Khi giá dầu toàn cầu sụp đổ hồi đầu tuần, các nhà phân tích Mỹ bắt đầu đưa ra quan điểm cho rằng: Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn khơi mào cuộc chiến giá cả trên thị trường dầu mỏ để làm tổn thương các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ.
Họ cho rằng Tổng thống Putin đã thúc ép Saudi Arabia khởi động cuộc chiến này bằng cách từ chối đề nghị cắt giảm sản xuất dầu trong cuộc họp giữa OPEC và Nga tại Vienna vào tuần trước.
Nhưng theo Ahram Online, mục đích của Nga thậm chí còn sâu xa hơn so với việc chỉ đơn giản là bảo vệ ngành công nghiệp dầu mỏ. Hơn cả, Moscow đang mở rộng chiến lược lôi kéo các quốc gia Ả Rập – vốn là đồng minh của Mỹ - về phe mình.
Nga chuyển hướng Ả Rập
Khi thỏa thuận cắt giảm sản xuất đổ bể, truyền thông phương Tây bắt đầu đưa ra kết luận rằng liên minh OPEC đã chết.
Liên minh các nhà sản xuất dầu từ các thành viên OPEC và từ quốc gia không phải thành viên, vốn được biết đến với cái tên OPEC +, đã được kết hợp bốn năm trước với mục đích cân bằng thị trường dầu mỏ.
Thông qua hợp tác Saudi-Nga, liên minh đã xoay sở để tăng giá bằng cách loại bỏ phần lớn nguồn cung dư thừa trên thị trường.
Tuy nhiên, với sự lây lan của dịch virus corona mới trên toàn thế giới, nhu cầu về dầu đã bị ảnh hưởng và giá bắt đầu đi xuống. OPEC + cần cắt giảm sản lượng hơn nữa để giữ giá không giảm.
Saudi đề xuất sản lượng giảm thêm 1,5 triệu thùng mỗi ngày, với điều kiện Nga (và các nhà sản xuất ngoài OPEC khác) là một phần của thỏa thuận. Người Nga từ chối và tuyên bố rằng họ hài lòng với mức giá dầu thấp hiện tại.
Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak nói với các đối tác tại cuộc họp ở Vienna rằng OPEC + chưa kết thúc, có nghĩa là Nga vẫn sẽ hợp tác với Saudi. Mặc dù Saudi muốn giá dầu ổn định, có thể tăng cao hơn để người Nga sẽ hài lòng, nhưng Saudi không muốn rủi ro gây mất thị phần.
Động thái của cường quốc dầu mỏ Ả Rập là lần cắt giảm sản lượng lớn nhất kể từ năm 2016, đồng thời thể hiện chung mối lo với Moscow về sản lượng dầu ngày càng tăng của Mỹ trong những năm gần đây, chủ yếu là từ ngành công nghiệp dầu đá phiến.
Sự tranh cãi giữa Nga và Saudi về giá dầu và thị phần là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ đang phát triển giữa Nga và các nước vùng Vịnh. Moscow hiểu rằng các quốc gia vùng Vịnh vốn gần gũi với Mỹ sẽ không muốn phá hoại mối quan hệ với Washington vì lợi ích của Nga.
Tuy nhiên, niềm tin của Ả Rập đang dần lung lay khi rõ ràng rõ ràng chính quyền Tổng thống Trump của Mỹ lại không coi các quốc gia này là đồng minh thân thiết.
Khi các cơ sở dầu mỏ của Saudi bị tên lửa và máy bay không người lái tấn công vào tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Trump chỉ mang đến sự ủng hộ bằng lời nói thay vì hành động, trong khi Tổng thống Putin đã nhanh chóng khuyên Saudi mua hệ thống phòng không của Nga, nói rằng các hệ thống này tốt hơn so với loại tương tự của Mỹ.
Nga vẫn cảnh giác với các bước đi của Thổ Nhĩ Kỳ.
Quan hệ giữa Nga và các nước vùng Vịnh, chủ yếu là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia, đã bắt đầu phát triển trong những năm gần đây.
UAE đã mở rộng các liên minh nước ngoài, nhìn về hướng Đông nhiều hơn chứ không phải chỉ duy nhất hướng Tây. Mặc dù không từ bỏ liên minh chặt chẽ với Mỹ và châu Âu, nhưng quốc gia này đã bắt đầu tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.
UAE đã xoay sở để đa dạng hóa nền kinh tế khỏi phụ thuộc vào dầu mỏ bằng cách đa dạng hóa chính sách đối ngoại và các mối quan hệ kinh tế trên con đường phía trước.
Dưới sự lãnh đạo của Thái tử Mohamed Bin Salman, Saudi cũng đi theo con đường tương tự. Moscow cũng chào đón làn gió ấm áp mới với Riyadh sau nhiều thập kỷ băng giá.
Một số nhà phân tích, đặc biệt là ở vùng Vịnh, nói về những kỳ vọng lớn của người Nga rằng Saudi sẽ đầu tư nhiều hơn vào kinh tế và thậm chí mua vũ khí của Nga.
Nhưng điều này vẫn chưa xảy ra và Nga đã cảm thấy thất vọng, thậm chí UAE dường như còn đầu tư vào Nga nhiều hơn Saudi.
Thổ Nhĩ Kỳ không còn là ưu tiên số một
Một nhà bình luận người Nga đã mô tả chính sách của Nga ở vùng Vịnh là một chiến lược hình học linh hoạt. Điều này giải thích tại sao hai bên đã hợp tác với nhau ở nhiều điểm nóng trong khu vực, chẳng hạn như Libya và Syria.
Trọng tâm chính của Nga là Syria, nơi nước này đã dựa vào việc hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Tuy nhiên, Iran hiện đang ở vị thế rất yếu và gần như không có khả năng mở rộng ảnh hưởng của mình. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cho thấy sự khó lường khi vẫn "đu dây" giữa Nga và Mỹ.
Nắm bắt sự hoài nghi của các nước vùng Vịnh đối với Thổ Nhĩ Kỳ do sự ủng hộ của nước này với các phe nhóm đối địch trong khu vực, cộng thêm sự phẫn nộ của UAE và Saudi đối với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, Moscow đã bắt đầu thay đổi chiến thuật.
Nga đã chia sẻ lợi ích với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Tổng thống Putin luôn thận trọng đối phó với người đồng cấp Erdogan và lúc này Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ngoan cố chiếm giữ một phần lãnh thổ của Syria.
Trong khi đó, Tổng thống Erdogan vẫn dùng đòn bẩy là Mỹ - đồng minh NATO - và phiến quân để nâng cao lập trường của mình, thậm chí chống lại sự thỏa hiệp với người Nga.
Lập trường của UAE và Saudi về Syria gần đây đã thay đổi và đây là cơ hội mà Tổng thống Putin sẽ không muốn bỏ lỡ.
Hai nước vùng Vịnh có nhiều thứ để cung cấp cho Nga đối với vấn đề Syria hơn là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ không phản đối những nỗ lực của các nước vùng Vịnh nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực. Ông Putin đã đi theo một cách tiếp cận địa chính trị thực tế.
Đặc phái viên ngoại giao Nga và các quan chức quân sự, tình báo đã đến thăm hai nước vùng Vịnh và Jordan nhiều lần trong vài tháng qua. Syria đã là chủ đề thảo luận chính, cùng với lĩnh vực rộng lớn hơn là chống khủng bố trong khu vực, đặc biệt là ở Libya. Moscow biết rằng Tổng thống Erdogan ở phía đối lập trong cả hai cuộc khủng hoảng Syria và Libya.
Đối với Nga ngày nay, UAE và Saudi quan trọng hơn khi so với việc gây dựng quan hệ tốt với chính quyền Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ. Về cơ bản, hai quốc gia vùng Vịnh này không sử dụng quân bài Mỹ và châu Âu để có lợi thế riêng chống lại Nga như Tổng thống Erdogan đang làm.