Canh bạc "sinh tử" của người đàn ông đầu tiên nhận ghép tim lợn ở Mỹ

Minh Hạnh |

Ca phẫu thuật tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland (Mỹ) là ca phẫu thuật ghép tim lợn đầu tiên cho người.

Bước tiến mới của y học

Ông Dave Bennett, 57 tuổi, đã đồng ý trở thành người đầu tiên tham gia cuộc thử nghiệm ghép tim lợn với hy vọng có thêm thời gian trong khi chờ ghép tạng và được trở về nhà. Chia sẻ sau ca phẫu thuật đầy "mạo hiểm" vào ngày 9/1 (giờ địa phương), con trai ông Bennett, anh David cho biết: "Đây quả là một phép màu. Đó là tất cả những gì cha tôi cần và những gì ông có được".

Canh bạc sinh tử của người đàn ông đầu tiên nhận ghép tim lợn ở Mỹ - Ảnh 1.

Tiến sĩ Bartley Griffith (trái), người đứng đầu cuộc phẫu thuật, và ông Dave Bennett, người đầu tiên nhận ghép tim lợn. Ảnh: Trung tâm Y tế Đại học Maryland

Trong ca phẫu thuật kéo dài tới 9 giờ đồng hồ, các bác sĩ thay tim của ông bằng một quả tim từ một con lợn 1 tuổi, nặng 108 kg đã được chỉnh sửa gen và lai tạo đặc biệt nhằm phục vụ mục đích này. Đến nay, ông Bennett đã có thể tự thở mà không cần máy. Tuy nhiên, ông vẫn đang được hỗ trợ tim phổi nhân tạo bằng ECMO. Các bác sĩ cho biết họ dự tính sẽ sớm cho ông cai ECMO.

Được biết, hiện nay, tại Mỹ có tới 100.000 người đang trong danh sách chờ ghép tạng, phải chịu đựng những triệu chứng và tác dụng phụ khủng khiếp. Khoảng 6.000 người trong số họ đã tử vong mỗi năm trong khi vọng chờ đợi được hiến tạng. Theo đó, các nhà khoa học đã làm việc trong nhiều thập kỷ để tìm ra cách kéo dài sự sống cho con người bằng việc cấy ghép nội tạng động vật.

Trong số các loài động vật, lợn có các cơ quan nội tạng tương tự như con người. Nếu những cơ quan đó có thể được sử dụng để cấy ghép, thì thời gian chờ đợi có thể sẽ kết thúc. Những người không có cơ hội nhận tạng, họ hoàn toàn có hy vọng được quay về dùng bữa tối cùng gia đình, chơi với con cái hoặc cháu của họ và chỉ đơn giản là trở lại cuộc sống bình thường như trước đây.

Canh bạc sinh tử của người đàn ông đầu tiên nhận ghép tim lợn ở Mỹ - Ảnh 2.

Ca phẫu thuật đầy rủi ro kéo dài trong 9 tiếng đồng hồ. Ảnh: Trung tâm Y tế Đại học Maryland

Những triển vọng đó đã từng bước trở thành sự thật, đặc biệt sau ca phẫu thuật của ông Bennett vào ngày 7/1.

Robert Montgomery, bác sĩ phẫu thuật cấy ghép tại NYU Langone nhận xét: "Đây là một bước đột phá thực sự đáng chú ý. Tôi rất vui mừng trước tin tức này và hy vọng nó mang lại cho gia đình tôi và những bệnh nhân khác, những người cuối cùng sẽ được cứu sống nhờ bước đột phá này".

Được biết, trước đó, vào tháng 9/2021, ông Montgomery từng tham gia một ca phẫu thuật ghép thận lợn với người. Tuy ca phẫu thuật thành công nhưng lại được thực hiện trên một bệnh nhân chết não. Khi ấy, ông Montgomery cho biết hệ thống miễn dịch của con người sẽ không từ chối ngay một quả thận của một con lợn đã được chỉnh sửa gen.

Ông nói thêm: "Trung tâm Y tế Đại học Maryland đã đưa những thử nghiệm của tôi lên một tầm cao mới".

Canh bạc "sinh tử"

Theo con trai của ông Dave Bennett, ông có một lối sống tương đối khoa học và khoẻ khoắn trong suốt cuộc đời mình. Tuy nhiên, mọi thức bắt đầu vào tháng 10/2021 khi ông bị đau tức ngực. Ông đã được đưa tới Trung tâm Y tế Đại học Maryland với tình trạng mệt mỏi và khó thở. Chia sẻ về tình trạng nghiêm trọng của cha mình khi ấy, anh David cho biết: "Ông ấy thậm chí còn không thể leo được quá 3 bậc thang".

Khi ấy, các y bác sĩ đã nỗ lực trong 2 tháng liền với mong muốn hồi phục được tim cho ông Bennett nhưng không thành công. Ông Bennett khi ấy đã bị từ chối ghép tim với vì chứng rối loạn nhịp tim không thể kiểm soát.

Theo USA Today, mỗi năm chỉ có khoảng 3.000 người Mỹ đủ may mắn để được cấp ghép một trái tim mới và 20% trong số những người lọt vào danh sách chờ đợi đã không thể qua khỏi.  Về phần ông Bennett, ông cũng không đủ điều kiện để lọt vào danh sách này vì đã không tuân theo chỉ định của bác sĩ, bỏ qua các cuộc hẹn khám bệnh và ngừng sử dụng thuốc đã được kê đơn.

Canh bạc sinh tử của người đàn ông đầu tiên nhận ghép tim lợn ở Mỹ - Ảnh 4.

Bức ảnh chụp gia đình ông Bennet vào năm 2019. Ảnh: USA Today

Ban đầu, ông Bennett không muốn tham gia ca phẫu thuật thử nghiệm bởi sau 2 tháng nằm viện, ông nhận thấy bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cũng đều mang đến rủ ro. Tuy nhiên, sau đó, ông đã đổi ý khi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ được về nhà nếu không phẫu thuật.

Anh David kể lại: "Ông ấy biết đó là lựa chọn tốt nhất ông ấy có. Ông ấy thật sự là một chiến binh với khát vọng được sống".

Dù vẫn còn một chặng đường dài phía trước cho sự phục hồi của ông Bennett nhưng anh David nói rằng anh rất lạc quan về tình trạng của cha mình. Anh cho biết: "Khi ấy cha tôi đã nói chúng tôi đừng khóc, ông ấy tin rằng Chúa đang ở cạnh ông ấy. Ông ấy là một người có đức tin. Và tôi cũng tin rằng chúng tôi vẫn còn hy vọng".

Theo anh David, ngay cả khi ca phẫu thuật không thay đổi kết quả với cha anh thì đó vẫn là một di sản quan trọng. Anh kể lại lời cha anh nói trước khi phẫu thuật: "Bất kể chuyện gì xảy ra, cha cũng muốn giúp đỡ những người khác".

Được biết, ông Bennett đã được cấy ghép van lợn gần một thập kỷ trước vì vậy ý ​​tưởng nhận thêm một phần khác từ con lợn không khiến ông bận tâm nhiều. Dù vậy, ông vẫn hy vọng mình sẽ được cấy ghép một quả tim người. Con trai ông lạc quan cho rằng sau 6 tháng tới, nếu cha anh tuân thủ nghiêm chỉnh chỉ định từ bác sĩ, ông có thể có cơ hội được ghép tim người, quả tim lợn này sẽ là "cầu nối" giúp ông trong thời gian chờ đợi.

Tiến sĩ Bartley Griffith, người đứng đầu cuộc phẫu thuật của Đại học Y Maryland cho biết điều khó khăn nhất trước ca phẫu thuật là khi ông nói chuyện với bệnh nhân. Ông chia sẻ: "Bạn không sợ phải chứng minh với FDA và bệnh viện, với người đứng đầu và các đồng nghiệp của bạn rằng bạn đã sẵn sàng, bởi vì bạn đã tin tưởng vào điều đó, vào chính bản thân mình. Nỗi sợ với tôi là phải thành thật với bệnh nhân của mình bởi ca phẫu thuật chỉ là thử nghiệm và không hề có kết quả chắc chắn".

Ông đã so sánh ca phẫu thuật với việc phóng tên lửa ra ngoài vũ trụ: "Bạn phải nói với bệnh nhân rằng về bản chất, chúng tôi đã sẵn sàng cho cất cánh. Dù vậy, chúng tôi là những người ngồi trong trung tâm điều khiển còn bệnh nhân mới là người trực tiếp thực hiện chuyến đi".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại