Lời cảnh cáo đanh thép của ông Putin và những lý do buộc Mỹ "đổi giọng" với Triều Tiên

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Đàm phán chỉ có thể thành công nếu tất cả các bên có đủ thiện chí và quyết tâm giải quyết cuộc xung đột bằng biện pháp hoà bình, tiến tới phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên.

Diễn biến tích cực trên bán đảo Triều Tiên

Trên bán đảo Triều Tiên gần đây có một số chuyển động tích cực và mau lẹ thu hút sự quan tâm to lớn của dư luận quốc tế.

Tháng 2/2018, Triều Tiên cử một đoàn thể thao lớn chưa từng có gồm 550 thành viên đến tham dự Thế vận hội Mùa đông được tổ chức tại thành phố Pyeongchang của Hàn Quốc.

Đặc biệt tại lễ khai mạc sự kiện thể thao tầm cỡ toàn cầu này, Triều Tiên và Hàn Quốc đã cùng diễu hành trong một đoàn dưới lá cờ chung in hình bán đảo Triều Tiên.

Ngay sau khi Thế vận hội kết thúc, ngày 5/3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cử hai Đặc phái viên gồm Giám đốc Cơ quan tình báo Quốc gia (NIS) Suh Hoon và Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia (NSO) Chung Eui-yong đến Bình Nhưỡng.

Các nguồn tin cho hay, nhiệm vụ của hai Đặc phái viên này là bàn với lãnh đạo Triều Tiên các bước tiếp theo nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước và giúp thu xếp cuộc đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Ông Suh Hoon là người đã từng tham gia tích cực vào việc tổ chức các cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên năm 2000 và 2007 và có quan hệ tốt với cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il, cha của Chủ tịch đương nhiệm Kim Jong-un, đồng thời cũng có những mối quan hệ tốt với tướng Herbert McMaster, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trước đó, ngày 1/3/2018, Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Moon Jae-in đã có cuộc điện đàm quan trọng. Lần đầu tiên ông Donald Trump đánh giá cao những cố gắng của Triều Tiên về các cuộc thương lượng với Hàn Quốc.

Ông Kim Jong Un đón tiếp đoàn đại biểu Hàn Quốc.

Ông nói: "Những tuyên bố từ hai miền bán đảo rất tích cực. Đây là điều tuyệt vời cho toàn thế giới và tôi không loại trừ khả năng đàm phán trực tiếp với ông Kim Jong-un."

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố "các cuộc đàm phán giữa hai miền Triều Tiên là bước đi đúng hướng".

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng ngừng các cuộc thử hạt nhân và tên lửa trong thời gian đàm phán với Mỹ sắp tới nếu có.

Chủ tịch Kim Jong-un cũng phát biểu "muốn bắt đầu một lịch sử mới về thống nhất liên Triều."

Bình Nhưỡng và Seoul cũng đã thỏa thuận tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh giữa hai miền vào tháng Tư tới và thiết lập một đường dây nóng giữa hai thủ đô.

Phải nói từ hơn mười năm nay vấn đề Triều Tiên mới có những chuyển biến tích cực như vậy.

Vì sao Mỹ chuyển thái độ và dịu giọng đối với Triều Tiên?

So với cách đây vài tháng, rõ ràng các tuyên bố của Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ đều đã dịu đi rất nhiều, góp phần làm giảm không khí căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Trong tình hình đang có sự chuyển biến tích cực như vậy, tôi cho rằng trước mắt nếu không muốn nói về lâu dài chắc Mỹ sẽ không sử dụng sức mạnh trong quan hệ với Triều Tiên.

Có thể nêu ra một vài lý do làm cho Mỹ chuyển thái độ từ căng thẳng sang dịu giọng với Triều Tiên như sau:

Thứ nhất, lãnh đạo cao cấp nhất của hai miền Triều Tiên đã nhất trí về sự cần thiết làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, giải quyết cuộc xung đột bằng thương lượng hoà bình. Mỹ là bên thứ ba không thể cưỡng lại xu thế này và nếu chống lại các cố gắng hoà dịu của Triều Tiên và Hàn Quốc, Mỹ sẽ tự đẩy mình ra khỏi cuộc chơi.

Lời cảnh cáo đanh thép của ông Putin và những lý do buộc Mỹ đổi giọng với Triều Tiên - Ảnh 2.

Ông Kim Jong-un chụp ảnh cùng phái đoàn Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA

Thứ hai, các biện pháp cấm vận của Liên Hợp Quốc (LHQ) và đe dọa dùng sức mạnh quân sự của Mỹ đã không làm cho Triều Tiên nhụt chí.

Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo có thể đe dọa tới an ninh của nước Mỹ.

Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân rồi, và không ai có thể buộc họ huỷ bỏ được. Triều Tiên không còn gì để mất và sẵn sàng đối đầu quân sự với Mỹ. Mặt khác, Mỹ đang vướng vào nhiều cuộc xung đột trên thế giới, đặc biệt ở Trung Đông không dễ gì mở thêm một mặt trận mới ở Đông Bắc Á.

Thứ ba, mặc dù Nga và Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an cấm vận Triều Tiên, nhưng nếu chiến tranh xảy ra Mỹ biết chắc Nga và Trung Quốc sẽ đứng về phía Triều Tiên.

Trong thông điệp liên bang ngày 1/3, lần đầu tiên trong lịch sử cận đại của nước Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố "bất cứ cuộc tấn công hạt nhân nào của Mỹ chống Nga và các đồng minh của Nga sẽ bị đáp trả ngay lập tức không do dự".

Tuyên bố này dù sao cũng phải làm cho Mỹ thận trọng hơn trong việc quyết định dùng sức mạnh chống Triều Tiên.

Trước đó, tháng 12/2017, Nga đã triển khai hệ thống phòng không hiện đại S-400 Triumph, Buk-M3 và Pansir-S1 tại khu vực Viễn Đông gần biên giới Triều Tiên. Các đơn vị này sẽ không chỉ bảo vệ không phận Nga mà còn cả Triều Tiên nữa.

Cuộc khủng hoảng chưa kết thúc

Mặc dù có những chuyển biến tích cực như trên, nhưng cuộc khủng hoảng Triều Tiên không dễ gì giải quyết một sớm một chiều.

Các cuộc đàm phán sắp tới giữa Triều Tiên với các nước P5+1, đặc biệt giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc nếu được tổ chức chắc chắn sẽ kéo dài và hết sức khó khăn.

Triều Tiên sẽ không nhân nhượng Mỹ nếu không có sự đảm bảo chắc chắn về an ninh của họ bằng các cam kết trong các Hiệp ước quốc tế.

Lời cảnh cáo đanh thép của ông Putin và những lý do buộc Mỹ đổi giọng với Triều Tiên - Ảnh 3.

Ảnh: KCNA

Năm 1991, Triều Tiên dốc sức tập trung chế tạo vũ khí hạt nhân vì Liên Xô tan rã dẫn đến chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước, Triều Tiên không còn được Moskva bảo vệ nữa. Mặt khác, kinh nghiệm Iraq và Libya cho thấy Mỹ đã dễ dàng tấn công lật đổ chế độ của hai nước này do họ không có vũ khí hủy diệt.

Các cuộc đàm phán phải đáp ứng được các lợi ích của nhau trên cơ sở bình đẳng và không có điều kiện tiên quyết.

Ngày 3/3/2018, Bộ Ngoại giao Triều Tiên ra tuyên bố "Triều Tiên không cầu xin đối thoại hoặc tránh né phương án dùng sức mạnh quân sự của Mỹ".

Mỹ lo ngại Triều Tiên bắn tên lửa sang Mỹ thì Triều Tiên cũng lo ngại Mỹ thường xuyên tiến hành tập trận sát bờ biển Triều Tiên và thậm chí còn mô phỏng các cuộc tấn công đánh chiếm Triều Tiên.

Lời cảnh cáo đanh thép của ông Putin và những lý do buộc Mỹ đổi giọng với Triều Tiên - Ảnh 4.

Nếu Mỹ tiếp tục các cuộc tập trận với Hàn Quốc, duy trì cấm vận, Bình Nhưỡng sẽ đáp lại bằng phương cách của mình. Lúc đó Mỹ sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hậu quả chính sách của Mỹ.

Cơ hội cho các cuộc đàm phán đang hiện ra. Tuy nhiên, để các cuộc đàm phán này có thể được khởi động, trước hết và điều cấp bách nhất hiện nay là Mỹ và Hàn Quốc phải ngừng các cuộc tập trận quy mô lớn thường niên dự kiến vào tháng Tư tới đây và Triều Tiên phải ngừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Đàm phán chỉ có thể thành công nếu tất cả các bên có đủ thiện chí và quyết tâm giải quyết cuộc xung đột bằng biện pháp hoà bình, tiến tới phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên.

Đàm phán mười năm còn tốt hơn chiến tranh một ngày.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại