Căng thẳng Serbia - Kosovo leo thang: Điểm nóng xung đột mới tại châu Âu?

Thu Hoài |

Serbia hôm qua (27/5) đã điều động quân đội đến sát biên giới với vùng lãnh thổ Kosovo nhằm phản ứng trước các vụ đụng độ gần đây giữa chính quyền Kosovo và cộng đồng người Serbia thiểu số ở phía Bắc.

Căng thẳng giữa Serbia và Kosovo bất ngờ leo thang trong tuần này sau khi người thiểu số Serbia ở phía Bắc Kosovo tìm cách ngăn cản các thị trưởng sắc tộc Albania mới được bầu tiếp cận các toà nhà hành chính. Cảnh sát Kosovo đã sử dụng đạn hơi cay để giải tán người biểu tình. Giới chức y tế địa phương cho biết, khoảng 10 người đã bị thương trong các cuộc đụng độ nổ ra sau đó. Chính quyền Kosovo cho biết các lực lượng an ninh chỉ đang làm nhiệm vụ của mình nhằm hỗ trợ các thị trưởng mới đắc cử tiếp cận với nơi làm việc. Trong khi đó, Serbia đã mô tả đây là một cuộc đàn áp nhằm cộng đồng người Serbia thiểu số, đồng thời đặt quân đội trong tình trạng báo động chiến đấu toàn diện và điều động các đơn vị tiến sát các khu vực biên giới.

Căng thẳng Serbia - Kosovo leo thang: Điểm nóng xung đột mới tại châu Âu? - Ảnh 1.

Tranh cãi liên quan đến kết quả cuộc bầu cử hồi tháng 4 tại Kosovo đã làm gia tăng lo ngại về nguy cơ một điểm nóng xung đột mới tại châu Âu. Ảnh: AP

Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Miloš Vučević nhấn mạnh: “Chúng tôi hi vọng Phái bộ gìn giữ hòa bình do NATO đứng đầu ở Kosovo sẽ hành động tích cực hơn nhằm đảm bảo an ninh, tự do, nhân quyền cho người dân sống tại Kosovo, để vùng lãnh thổ này không bị chia rẽ dù là người sắc tộc Serbia hay người Albania”.

Mâu thuẫn giữa cộng đồng người Serbia và Kosovo xảy ra khi chính quyền tổ chức bầu cử gây tranh cãi hồi tháng 4, theo đó những người Albania được bầu làm thị trưởng 4 thị trấn ở miền bắc Kosovo, nơi sinh sống chủ yếu của người Serbia. Lo ngại nguy cơ một điểm nóng xung đột mới tại châu Âu, Mỹ, Anh, Pháp, Italy và Đức hôm qua ra tuyên bố chung kêu gọi chính quyền Kosovo lùi bước, giảm leo thang căng thẳng.

Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, căng thẳng đang bị đẩy lên cao một cách không cần thiết, làm suy yếu nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Kosovo và Serbia.

Cùng ngày, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kêu gọi tất cả các bên giải quyết tình hình thông qua đối thoại. Theo Người phát ngôn NATO Oana Lungescu, phái bộ gìn giữ hòa bình do NATO đứng đầu ở Kosovo, vẫn đang cảnh giác cao độ trước diễn biến hiện nay. Trong khi đó, Đại sứ quán Nga tại Serbia chỉ trích hành động của chính quyền Kosovo nhằm chiếm giữ các tòa nhà hành chính ở những khu đô thị của người sắc tộc Serbia.

Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia từ năm 2008. Vùng lãnh thổ này có khoảng 1,8 triệu dân, trong đó 90% là người gốc Albania. Khoảng 120.000 người gốc Serbia sống tại miền Bắc Kosovo không công nhận chính quyền này. Một kế hoạch do Mỹ và Liên minh châu Âu hậu thuẫn đã được Serbia và Kosovo tuyên bố nhất trí hồi tháng 3 nhằm xoa dịu căng thẳng, với việc vùng lãnh thổ Kosovo đồng ý trao quyền tự trị lớn hơn cho người thiểu số Serbia. Tuy nhiên những căng thẳng mới này có nguy cơ khiến mọi nỗ lực bị “trôi sông đổ biển”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại