Bởi việc sử dụng mạng xã hội - công cụ mới tinh vi của tội phạm buôn người là hiện tượng đặc biệt nhức nhối từ năm 2016.
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm châu Âu chống buôn người di cư (EMSC) thuộc Europol, họ đã nhận được thông tin về 1.150 tài khoản đáng ngờ trên các mạng xã hội trong năm 2016, tăng mạnh so với 148 tài khoản ghi nhận năm 2015.
EMSC cho biết, những tên buôn người thường đăng hàng loạt dịch vụ "trọn gói" từ nhà ở, phương tiện vận chuyển cho đến việc làm giả giấy tờ tùy thân, thị thực nhập cảnh, giấy phép lao động và thậm chí dàn xếp hôn nhân giả mạo.
Và những giao dịch này thường mang lại lợi nhuận cao cho chúng khi chi phí ban đầu bỏ ra thấp, thường gây khó khăn cho giới chức điều tra vì được thực hiện qua các tài khoản ảo, dễ dàng biến mất chỉ trong 1-2 ngày.
Ngoài ra chúng còn núp dưới vỏ bọc của người thuê nhà hoặc các trang web cung cấp ứng dụng thuê xe chung…
Bọn buôn người hứa cung cấp các loại giấy tờ giả mạo với chất lượng cao kèm lời hứa sẽ đưa người di cư đến châu Âu, Bắc Mỹ bằng đường bộ, đường thủy, đường sắt hoặc hàng không.
Theo báo cáo của EMSC, bọn buôn người thường quảng cáo trên trang mạng có xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng từ năm 2016, Europol còn tìm thấy một số tài khoản được cho có nguồn gốc từ một số quốc gia châu Âu khác.
Và dịch vụ buôn người đã được mở rộng khi các đối tượng phạm tội bị tình nghi móc nối, hối lộ quan chức Đại sứ quán hoặc cơ quan lãnh sự ở châu Âu của các nước không thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Do đó, nhiều nước thuộc EU đang điều tra những nghi ngờ kể trên - nhận hối lộ từ mạng lưới buôn người nhập cư để đổi lấy thị thực vào EU.
Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) cho biết, họ đã phát hiện nhiều trường hợp người di cư đến Italia, Hy Lạp có liên quan tới các giao dịch qua mạng xã hội, nhất là Facebook.
Cảnh báo kể trên của Europol diễn ra sau khi cảnh sát Italia triệt phá một đường dây kiểm soát người di cư quy mô lớn do Mafia điều khiển, bắt gần 70 nghi phạm, trong đó có một linh mục địa phương.
Cảnh sát Italia cho biết, đường dây này hoạt động bằng cách núp bóng một tổ chức từ thiện Công giáo để quản lý trung tâm di trú người di cư lớn nhất tại Italia và chúng đã kiếm được 33 triệu euro.
Phương thức hoạt động của chúng là biển thủ quỹ Nhà nước và bỏ đói người di cư để kiểm lời.
Và sau khi phát hiện đường dây kể trên (tồn tại hơn 1 thập kỷ) cơ quan chức năng mới thấy, Mafia đang lợi dụng cuộc khủng hoảng người di cư để hoành hành và mở rộng phạm vi hoạt động.
Theo giới truyền thông, ngày 2-7, Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Đức và Italia đã họp tại Paris để thảo luận "biện pháp tiếp cận phối hợp" nhằm hỗ trợ Italia đối phó với làn sóng người di cư đang đổ về các cảng của nước này.
Cuộc họp có sự tham dự của Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề người di cư Dimitris Avramopoulos. Kể từ đầu năm đến nay, gần 77.000 người di cư đã đến Italia, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016.
Và 3 nước kể trên muốn tìm cách thức tốt nhất để hỗ trợ Italia giải quyết vấn đề người di cư.
Còn theo cảnh báo của Quĩ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), con số kỷ lục trẻ em di cư và tị nạn đi một mình trên các chuyến hành trình đến miền đất hứa, đã đặt chúng trước những nguy cơ bị lạm dụng, bị buôn bán.
Theo ước tính, cứ 3 trong số 5 trẻ em di cư hay tị nạn đến phía Bắc từ khu vực Trung Mỹ và Caribe là nạn nhân của những kẻ buôn người và Liên hợp quốc kêu gọi cần có các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ chúng khỏi các nguy cơ này.
Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech đã chính thức bị Ủy ban châu Âu trừng phạt vì từ chối tham gia chương trình phân bổ người tị nạn của khối.
Đây là bước đi đầu tiên và nếu các bên liên quan không sớm tìm ra giải pháp thì vụ việc sẽ được chuyển lên Toà Công lý châu Âu để ra phán quyết về các trừng phạt tài chính.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng, chương trình của EU không hiệu quả, và cáo buộc Ủy ban châu Âu đang "tống tiền Hungary".
Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Blaszczak coi chương trình của EU đang thu hút nhiều người tị nạn hơn về châu Âu.
Còn Bộ trưởng Nội vụ Czech Milan Chovanec khẳng định, nước này không tiếp nhận thêm bất kỳ người tị nạn nào từ Italia và Hy Lạp dựa trên hạn ngạch phân bổ của EU.