Căng thẳng Trung-Ấn: Nga tuyên bố thẳng thừng, đồng minh của Bắc Kinh "nằm không cũng trúng đạn"

QS |

Lời đề nghị của New Delhi đã được Nga chấp thuận và hoàn toàn ủng hộ trong bối cảnh căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang gia tăng.

Nga cam kết không cung cấp vũ khí cho Pakistan

Theo tờ EurAsian Times, Nga đã bảo đảm với New Delhi rằng họ sẽ không bán vũ khí cho Pakistan - đồng minh lâu năm của Trung Quốc và là một trong hai đối thủ lớn của Ấn Độ trong khu vực. Vấn đề này đã được thảo luận trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Nga Sergei Shoigu tại Moscow.

Ông Singh, cùng phái đoàn quan chức cấp cao của Ấn Độ, đã tới Moscow để tham dự cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS).

Đáng chú ý, chuyến công du này diễn ra trùng với thời điểm tổ chức cuộc tập trận chung giữa hải quân Nga và Ấn Độ ngoài khơi eo biển Malacca. Quyết định tập trận chung được đưa ra sau khi Ấn Độ rút khỏi cuộc diễn tập quân sự Kavkaz-2020 do Nga tiến hành.

Địa điểm diễn ra cuộc tập trận lần này cũng là nơi mà sắp tới Hải quân Ấn Độ sẽ tổ chức cuộc tập trận hải quân chung Malabar-2020 với Mỹ, Nhật Bản, và có thể cả Australia.

Căng thẳng Trung-Ấn: Nga tuyên bố thẳng thừng, đồng minh của Bắc Kinh nằm không cũng trúng đạn - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Nga Sergei Shoigu. Ảnh: Daily Hunt

"Nga-Ấn có sự tương đồng đáng kể về lập trường trước các thách thức ở cấp khu vực và quốc tế liên quan tới an ninh và hòa bình, từ đó phản ảnh sự tin cậy sâu sắc mà hai bên cùng đạt được với tư cách là Đối tác Chiến lược" – Thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ nêu rõ.

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Trung-Ấn đang dâng cao, sau khi đôi bên tố nhau có các hành động khiêu khích tại đông Ladakh, dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC).

Để đối phó với căng thẳng gia tăng, chính phủ Ấn Độ đang gấp rút kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế, thực hiện cải cách trong lĩnh vực sản xuất quốc phòng nội địa, đặt hàng thêm các máy bay mới và nhiều hệ thống vũ khí mới từ Nga, cũng như một số quốc gia khác.

"Ấn Độ đánh giá cao sự hỗ trợ kiên định của Nga nhằm phù hợp với nhu cầu quốc phòng và an ninh của Ấn Độ, cũng như việc Nga kịp thời đáp ứng các đề nghị mua sắm vũ khí của New Delhi. Cả hai phía sẽ tiếp tục duy trì liên lạc để đảm bảo quá trình chuyển giao được diễn ra đúng thời hạn" – Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay.

Căng thẳng Trung-Ấn: Nga tuyên bố thẳng thừng, đồng minh của Bắc Kinh nằm không cũng trúng đạn - Ảnh 2.

Quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan lâu nay luôn trong tình trạng căng thẳng (Ảnh minh họa. Nguồn: Indian Defense News

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Nga đánh giá cao chiến dịch "Make in India" và nhắc lại cam kết của Moscow là tham gia cùng với Ấn Độ để "đảm bảo sự thành công của chương trình".

Trước mắt, Nga sẽ tham gia vào Triển lãm Aero India tổ chức trong tháng Hai năm tới. Cả hai phía cũng hoanh nghênh những bước tiến trong thỏa thuận cung cấp súng trường tấn công AK-203.

Bên cạnh đó, sau khi Ấn Độ đưa ra đề nghị, Moscow đã chấp thuận và cam kết sẽ giữ chủ trương "không cung cấp vũ khí cho Pakistan", đồng thời nhấn mạnh sẽ "ủng hộ các lợi ích an ninh" của New Delhi.

Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan lâu nay vẫn luôn trong tình trạng căng thẳng. Mặc dù không có cuộc đụng độ nào giữa hai phía trong thời gian gần đây nhưng trong bối cảnh căng thẳng biên giới với Trung Quốc đang gia tăng hiện nay, New Delhi chắc chắn không muốn phải căng mình đối phó cùng lúc với mối đe dọa từ 2 đối thủ chính trong khu vực.

Với việc có được cam kết của Moscow là không cung cấp vũ khí cho Pakistan, Ấn Độ trước mắt có thể tập trung phần lớn lực lượng để đối phó mối đe dọa từ Trung Quốc.

Tại sao Nga lựa chọn Ấn Độ?

Theo tạp chí Diplomat, Nga đã chính thức nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí đối với Pakistan [áp đặt từ sau chiến tranh Liên Xô-Afghanistan] vào tháng 6/2014.

Tới tháng 6/2016, hai phía đã nhất trí thông qua thỏa thuận cung cấp trực thăng trị giá 153 triệu USD trong chuyến thăm của Tướng Raheel Sharif – Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ khi đó – tới Nga. Tháng 4/2018, Diplomat cho biết, phía Pakistan đã tiếp nhận 4 trực thăng tấn công Mi-35M do Nga sản xuất, cùng đạn dược và thiết bị đi kèm.

Tháng 6/2019, Thủ tướng Pakistan Imran Khan một lần nữa nhấn mạnh, Islamabad muốn mua vũ khí Nga và xây dựng quan hệ quân sự song phương.

"Chúng tôi đang muốn có vũ khí từ Nga và tôi biết quân đội của chúng tôi sẵn sàng tiếp xúc với quân đội Nga" – Ông Khan cho hay.

Căng thẳng Trung-Ấn: Nga tuyên bố thẳng thừng, đồng minh của Bắc Kinh nằm không cũng trúng đạn - Ảnh 3.

Nga đã cung cấp các trực thăng Mi-35 cho Pakistan nhưng mối quan hệ hợp tác giữa 2 phía có vẻ vẫn chững lại ở đó. Ảnh: Twitter/Defense & Security Monitor

Trước đó vài tháng, khi trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Sputnik, Thiếu tướng Asif Ghafoor, đại diện phát ngôn của quân đội Pakistan cho biết, các thỏa thuận quốc phòng mới giữa Nga và Pakistan có thể sẽ đạt được trong thời gian tới. Hai phía đang đối thoại về các hệ thống hàng không, phòng không và chống tăng.

Ông Ghafoor không tiết lộ chi tiết nhưng nhấn mạnh rằng "Bất kể thứ gì mà Pakistan có khả năng mua sẽ được xúc tiến".

Thế nhưng, tờ ThePrint dẫn các nguồn tin từ Nga khẳng định rằng, không hề có chuyện Moscow đang đàm phán, hay có kế hoạch cung cấp xe tăng, hệ thống tên lửa hoặc máy bay cho Pakistan. Nguồn tin này cũng lưu ý rằng, các trực thăng tấn công Mi-35M cung cấp cho Pakistan chỉ nhằm phục vụ mục đích chống khủng bố.

Cũng theo tờ ThePrint, trong năm 2019, chính phủ Nga đã thẳng thừng từ chối đề nghị mua 50.000 súng trường tấn công dòng AK từ phía Pakistan.

Theo giới quan sát, lựa chọn của Nga là điều dễ hiểu bởi rõ ràng, đối với họ, Ấn Độ vẫn là một đối tác quan trọng hơn hẳn. Nếu cung cấp vũ khí cho Pakistan, Moscow sẽ khiến New Delhi nổi giận.

Trước đó có một số suy đoán cho rằng nếu Pakistan có nhu cầu thì Nga chắc chắn sẽ sẵn sàng bán ngay những vũ khí hiện đại để mở rộng thị trường tại khu vực Nam Á, nhất là trong bối cảnh Ấn Độ lại đang có xu hướng giảm tỷ trọng vũ khí Nga trong kho vũ khí của mình và quay sang mua khí tài do Mỹ, châu Âu sản xuất.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, trên thực tế New Delhi vẫn là khách hàng lớn nhất của Moscow, ở mức mà chắc chắn Pakistan sẽ không bao giờ có thể theo kịp.

Do đó, thay vì cung cấp vũ khí cho đối thủ của New Delhi để tỏ thái độ khi Ấn Độ giảm sản lượng vũ khí của mình, Nga cần có những tính toán đường dài để không phá vỡ quan hệ đối tác chiến lược.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại