Chiều 19/9, tại Hội thảo khoa học “giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh Smart City 360o, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM) đã chính thức giới thiệu đề án Smart Saigon với nhiều giải pháp ứng phó với tình trạng kẹt xe, ngập nước.
TS Đoàn Xuân Huy Minh, Trưởng phòng tổng hợp Viện Khoa học và Công nghệ tính toán cho biết Smart Saigon được xây dựng từ ý tưởng khai thác thông tin từ cộng đồng (information crowsourcing) kết hợp hệ thống thông tin địa lý để xử lý và hiển thị thông tin xã hội theo thời gian thực.
Cụ thể: Smart Saigon là một chương trình tự động tổng hợp, hiển thị và chia sẻ các thông tin ngập lụt và giao thông được gửi từ người dùng mạng xã hội, kết hợp với thông tin giao thông và báo ngập chính thức từ các cơ quan quản lý trong khu vực TPHCM.
Các tin báo của cộng đồng về tình hình ngập lụt và giao thông (có thể kèm hình ảnh hoặc video clip) được gửi đến chương trình Smart Saigon trên các trang mạng xã hội (Twitter:#smartsaigon, Facebook: @smartsaigon). Các dữ liệu này sẽ được hệ thống tự động phân tích, đối chiếu và cập nhật tức thời trên một trang bản đồ trực tuyến ở địa chỉ http://smartsaigon.info.
Theo ông Minh, Smart Saigon được đưa vào thử nghiệm chính thức từ tháng 5/2017. Nhóm dự án đã tiếp cận nhiều cộng đồng dân cư tại các khu vực có khả năng ngập lụt để mời gọi người dân nhắn tin báo ngập cho hệ thống.
Dự án nhận được sự hỗ trợ từ Thành Đoàn TPHCM và các trường đại học. Nhiều nhóm tình nguyện viên đã được thành lập với lực lượng nòng cốt là sinh viên - thanh niên, có điều kiện tiếp cận công nghệ và cùng có mong muốn chung tay giải quyết tình trạng ngập lụt của thành phố.
Ông Minh cho biết tuy chỉ mới được đưa vào hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng dự án đã cho thấy kết quả khả quan từ sự tham gia tích cực của người dân trong hoạt động cảnh báo ngập lụt. Số điểm ngập do cộng đồng phát hiện, chia sẻ thực tế lớn hơn nhiều so với 40 điểm ngập mà cơ quan chức năng đã công bố.
“Thành công bước đầu trong quá trình triển khai Smart Saigon cũng cho thấy sự ủng hộ tích cực của người dân và các cơ quan quản lý của nhà nước. Với sự phát triển của các phương tiện điện tử hiện đại và sự tiện dụng của các hệ thống di động, kết nối thông minh, người dân đã không còn ngại ngần trong các tương tác với chính quyền”, TS Đoàn Xuân Huy Minh khẳng định.