Chỉ mất vài giây để phát hiện ra một con chuột. Rồi thêm một con nữa. Giữa trưa khi bước chân vào cái công viên nhỏ bé này, tôi đã nhìn thấy hàng chục con chuột ríu rít chạy tán loạn tứ phía.
Chúng chui ra chui vô những cái hang nằm rải rác xung quanh luống trồng cây, chạy nháo nhác qua lại giữa những bụi cây để tìm kiếm sự an toàn. Rồi chúng bới tung những thùng rác để tọng vào bụng một bữa buffet.
Những con chuột nhảy lên nhảy xuống mấy chiếc ghế dài bỏ không xung quanh công viên. Đó là những con chuột của quảng trường Churchill, và chúng đã quay trở lại.
Càng diệt chuột, chúng ta càng tạo ra những quần thể "siêu chuột" đáng sợ
Bản thân tôi là một nhà nghiên cứu chuột đô thị, nhưng cái công viên nhỏ bé tọa lạc giữa ngã tư đường Bleecker và Đại lộ số 6 ở khu Greenwich Village hạ Manhattan này vẫn khiến tôi tò mò.
Lần đầu tiên đến thăm quảng trường, tôi chỉ muốn tìm cho mình một chỗ ngồi để nghỉ ngơi vài phút giữa chuyến du ngoạn cùng gia đình. Nhưng một nhà sinh thái học đô thị không bao giờ thoát ly được công việc một còn ở trong thành phố. Chưa bao giờ tôi thấy có nhiều chuột trong một khu vực nhỏ bé đến vậy.
Hơn nữa, chuột thường sống về đêm, do đó, khi chúng tăng cường hoạt động vào ban ngày, điều đó đồng nghĩa với một sự phá hoại ghê gớm, làm tăng nguy cơ truyền bệnh cho người dân, phá hủy cơ sở hạ tầng đô thị và thậm chí gây tổn hại cho sức khỏe tâm thần của cư dân.
Chuột có thể tác động đáng kể đến sức khoẻ, kinh tế và xã hội con người.
Kẻ thù số một của con người
Trong khi chuột ở New York, cụ thể là loài Rattus norvegicus, đã chẳng mấy sợ người, lũ chuột ở quảng trường Churchill còn thoải mái một cách quá đáng hơn nữa. Chúng quá quen nhờn và đông đúc.
Một vài năm gần đây, người ta đã phải rải bả chuột khắp công viên, những cái hộp màu đen chứa đầy mồi ăn tẩm hóa chất diệt chuột được thay thế dễ dàng và định kỳ. Ban đầu, chúng tỏ ra có hiệu quả. Năm đó tôi bước vào quảng trường Churchill và không hề thấy bất kể một con chuột nào.
Bất chấp hàng triệu USD hằng năm đã được chi ra chỉ để diệt chuột, số lượng của chúng dường như vẫn tăng lên ở khắp các thành phố trên thế giới.
Tuy nhiên, chuột là một loài thích nghi cực kỳ tốt và hiệu quả, chúng sinh sản thường xuyên và tạo ra đủ con đủ cháu để xâm chiếm lại quảng trường. Vì vậy, bất chấp hàng triệu USD hằng năm đã được chi ra chỉ để diệt chuột, số lượng của chúng dường như vẫn tăng lên ở khắp các thành phố trên thế giới.
Sau mỗi chiến dịch kiểm soát của con người, hầu hết các quần thể chuột sẽ phục hồi nhanh chóng- một hiện tượng được gọi là "hiệu ứng boomerang". Quảng trường Churchill là một ví dụ về hiệu ứng này; khi các trạm diệt chuột được gỡ bỏ, những con chuột đã trở lại.
Chúng trở lại, nhưng giờ đã là những con chuột khác
Trong khi sự trở lại của những con chuột gần như được đảm bảo, gần đây, tôi và các đồng nghiệp của mình đã phát hiện ra một sự thật khủng khiếp. Những con chuột đang sinh sôi nảy nở thực ra là những con chuột khác biệt cơ bản với những con chuột trước chiến dịch tiêu diệt.
Ví dụ, một chiến dịch diệt chuột tập trung năm 2015 đã thành công trong việc làm giảm một nửa dân số chuột tại Salvador, Brazil, nhưng nó cũng dẫn đến việc suy giảm 90% biến thể di truyền có trong quần thể chuột đó.
Điều này bao gồm việc xóa sổ nhiều biến thể gen quý hiếm bậc nhất ở chuột. Đó là hàng loạt các thông tin di truyền được cho là cần thiết cho sinh vật phản ứng và tồn tại trước sự biến đổi của môi trường.
Ngoài ra, vì những con chuột sống sót có họ hàng gần gũi với nhau, nên chúng cũng có nguy cơ giao phối cận huyết. Tất cả những tác động được quan sát thấy trên chuột ở Salvador tạo thành cái mà các nhà khoa học gọi là "nút cổ chai di truyền" - theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, đó là một nút thắt cực kỳ nguy hiểm.
Những chiến dịch truy diệt đã tạo ra cái gọi là nút cổ chai di truyền trong quần thể chuột.
Từ trước đến nay, nút cổ chai di truyền hầu như chỉ được xem xét trong bối cảnh một số quần thể động vật dễ bị tổn thương và cần được quan tâm bảo tồn. Nó không được đặt vào hoàn cảnh của chuột, một loài gây hại khét tiếng.
Mối quan tâm bao trùm của chúng ta với nút cổ chai di truyền là liệu một mô hình quần thể động vật không hoàn hảo có thể tiếp tục tồn tại được hay không. Nhưng với các loài gây hại như chuột, gián và rệp, nút cổ chai di truyền lại được cố ý tạo ra thông qua những chiến dịch kiểm soát, liên tiếp giết chết và làm suy giảm đến cạn kiệt quần thể của chúng.
Vấn đề là, hiếm khi các chiến dịch này được thực hiện dưới sự phối hợp giữa các nhân viên quản lý động vật gây hại, chính quyền thành phố, chủ sở hữu tài sản và các nhà khoa học.
Trong khi các chiến dịch thường diễn ra trong thời gian ngắn và có nguồn ngân sách không đủ để kéo dài, các nhà khoa học nghĩ rằng chuột hoàn toàn có khả năng tồn tại lâu hơn để vượt qua thời kỳ khó khăn của chúng.
Là một điều phối viên sức khỏe môi trường tại thành phố Somerville tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ, Georgianna Silveira đang đứng ở tiền tuyến trong nỗ lực tích hợp chính sách quản lý động vật gây hại với quan điểm khoa học để xây dựng được những chiến lược diệt trừ bền vững.
"Hầu hết các bên tham gia đang không có được cái nhìn dài hạn khi suy nghĩ về quần thể chuột", Silveira lưu ý. "Thực tế mà nói, nó giống như việc dập tắt các đám cháy bằng những giải pháp nhanh chóng".
Nguyên nhân của tình trạng này thường là do sự phối hợp yếu kém giữa người dân, cơ quan thành phố, chuyên gia quản lý dịch hại và các nhà khoa học để phát triển được các mục tiêu bền vững.
Lũ chuột ở quảng trường Churchill đã trở lại.
Những con siêu chuột mạnh mẽ nhất đã sống sót…
Đối với những con chuột thành phố đã sống sót sau những đợt đánh bả và chiến dịch trừ diệt, có hai kết quả lâu dài mà nhóm nghiên cứu của chúng tôi đang điều tra. Đầu tiên và đáng quan tâm nhất là sự sống sót của những con chuột khỏe nhất.
Một chiến dịch kiểm soát chuột thành công đã trừ diệt rất nhiều, thậm chí gần như hầu hết quần thể chuột. Những con chuột sống sót được rõ ràng phải sở hữu những đặc điểm nhất định khiến chúng "thích nghi" tốt hơn - có thể tránh được sự tấn công của thuốc bả, bẫy và các nguồn gây tử vong khác.
Những con chuột sống sót sau đó sinh ra nhiều chuột con hơn, thừa hưởng những đặc điểm thích nghi tương tự cha mẹ.
Chỉ cần những con chuột khỏe mạnh nhất sống sót được qua chiến dịch kiểm soát của con người, chúng sẽ được để lại một thiên đường mênh mông trong các thành phố chứa đầy thức ăn và tài nguyên. Tận dụng thời cơ này, những con siêu chuột sống sót ấy sẽ sinh sản mạnh, tạo ra một quần thể siêu chuột xâm chiếm trở lại.
Trên thực tế, các nhà khoa học đã xác định được một số phiên bản gen có thể giúp chuột không bị giết chết bởi các loại bả của con người. Những biến thể gen có lợi này đã được quan sát thấy ở một số quần thể chuột tự nhiên, thường xuyên tiếp xúc với bả và thuốc diệt chuột.
Những con siêu chuột sống sót sẽ sinh sản mạnh và tạo ra một quần thể siêu chuột mới
… hay quần thể chuột sẽ yếu dần?
Trên một phương diện khác, các nhà sinh học biết rằng mọi quần thể bị suy giảm biến thể di truyền sẽ phải hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng, tương tự như giao phối cận huyết ở con người.
Dữ liệu của chúng tôi từ Salvador cho thấy lũ chuột ở đây có thể mất đi hầu hết những biến thể di truyền một cách rất nhanh chóng trong những chiến dịch kiểm soát của con người.
Những biến thể này vốn là chiếc chìa khóa giúp các loài vật phản ứng và thích nghi với sự thay đổi của môi trường thông qua chọn lọc tự nhiên. Mất đi chúng, quần thể chuột sẽ đứng trên một bờ vực, bởi thành phố vốn là một môi trường có thể thay đổi nhanh chóng.
Vì vậy, hệ quả lâu dài thứ hai đối với quần thể chuột bị ảnh hưởng từ các chương trình kiểm soát lặp đi lặp lại của con người có thể là sự suy giảm trong khả năng sinh tồn, sinh sản và các đặc điểm tiến hóa khỏe mạnh.
Điều này đã được quan sát thấy ở những con quạ giao phối cận huyết, chúng có khả năng sống sót thấp hơn và chức năng miễn dịch yếu hơn. Suy cho cùng, nhìn thấy những con chuột ngày một ốm yếu hơn chắc chắn là một kịch bản ưa thích khi chúng ta phải đối phó với sự phá hoại của chúng.
Vậy điều gì sẽ xảy ra với những con chuột ở quảng trường Churchill, ở Salvador và cả những nơi khác thường xuyên bị trừ diệt và đánh bả?
Để tìm hiểu xem liệu những con chuột thành phố đang phát triển theo hướng "siêu chuột hóa" hay "ốm yếu đi", nhóm nghiên cứu của chúng tôi đang theo dõi các quần thể chuột trước và sau các chiến dịch kiểm soát để xác định khả năng sống sót, sinh sản và các đặc điểm khác của chúng đã thay đổi như thế nào?
Nhưng việc nghiên cứu những khía cạnh sinh học của chuột trong quần thể hoang dã là vô cùng khó khăn, đặc biệt là trong môi trường đô thị. Mặc dù vậy, nếu chúng ta hiểu được tác động di truyền của các chiến dịch trừ diệt và đánh bả chuột trong thành phố, chúng ta có thể xây dựng được một chiến lược kiểm soát chuột phù hợp, thậm chí chuẩn hóa nó cho tất cả các thành phố trên khắp thế giới.
Việc kiểm soát chuột trong các đô thị cần phải được điều chỉnh theo hướng tiến bộ hơn là chỉ cố gắng đánh bả hay đầu độc chúng.
Dù gì đi chăng nữa, chúng tôi biết rằng việc kiểm soát chuột trong các đô thị cần phải được điều chỉnh theo hướng tiến bộ hơn là chỉ cố gắng đánh bả hay đầu độc chúng.
Để kiểm soát chuột một cách toàn diện, chúng ta cần tập trung vào các mục tiêu lâu dài và bền vững, giảm dân số chuột xuống một ngưỡng có thể chấp nhận được bằng nhiều công cụ khác nhau như thuốc diệt, đá khô và thậm chí sử dụng các biện pháp tránh thai để giảm khả năng sinh sản của chúng.
Và tất nhiên, có cả những cách tiếp cận công nghệ thấp nhưng lại có hiệu quả nhất bao gồm giảm thiểu rác thải và lắp đặt các thùng rác chống chuột.
Cùng lúc đó, các nghiên cứu khoa học sẽ cho chúng ta biết liệu tất cả những khoản đầu tư và nỗ lực này sẽ ảnh hưởng tới quần thể chuột trong các thành phố như thế nào. Liệu chúng có giảm thiểu không, hay sẽ tiến hóa để biến thành các siêu sinh vật ngoài sức tưởng tượng của con người?
Tham khảo Theconversation