Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên: Vì sao Chủ tịch Kim Jong-un ngày càng tự tin hành động?

Kiệt Linh |

Các giai đoạn căng thẳng với Triều Tiên đến rồi đi, nhưng tình hình trên bán đảo Triều Tiên lúc này là bất ổn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây và có vẻ sẽ còn tồi tệ hơn.

Chủ tịch Kim Jong-un

Chủ tịch Kim Jong-un

Trong tháng qua, Triều Tiên đã bắn một tên lửa qua Nhật Bản, buộc người dân phải tìm nơi trú ẩn - một hành động được miêu tả là thù địch và khiêu khích. Nước này đã phóng một loạt tên lửa đạn đạo khác, đưa máy bay chiến đấu đến gần biên giới với Hàn Quốc và bắn hàng trăm quả đạn pháo xuống biển, rơi xuống vùng đệm quân sự do hai miền Triều Tiên tạo ra vào năm 2018 để duy trì hòa bình. Trên lý thuyết, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang có chiến tranh.

Hồi đầu tuần này, một tàu thương mại của Triều Tiên đã đi qua biên giới biển giữa hai nước, khiến cả hai bên đều nổ súng bắn cảnh cáo nhau. Hàn Quốc tố rằng vụ xâm nhập của tàu thương mại Triều Tiên là có chủ đích.

Vậy, Chủ tịch Kim Jong-un có ý định gì? Có ba lý do khiến Triều Tiên thường xuyên phóng tên lửa - để thử nghiệm và cải tiến công nghệ vũ khí, để gửi thông điệp chính trị đến thế giới (chủ yếu là Mỹ), và gây ấn tượng với người dân trong nước và củng cố lòng trung thành với chính quyền của ông Kim.

Khó có thể giải mã được những hành động mới nhất của Bình Nhưỡng trong thời gian qua nhằm vào mục đích nào, nhưng lần này ông Kim đã tỏ ra rõ ràng hơn. Báo chí Triều Tiên đã nhiều lần đưa tin rằng các cuộc tập trận và phóng tên lửa gần đây là nhằm đáp trả các cuộc tập trận quân sự do Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản tiến hành. Bình Nhưỡng đổ lỗi cho kẻ thù của họ về việc làm leo thang căng thẳng và nói rằng các vụ phóng tên lửa là một lời cảnh báo rõ ràng rằng họ nên dừng lại.

Washington, Seoul và Tokyo đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn, riêng lẻ và cùng nhau, trong hai tháng qua, để cho thấy họ đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên. Diễn biến này đã khiến Chủ tịch Kim tức giận bởi ông này luôn coi các cuộc tập trận như vậy giống như việc diễn tập kịch bản cho một cuộc xâm lược nhằm vào Triều Tiên. Lý do Triều Tiên bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân ngay từ đầu là để ngăn không cho nước này bị xâm lược.

Tuy nhiên, có một lý do ít được công khai hơn khiến Chủ tịch Kim gia tăng áp lực vào lúc này. Một số người tin rằng ông Kim có thể đang chuẩn bị cơ sở cho một vụ thử khiêu khích hơn - cho nổ vũ khí hạt nhân lần đầu tiên sau 5 năm, hoặc thậm chí là một cuộc tấn công quy mô nhỏ vào Hàn Quốc.

Năm ngoái, ông Kim đã vạch ra một kế hoạch 5 năm, trình bày chi tiết tất cả các loại vũ khí mới mà ông dự định phát triển. Nó bao gồm bom hạt nhân chiến trường nhỏ hơn và tên lửa tầm ngắn để mang chúng. Các cuộc thử nghiệm gần đây là bằng chứng cho thấy ông Kim không chỉ làm đang hoàn thành việc phát triển các vũ khí trong danh sách mong muốn của ông này, mà còn huấn luyện quân đội của mình sử dụng chúng. Chủ tịch Kim cho biết, ông đã sử dụng một số cuộc tập trận gần đây để mô phỏng một cuộc tấn công hạt nhân vào Hàn Quốc.

Hiện tại, Chủ tịch Kim cần lôi kéo sự chú ý. Ông ấy cần cả thế giới ghi nhận những tiến bộ mà Triều Tiên đã đạt được. Các biện pháp trừng phạt không ngăn được Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân như mục đích được đưa ra của các đòn trừng phạt nhưng chúng đang gây tổn hại cho nền kinh tế của nước này.

Các cuộc đàm phán nhằm tháo gỡ bớt các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên đã đình trệ từ lâu và Bình Nhưỡng đang trượt khỏi chương trình nghị sự toàn cầu. Thế giới quan tâm nhiều hơn đến cuộc chiến ở Ukraine, và sự trỗi dậy của một Trung Quốc ngày một cứng rắn. Quan điểm của Tổng thống Biden là các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên chỉ có thể được nới lỏng khi nước này đồng ý từ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, Washington và Seoul đã đồng ý tăng cường khả năng phòng thủ trên bán đảo bằng cách tổ chức những cuộc tập trận quân sự mà Bình Nhưỡng cực lực phản đối, và đáp trả các hành động khiêu khích bằng vũ lực. Sau đợt tập trận và phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, Hàn Quốc đã điều máy bay chiến đấu và bắn pháo của riêng mình.

Nếu Chủ tịch Kim muốn Mỹ đàm phán về các điều khoản có lợi hơn cho mình, ông này phải chứng minh đất nước của mình đã trở nên nguy hiểm như thế nào. Tháng trước, ông Kim tuyên bố Triều Tiên là một quốc gia có vũ khí hạt nhân và điều này là không thể thay đổi.

Ông Kim Jong-dae, một cựu cố vấn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cho rằng “chúng ta nên lo lắng về sự quyết đoán của Triều Tiên”. Ông này chỉ ra rằng, trong quá khứ Triều Tiên thường chờ đợi các lực lượng Mỹ kết thúc các cuộc tập trận trước khi tiến hành trả đũa. Lần này Bình Nhưỡng nã pháo xuống biển ngay khi các cuộc tập trận của Mỹ, Hàn đang diễn ra.

Ông Kim Jong-dae: "Chúng tôi chưa bao giờ thấy sự táo bạo và quyết liệt như vậy trước đây. Mọi việc giờ đã khác. Đó là Triều Tiên hiện tại đang hành động như một quốc gia hạt nhân".

Chính phủ Mỹ và Hàn Quốc tin rằng công tác chuẩn bị cho vụ thử vũ khí hạt nhân lần thứ bảy của Triều Tiên đã hoàn tất và chính quyền của Chủ tịch Kim đang chờ thời cơ chính trị để hành động. Cơ hội hấp dẫn đã đến khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa kết thúc và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ đang đến gần.

Trong khi đó, Hàn Quốc đang ở tiến hành một cuộc tập trận khác và Mỹ dự kiến ​​tham gia. Điều này có thể đem đến cho Chủ tịch Kim Jong-un cái cớ mà ông này đang chờ đợi để có thể hành động.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại