Căng thẳng Triều Tiên - Malaysia quanh vụ "Kim Jong Nam": Bí hiểm và hiếm thấy

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Sau 1 tháng, vụ công dân Triều Tiên Kim Chol bị sát hại ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia hôm 13/2, vẫn chưa có được lời giải đầy đủ.

Kim Chol mới đây đã được cảnh sát Malaysia xác nhận nhân thân là ông Kim Jong Nam, 45 tuổi, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Hậu quả trước hết của vụ việc là mối quan hệ giữa Malaysia và Triều Tiên đã bị xấu đi nghiêm trọng. Vụ việc càng thêm bất ngờ và bí hiểm khi mối quan hệ song phương này cho tới trước đó tuy không hẳn hoàn toàn tốt đẹp nhưng cũng khá thân thiện và không bị vướng mắc gì.

Malaysia là quốc gia duy nhất trên thế giới cho phép công dân Triều Tiên nhập cảnh mà không cần phải xin thị thực. Vậy mà hiện tại, căng thẳng và đối đầu, gây áp lực và trả đũa, cáo buộc và khẩu chiến giữa hai nước đã leo thang đến mức chỉ còn cách quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao không mấy xa nữa.

Trong chuyện này giữa Malaysia và Triều Tiên có nhiều điều rất hiếm thấy về phương diện quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia trên thế giới.

Theo Malaysia, Kim Jong Nam bị sát hại bằng chất độc thần kinh VX, loại chất bị LHQ cấm vì thuộc diện vũ khí giết người hàng loạt. Tức là chỉ riêng việc sử dụng độc tố này đã là chuyện kinh thiên động địa trên thế giới, chưa cần đề cập khả năng nạn nhân là họ hàng gần với lãnh đạo Triều Tiên.

Rồi tại sao vụ sát hại xảy ra vào thời điểm hiện tại và ở Malaysia?

Căng thẳng Triều Tiên - Malaysia quanh vụ Kim Jong Nam: Bí hiểm và hiếm thấy - Ảnh 1.

Cảnh sát Malaysia phong tỏa các lối ra vào Đại sứ quán Triều Tiên ở thủ đô Kuala Lumpur hôm 7/3, sau khi hai nước ban hành các lệnh cấm công dân của nhau xuất cảnh (Ảnh: Malay Mail Online)

Malaysia tuyên bố một đằng, Triều Tiên phát biểu một nẻo khiến bên ngoài rất khó xử. Việc Nhật Bản cung cấp mẫu vân tay của ông Kim Jong Nam để giúp Kuala Lumpur xác thực nhân thân nạn nhân Kim Chol sẽ tạo bước ngoặt quan trọng trong việc phân định đen trắng, đúng sai trong vụ án.

Một điều hiếm thấy nữa là Malaysia dọa bắt nhà ngoại giao Triều Tiên. Theo Công ước của LHQ về quyền miễn trừ ngoại giao, nước tiếp nhận không được bắt và truy tố nhà ngoại giao của nước khác mà chỉ có thể trục xuất họ - sau khi tuyên bố coi họ là Personal non grata (Cá nhân không được chào đón).

Chuyện nước tiếp nhận trục xuất đại sứ của nước khác không hiếm xảy ra trong thế giới ngoại giao, nhưng phong tỏa cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự cũng như cấm công dân nước kia xuất cảnh thì lại là những chuyện rất hiếm thấy, rất không bình thường và có phần nào quá mức so với thông lệ trong quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia. Giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan hiện tại cũng đang như vậy.

Malaysia và Triều Tiên đã xô đẩy nhau vào vòng xoáy đối đầu mà bên nào nhượng bộ trước sẽ bị coi là thất thế và mất thể diện, thậm chí còn cả có lỗi. Họ chỉ có thể giảm căng thẳng và giải quyết ổn thỏa nếu chịu đối thoại trực tiếp, trong khi việc này chỉ có thể xảy ra rất bí mật hoặc nhờ tác động trung gian hòa giải của đối tác thứ ba nào đó.

Nhiều khả năng Malaysia bị bất ngờ khi vụ việc xảy ra ở nước mình. Cách xử lý của Kuala Lumpur cho thấy đảm bảo an ninh được coi trọng hàng đầu và chính phủ nước này muốn khẳng định quyết tâm cũng như khả năng đảm bảo an ninh.

Triều Tiên không có quan hệ nhiều với ASEAN ngoài việc tham gia Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), nhưng diễn đàn này không mang ý nghĩa sống còn đối với Bình Nhưỡng.

Nói cách khác, vụ việc giữa Triều Tiên và Malaysia chắc sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quan hệ hợp tác giữa Triều Tiên và ASEAN.

Sự thật trong chuyện này như thế nào xem ra chỉ có các bên trong cuộc mới thật sự tỏ tường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại