu thuật, trẻ cũng có thể gặp các nguy cơ như chảy máu sau phẫu thuật, viêm nhiễm vết mổ và nguy cơ biến chứng gây mê ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, tuỳ vào từng trường hợp bác sĩ đánh giá có nên nạo VA hay không, vì thế các bậc phụ huynh cũng cần được tư vấn kỹ.