Đây có thể là "canh bạc may rủi", mà kể cả giới diều hâu quân sự Mỹ cũng phải e ngại vì, nếu "quả bom chiến tranh" phát nổ trên bán đảo Triều Tiên sẽ không còn cơ hội xuống thang cho tất cả các bên.
Chiến tranh quy ước – Dù Mỹ mạnh, nhưng không thể vùi dập được Triều Tiên
Thực tế trong nhiều cuộc chiến gần đây do Mỹ và liên quân thực hiện, các đối thủ nhắm tới đều là các quốc gia có tiềm lực quân sự yếu và bị cấm vận nhiều thập kỷ khiến tiềm lực quốc gia bị kiệt quệ. Điều này có thể thấy rõ ràng nhất qua Iraq, Lybia, Afghanistan… Tuy nhiên, điều này không hề đúng với Triều Tiên.
Sau hàng thập kỷ cấm vận và áp dụng các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo, Triều Tiên với cấu trúc xã hội và lãnh đạo khép kín vẫn tồn tại, thậm chí là đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực quân sự, trong đó đáng kể nhất là chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa.
Bên cạnh đó, Triều Tiên hiện còn sở hữu lực lượng vũ trang hơn 1 triệu người, trang bị tương đối hiện đại và tinh thần chiến đấu cao.
Binh sĩ lực lượng đặc nhiệm của Triều Tiên.
Ngoài ra, do luôn trong tình trạng chiến tranh với Mỹ và đồng minh, cũng như rút kinh nghiệm các hoạt động quân sự gần đây của Mỹ và liên quân về sử dụng ưu thế rõ ràng về vũ khí hiện đại, Triều Tiên sở hữu hệ thống hầm ngầm quy mô và rộng khắp, đủ để bảo vệ lực lượng quân sự của mình trước đòn tấn công phủ đầu bằng vũ khí chính xác cao.
Cùng với đó, các ưu thế về vũ khí tầm xa và khả năng răn đe bằng vũ khí chiến lược cũng được Triều Tiên quảng bá thường xuyên để cảnh báo về việc họ thừa đủ khả năng trả đũa bất kỳ đòn tấn công nào từ nước ngoài.
Thực tế, nếu chiến tranh Mỹ-Triều xảy ra, với kinh nghiệm tác chiến và vũ khí hiện có, Mỹ sẽ vẫn dùng đòn tấn công phủ đầu với tên lửa hành trình, vũ khí tấn công chính xác để ưu tiên vô hiệu hóa khả năng tấn công tầm xa của Triều Tiên.
Động thái quân sự này có thể được tiến hành đồng thời với việc phong tỏa đường biển, triển khai các lực lượng tiến công và phòng thủ trên bộ tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên, dù có ưu thế hoàn toàn về vũ khí và công nghệ quân sự, nhưng chắc chắn các đòn phủ đầu của Mỹ nhằm vào Triều Tiên sẽ không đạt được hiệu quả cao như tại Iraq, Lybia hay Nam Tư. Sau đó, đòn đáp trả của Triều Tiên chắc chắn sẽ rất khốc liệt.
Năng lực răn đe bằng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đủ để tấn công bất kỳ vị trí nào tại Hàn Quốc và Nhật Bản, đảo Guam thậm chí là vươn tới cả bờ Tây nước Mỹ. Chưa cần dùng vũ khí sinh hóa và hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên sẽ đặt tất cả căn cứ quân sự Mỹ trong khu vực trong tầm ngắm.
Lực lượng phòng thủ tên lửa của Nhật Bản.
Vậy tại sao Mỹ và đồng minh không tìm cách vô hiệu hóa lực lượng pháo binh và tên lửa của Triều Tiên? Đây thực sự là công việc bất khả thi. Với địa hình nhiều đồi núi và hệ thống hầm ngầm dày đặc, các đơn vị tên lửa và pháo binh của Triều Tiên có thể bất ngờ xuất hiện ở bất cứ đâu, khai hỏa, rồi lại ẩn nấp.
Cuộc chiến "tìm-diệt" như vậy đối với Mỹ và đồng minh sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm cũng không đạt được hiệu quả mong muốn.
Nếu tính tới kịch bản bộ chiến, liệu Mỹ và đồng minh có chịu nổi con số thương vong khi tham chiến với đội quân quyết tử của Triều Tiên. Con số thương vong trong kịch bản như vậy sẽ khiến chính giới Mỹ dậy sóng.
Rõ ràng, để giành chiến thắng trong cuộc chiến quy ước với Triều Tiên không phải là không thể với Mỹ và đồng minh, nhưng cái giá phải trả về tài chính, nhân mạng có thể là không thể chấp nhận được.
Phủ đầu hạt nhân – Triều Tiên sẽ bị đánh bại, nhưng bất khả thi
Nếu chiến tranh quy ước không thể đánh gục được Triều Tiên, thì các đòn phủ đầu hạt nhân sẽ làm được điều đó. Tuy nhiên, Washington không thể dễ dàng hành động như vậy.
Lực lượng tên lửa Triều Tiên đủ sức vươn tới nhiều vùng lãnh thổ của Mỹ và đồng minh.
Thứ nhất, Triều Tiên chưa phải là quốc gia hạt nhân. Dù các thông tin khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể là thực, nhưng Mỹ vẫn từ chối công nhận nước này là quốc gia hạt nhân.
Như vậy, Mỹ không thể nào vượt qua các quy định quốc tế để sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công phủ đầu quốc gia "phi hạt nhân" như Triều Tiên.
Thứ hai, vị trí địa lý của Triều Tiên rất đặc biệt khi tiếp giáp cùng lúc với hai siêu cường hạt nhân là Nga và Trung Quốc.
Cả Moscow và Bắc Kinh chắc cũng không mong muốn việc phải theo dõi các tên lửa đạn đạo liên lục địa của Mỹ mang đầu đạn hạt nhân hướng về phía mình.
Ngoài ra, còn chưa kể tới việc tấn công hạt nhân Triều Tiên sẽ dẫn tới các hệ lụy nhân đạo, ô nhiễm phóng xạ…
Với ảnh hưởng của mình, Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ không để điều này xảy ra.
Hình ảnh một vụ thử vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Thứ ba, nếu Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân, Triều Tiên bị dồn vào thế đường cùng, chắc chắn họ cũng chẳng ngại ngầngì mà không tung ra mọi thứ vũ khí hủy diệt đầy uy lực đang sở hữu, trong đó có vũ khí sinh hóa, hạt nhân nhằm vào Mỹ và đồng minh.
Hàn Quốc và Nhật Bản đương nhiên chắc chắn là các quốc gia hứng đòn đầu tiên và các căn cứ quân sự Mỹ trong khu vực cũng chung số phận.
Kịch bản "Trạng chết, chúa cũng băng hà" chắc không phải là điều mong muốn của Mỹ và đồng minh.
Điều này cũng giúp giải thích tại sao bán đảo Triều Tiên nhiều lần căng thẳng tới miệng hố chiến tranh, nhưng đụng độ quân sự trực tiếp không bao giờ xảy ra. Vì đơn giản là ai cũng hiểu, nếu chiến tranh Mỹ-Triều xảy ra sẽ là cảnh "được vạ, thì má đã sưng"!
Mỹ phóng tên lửa phô diễn sức mạnh, đe dọa Triều Tiên năm 2017.