Ngày 11-8, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố cho biết rất quan ngại về căng thẳng giữa Nga và Ukraine quanh vấn đề lãnh thổ Crimea, kêu gọi hai bên kiềm chế, tránh có thêm hành động có thể gia tăng thêm căng thẳng dẫn tới xung đột.
"Đây là tình huống rất căng thẳng và rất nguy hiểm", báo Ukraine Today(Ukraine) dẫn đánh giá của Bộ Ngoại giao Mỹ. "Mỹ vẫn đang duy trì tham vấn với các đối tác quốc tế về vấn đề này. Chúng tôi cho rằng lúc này hai bên nên giảm căng thẳng, giảm công kích nhau và quay lại đối thoại."
Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ lần nữa khẳng định quan điểm của Mỹ là xem Crimea là một phần của Ukraine.
Trước đó, Hội đồng Bảo an LHQ đã họp khẩn vì lo ngại căng thẳng Nga-Ukraine. Trong cuộc họp, hai đại sứ hai nước tại LHQ đã to tiếng với nhau.
Đại sứ Nga Vitaly Churkin nói rằng Nga rất lo lắng và tức giận vì Ukraine âm mưu tấn công khủng bố vào Crimea. Trong khi đó đại sứ Ukraine Volodymyr Yelchenko lo ngại về việc Nga triển khai 40.000 quân đến biên giới với Ukraine.
Về phần mình, NATO cho biết không tin cáo buộc của Nga và đang theo dõi diễn biến căng thẳng hai bên.
Căng thẳng mới nhất của Nga xảy ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 10-8 cáo buộc Ukraine tấn công khủng bố vào một cơ sở hạ tầng cực kỳ quan trọng gần TP Armyansk thuộc Crimea. Nga sáp nhập Crime từ năm 2014.
Tổng thống Putin đã đe dọa đáp trả mạnh. Văn phòng tổng thống Nga cho biết, trong ngày 11-8, ông Putin đã họp Hội đồng An ninh Quốc gia bàn tăng cường các biện pháp quốc phòng ở Crimea. Trong khi đó hải quân Nga thông báo một cuộc tập trận giả định chiến tranh trên biển Đen, theo hãng tinReuters (Mỹ).
Phản ứng trước cáo buộc và đe dọa từ phía Nga, chiều 11-8, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đặt quân đội vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất vì căng thẳng với Nga, đặc biệt báo động binh sĩ Ukraine dọc biên giới với Crimea và vùng phía đông Ukraine. Ngoài ra, ông cũng đề nghị cảnh sát tăng cường an ninh phòng nguy cơ khủng bố.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko bác bỏ cáo buộc, nhận định mục tiêu của Nga khi đưa ra cáo buộc "điên rồ" này là muốn tăng cường đe dọa quân sự lên Ukraine và kích thích xung đột ở Crimea.
Tổng thống Poroshenko yêu cầu Bộ Ngoại giao Ukraine bố trí các cuộc điện đàm với Tổng thống Putin và một số lãnh đạo phương Tây như Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Căng thẳng mới nhất này giữa Nga và Ukraine xảy ra trùng hợp với việc gia tăng bạo lực thời gian gần đây ở vùng Donbas ở miền đông Ukraine.
"Có thể xung đột ở miền đông Ukraine sẽ tăng, tình hình rất nguy hiểm và diễn biến rất tiêu cực. Không bên nào có niềm tin với bên nào", CNN dẫn nhận định của chuyên gia Alexei Makarkin, Phó Chủ tịch Trung tâm vì Công nghệ chính trị (Nga).
CNN cho rằng diễn biến này đe dọa kế hoạch khôi phục đối thoại hòa bình bốn bên dự kiến sẽ diễn ra trong dịp hội nghị G20 sắp tới ở Trung Quốc. Tổng thống Putin trước đó ủng hộ kế hoạch này nhưng mới đây đã rút lại ủng hộ và cho kế hoạch này là vô ý nghĩa.
Theo CNN, nhiều nhà phân tích quân sự và chính trị khá bất ngờ với diễn biến này, khi nó diễn ra trong lúc Tổng thống Putin chủ trương phá vỡ dần sự cô lập của phương Tây với Nga, trong đó có bước đi cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.