Cảnh báo chiêu trò lừa đảo khiến nạn nhân mất tiền sau khi nghe điện thoại

Huỳnh Duy |

Lừa đảo qua điện thoại mặc dù là chiêu cũ nhưng kịch bản lại luôn được làm mới và số lượng người sập bẫy ngày càng nhiều.

Thời gian gần đây, nhiều người dùng dịch vụ di động phản ánh rằng đã nhận được cuộc gọi tự xưng đến từ "Cục viễn thông". Những cuộc gọi này có một điểm chung là đều đưa ra thông báo sẽ khóa SIM của người nghe trong thời gian 2 tiếng nữa.

Mạo danh Cục Viễn thông, gọi điện dọa khóa thuê bao

"Cục viễn thông xin thông báo sẽ khóa số điện thoại của quý khách trong hai tiếng nữa. Vui lòng bấm phím 0 để biết thêm thông tin chi tiết", thông báo từ nhân vật xưng "Cục viễn thông" cho biết.

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo khiến nạn nhân mất tiền sau khi nghe điện thoại - Ảnh 1.

Một số kịch bản gọi điện lừa đảo phổ biến (Ảnh: Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia)

Những thuê bao lạ chủ động gọi tới người dùng di động, mạo danh Cục Viễn thông khiến không ít người dùng dịch vụ di động hoang mang.

"Mình vừa nhận được cuộc điện thoại tự xưng là cục viễn thông và thông báo sau hai tiếng nữa thì họ khóa SIM của mình. Việc này là sao? Có ai biết giải thích giúp mình với", một người dùng đặt câu hỏi trong một hội nhóm trên Facebook.

Một người khác cho biết, sau khi thực hiện theo hướng dẫn của nhân vật tự xưng "Cục viễn thông", anh đã bị dẫn dụ cung cấp giấy tờ cá nhân cũng như các số liên lạc gần đây nhất.

"Khi thực hiện theo hướng dẫn của nhân vật có tên "Cục Viễn thông", tôi đã bị dọa sẽ khóa thuê bao vì phát tán tin nhắn rác. Người này bắt buộc tôi cung cấp giấy tờ cá nhân đã đăng ký thuê bao đang sử dụng cũng như các số liên lạc gần đây nếu muốn chứng minh bản thân trong sạch", Đăng Khoa (ngụ Q10, TP.HCM) chia sẻ. Tuy nhiên, anh đã nhanh chóng tắt máy vì trước đó từng đọc qua các cảnh báo lừa đảo tương tự.

Thực tế, đây là một trong những kịch bản phổ biến được nhiều đối tượng lừa đảo sử dụng. Theo các chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), từ đầu năm 2021, các đối tượng lừa đảo đã từng giả danh công an và thực hiện hành vi lừa đảo với kịch bản: Thông báo người dùng dịch vụ di động "vi phạm giao thông" hoặc "đang bị điều tra liên quan đến một vụ án nghiêm trọng" và yêu cầu cung cấp thông tin để xác minh. Từ đó, kẻ gian sẽ đe dọa nạn nhân và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản định sẵn để xác minh rồi chiếm đoạt.

Được biết, những cơ quan quản lý cấp Bộ, Cục hay ban ngành không bao giờ gọi điện cho cá nhân để thông báo về tình trạng khóa SIM. Nếu thuê bao có vấn đề, họ sẽ gửi thông báo bằng tin nhắn và yêu cầu chủ số điện thoại mang giấy tờ ra đại lý gần nhất để tiến hành xác minh, kiểm tra lại.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động cũng cho biết không tiến hành khóa 2 chiều thuê bao qua hình thức gọi điện thông báo. Đặc biệt là khi người dùng đăng ký thông tin đầy đủ, thanh toán cước và các chi phí liên quan đúng quy định và thời hạn.

Cách phản ánh cuộc gọi rác, cuộc gọi nghi lừa đảo

Từ ngày 1/11/2022, Bộ TT&TT triển khai thí điểm đầu số 156 tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo qua 02 hình thức thoại và tin nhắn (đầu số 5656 vẫn duy trì hoạt động). Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai với tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động.

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo khiến nạn nhân mất tiền sau khi nghe điện thoại - Ảnh 2.

Khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể phản ánh tới đầu số 156 (Ảnh: Shutterstock)

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, các doanh nghiệp viễn thông sẽ xác minh thông tin thuê bao của số thuê bao có hành vi phản ánh phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi dấu hiệu lừa đảo, từ đó yêu cầu xác thực lại thông tin thuê bao, xử lý vi phạm nếu thông tin thuê bao không đúng quy định theo tại điểm e Khoản 7 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP (tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, tiếp theo tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông 2 chiều nếu không thực hiện và tiếp theo là thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông).

Các doanh nghiệp viễn thông sẽ gửi các nội dung phản ánh tới cơ quan chức năng để tổng hợp, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể phản ánh tới đầu số 156 thông qua 2 hình thức gửi Tin nhắn hoặc gọi điện, cụ thể:

- Cách 1 : Gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156 trong đó:

+ Với tin nhắn rác: S ( Số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

+ Với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác: V (Số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656)

+ Với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo: LD (Số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).

- Cách 2 : Gọi tới đầu số 156 (các doanh nghiệp viễn thông sẽ áp dụng việc miễn phí cước cuộc gọi) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo; trích dẫn một số nội dung có liên quan;…) theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại