Cảnh báo 'sắc lạnh' về sức mạnh hạt nhân Triều Tiên

Quý Hoàng |

Một chuyên gia từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm đã ước tính rằng Triều Tiên có thể tăng gấp đôi kho đầu đạn hạt nhân vào năm tới.

Chuyên gia Dan Smith thuộc Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) dự đoán rằng Bình Nhưỡng sẽ có từ 30 đến 40 đầu đạn hạt nhân có thể sẵn sàng sử dụng vào năm 2020, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa tin, trích dẫn bài phát biểu của ông tại dinh thự của Đại sứ Thụy Điển tại Seoul, Hàn Quốc.

Báo cáo trước đây của SIPRI chỉ ra rằng Triều Tiên sở hữu 20 đến 30 đầu đạn trong kho vũ khí của mình, tăng từ con số 10-20 đầu đạn năm 2018. Do đó, ước tính của chuyên gia Smith cho thấy Bình Nhưỡng vẫn không ngừng phát triển vũ khí hạt nhân trong bối cảnh đang tiến hành các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ.

"Mặc dù vậy, thành thật mà nói, có rất nhiều điều không chắc chắn liên quan đến ước tính của chúng tôi về khả năng hạt nhân tiềm tàng của Triều Tiên. Và điều đó chủ yếu là do Triều Tiên không tiết lộ về năng lực của mình, chuyên gia của SIPRI, Shannon Kile, một trong những nhà phân tích hàng đầu thế giới về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, trước đó đã thừa nhận với đài truyền hình quốc gia Thụy Điển SVT.

Về phần mình, chuyên gia Smith nói rằng Washington và Bình Nhưỡng trước hết cần phải nhất trí cách xác định các khái niệm. Định nghĩa về phi hạt nhân hóa là "một vấn đề lớn cần được giải quyết" bởi vì đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là "vấn đề chính trị lớn", ông nói thêm. Theo Smith, "chìa khóa quyết định để mở khóa các vấn đề, không nằm trong tay Hàn Quốc, mà nằm trong tay người Mỹ".

Trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có nhiều cuộc hội đàm với cá nhân ông Trump và cả hai bên đã đồng ý rằng phải phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, hai bên lại có cách tiếp cận khác nhau về quá trình này. Các quan chức Mỹ định nghĩa phi hạt nhân hóa là sự kết thúc của chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên, trong khi Triều Tiên định nghĩa phi hạt nhân hóa là việc quân đội Mỹ rời khỏi Bán đảo Triều Tiên.

Trong bối cảnh căng thẳng về hạt nhân của nước này, Triều Tiên đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ muốn hướng đến sự phát triển kinh tế. Triều Tiên hiện đang chịu lệnh trừng phạt toàn cầu nghiêm ngặt nhất trong lịch sử sau vụ thử vũ khí hạt nhân năm 2017.

Theo báo cáo gần đây của SIPRI, Pakistan, Trung Quốc, Ấn Độ và Israel cũng đã tăng số lượng đầu đạn hạt nhân trong năm qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại