Cảng Cam Ranh tấp nập: Các cường quốc quan tâm đặc biệt

Thành Luân |

Việc các tàu nước ngoài, đặc biệt là tàu quân sự ghé thăm cảng Cam Ranh cho thấy các quốc gia đặc biệt quan tâm tới cảng.

Đó là nhận định của Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an) trước sự tấp nập của cảng quốc tế Cam Ranh từ khi đi vào hoạt động (tháng 3/2016) đến nay.

Theo ông Cương, lý do quan trọng nhất khiến Nhật, Nga, Mỹ và nhiều quốc gia khác đều muốn hiện diện tại Cam Ranh đó là vì vị trí địa chiến lược và địa chiến lược của Cam Ranh.

Cảng Cam Ranh tấp nập: Các cường quốc quan tâm đặc biệt - Ảnh 1.

Hai tàu hộ vệ JS ARIAKE và JS SETOGIRI của Lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản cập cảng quốc tế Cam Ranh hồi tháng 4/2016. Ảnh: QĐND

"Trước hết là địa chất địa mạo, không gian của Cam Ranh rất thuận lợi cho việc trú ẩn của cả một hạm đội. Chọn nơi trú ẩn cho hạm đội rất khó khăn, các vùng biển trên thế giới không phải nơi nào cũng đậu được tàu chiến, tàu ngầm.

Cam Ranh là một trong những cảng thuận lợi nhất phục vụ cho sự tiến-thoái, bảo vệ, công-thủ của tàu ngầm, tàu chiến. Từ Cam Ranh có thể vươn ra khống chế toàn bộ Biển Đông. Đó là lý do từ Mỹ đến Nga và các quốc gia khác đều muốn sử dụng Cam Ranh - chốt chặn quan trọng", Thiếu tướng Lê Văn Cương chỉ rõ.

Tuy nhiên, Việt Nam đã xác định chủ trương nhất quán, đó là: Cam Ranh là cơ sở dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tất cả các nước trên thế giới trên tinh thần bình đẳng, chủ quyền là của Việt Nam và Việt Nam có khả năng giám sát tình hình.

Mọi tàu muốn vào Cam Ranh cần phải được sự chấp thuận của Việt Nam, đồng thời các tàu phải chi trả cho các dịch vụ một cách sòng phẳng.

Việt Nam sẵn sàng đón tàu quân sự của tất cả các nước, bao gồm Trung Quốc, nếu họ vào với mục đích hòa bình và chính đáng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược khẳng định.

"Việc tàu của các quốc gia đến Cam Ranh là hết sức bình thường. Việt Nam không giao Cam Ranh cho nước nào quản lý.

Tàu của các nước ghé vào Cam Ranh chủ yếu vì các lý do: sử dụng dịch vụ sửa chữa, bơm dầu, tiếp nhiên liệu, thực phẩm, cho thủy thủ nghỉ ngơi...

Đó là mục đích thông thường nhất mà quân cảng nào cũng làm thế. Với các nước đối tác của Việt Nam, chúng ta có thể mời tàu chiến của họ ghé thăm.

Cảng Cam Ranh đã bị bỏ không từ khi Nga rút đi. Việc bỏ hoang một cảng quan trọng như vậy là một sự sự lãng phí. Việc mở cửa cho các tàu dân sự, quân sự nước ngoài vào sử dụng các dịch vụ hậu cần-kỹ thuật giúp cho Việt Nam có thêm thu nhập, tăng cường quan hệ bạn bè với các nước".

Mới đây, giới chức Nga đã để ngỏ khả năng Nga trở lại cảng Cam Ranh. Theo đó, hôm 19/5, một thượng nghị sĩ Nga, đồng thời là quan chức cao cấp của Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) tuyên bố rằng, vấn đề khôi phục căn cứ hải quân Nga tại Cam Ranh đang được các quan chức quốc phòng nước này nghiên cứu, đưa ra các biện pháp thực hiện.

Trước đây, Hải quân Liên Xô đã có những cơ sở hậu cần-kỹ thuật ở khu vực này. Cho đến trước những năm 2000, thành phố Cam Ranh là một điểm cung cấp hậu cần của tàu chiến Hải quân Nga.

Cùng với đó, truyền thông thế giới cũng cho rằng, giới chức quân sự Mỹ đang thể hiện sự quan tâm to lớn đối với cảng Cam Ranh của Việt Nam, bởi vị trí địa lý gần quần đảo tranh chấp ở Biển Đông và khả năng tàu thuyền có thể ra vào vịnh nước sâu, kể cả tàu sân bay và tàu ngầm.

Nhìn nhận những tín hiệu này, Thiếu tướng Lê Văn Cương cho biết, nhiều nước đều muốn hiện diện lâu dài tại Cam Ranh từ Nga, Mỹ đến Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.

"Trong các cường quốc, có lẽ Mỹ là quốc gia "thèm muốn" Cam Ranh nhất, sức mạnh của Mỹ là số 1 trên hành tinh này.

Nhưng như đã nói, Việt Nam không cho bất kỳ nước nào thuê đặt căn cứ quân sự. Chúng ta có kế hoạch dài hạn, căn bản, xuyên suốt để khai thác Cam Ranh.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng kết hợp yếu tố kinh tế và quốc phòng trong khu vực này để đẩy cảng Cam Ranh lên tầm cao mới, đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất", ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại