'Cần tạo cho Hà Nội những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội'

Luân Dũng |

Việc sửa đổi Luật Thủ đô là cần thiết để trao cho Hà Nội “chiếc áo cơ chế” đủ rộng để phát huy đầy đủ mọi tiềm năng, thế mạnh, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới.

Vào chiều 10/11 tới đây, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) . Đây là một dự án luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tạo ra “chiếc áo cơ chế” đủ rộng để Hà Nội giải quyết các điểm nghẽn, thúc đẩy sự phát triển, nhất là hình thức đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD).

Cần cơ chế vượt trội

Sau 10 năm thi hành, Luật Thủ đô đã bước đầu giúp Hà Nội thiết lập đồng bộ các công cụ pháp lý vô cùng quan trọng để bứt phá. Tuy nhiên, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ không ít hạn chế, bất cập, đòi hỏi sớm được sửa đổi để Hà Nội phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng.

Với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả nước, thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều Nghị quyết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý cũng như sự phát triển của thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, Luật Thủ đô (Luật) được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013) đã mang lại những hiệu quả và tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Cần tạo cho Hà Nội những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội - Ảnh 1.

Hà Nội cần “chiếc áo cơ chế” đủ rộng để phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh

Bên cạnh những kết quả bước đầu, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quy hoạch, công trình kiến trúc cổ và quy hoạch xây dựng nhà ở, khu đô thị chưa theo kịp sự phát triển của Thủ đô. Cơ chế tài chính, chính sách liên kết vùng, nhất là các chính sách thu hút nguồn lực, trọng dụng nhân tài, thu chi ngân sách để thúc đẩy đầu tư phát triển chưa đủ mạnh, thực hiện chưa đồng bộ...

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do pháp luật về Thủ đô chưa đầy đủ, chưa phát huy hết hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trái tim của cả nước. Một số quy định của Luật chủ yếu mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu quy định về các cơ chế đặc thù cụ thể. Việc này đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong việc thi hành...

Do đó, theo các đại biểu việc sửa đổi Luật Thủ đô là cần thiết, một mặt nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; mặt khác tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Khi đã có “chiếc áo cơ chế” đủ rộng, Hà Nội sẽ có điều kiện thuận lợi để phát huy đầy đủ mọi tiềm năng, thế mạnh, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng Sông Hồng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới.

“Cần tạo cho TP Hà Nội những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; để Hà Nội phát triển xứng tầm với vị thế là trái tim của cả nước, đúng với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ nêu.

TOD sẽ là hướng ra cho bài toán khó về giao thông

Trong rất nhiều nội dung được Dự thảo Luật đề cập, việc thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) được nhiều chuyên gia quan tâm do kỳ vọng đây sẽ là giải pháp giúp huy động nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các dự án thuộc vùng phụ cận các nhà ga tuyến đường sắt đô thị, các tuyến cao tốc theo các đồ án quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, từ đó tạo sự đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông của thành phố Hà Nội.

Theo thống kê, Thủ đô Hà Nội hiện có khoảng 6,4 triệu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trong đó có khoảng 5,6 triệu xe máy, 685 nghìn ô tô các loại), chưa kể đến 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông tại Thủ đô. Việc phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông và kết cấu hạ tầng dẫn đến quá tải và ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm. Hậu quả gây ra là mức độ phát thải lớn, ô nhiễm môi trường cho Thủ đô.

Cần tạo cho Hà Nội những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội - Ảnh 2.

Các chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp cốt lõi để giảm phương tiện giao thông cá nhân là phát triển vận tải hành khách công cộng một cách đồng bộ. Theo Quy hoạch chung Thủ đô, Hà Nội có 20 đô thị các loại. Để kết nối các đô thị, TP Hà Nội cần có 9 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8km, 3 tuyến tàu điện một ray và 8 tuyến xe buýt nhanh (BRT) trong tương lai.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra là nguồn lực. Theo tính toán, để phát triển 9 tuyến đường sắt đô thị, Hà Nội cần hơn 888.623 tỷ đồng. Hiện tại, chỉ có 1 tuyến đường sắt đô thị đang vận hành khai thác là tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông, 4 tuyến đã có cam kết về thu xếp vốn, còn lại đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi và chưa có kế hoạch về nguồn vốn. Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg, tổng giá trị vốn đầu tư dự kiến để xây dựng các tuyến đường sắt đô thị còn lại đến năm 2045 là khoảng 321.484 tỷ đồng.

“Những thành phố lớn thì phải phát triển theo mô hình TOD thì mới giải quyết được những vấn đề của đô thị hiện nay như giao thông không đồng bộ, chỗ ở không có các khu dịch vụ, không có hạ tầng, không có việc làm…", đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Từ kinh nghiệm thế giới, để giải quyết vấn đề nêu trên, nhiều ý cho rằng, Hà Nội và cả TPHCM cần nghiên cứu áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị nhằm đảm bảo tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn và phát triển đô thị bền vững, kết hợp giữa vai trò chủ đạo của Nhà nước với nguồn lực, sự sáng tạo khu vực tư nhân để tạo sức sống cho giao thông công cộng trở thành động lực thúc đẩy phát triển. Việc thay đổi cách làm, phương thức đầu tư tuyến đường sắt đô thị hiện nay là rất cần thiết. TOD là lối đi, hướng ra để giải quyết bài toán khó giao thông đô thị cho cả 2 thành phố.

Đồng tình, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, TOD thực chất là phát triển đô thị dựa trên cơ sở của hệ thống giao thông dẫn dắt, tức là phát triển giao thông sẽ dẫn dắt đến điều kiện để tạo ra phát triển đô thị. Như vậy, rõ ràng mô hình này sẽ tạo ra hiệu quả rất cao cho đầu tư hạ tầng, sử dụng đất đai và đặc biệt là tạo ra không gian phát triển cũng như môi trường sống cho người dân ở vùng đó.

“Những thành phố lớn thì phải phát triển theo mô hình TOD thì mới giải quyết được những vấn đề của đô thị hiện nay như giao thông không đồng bộ, chỗ ở không có các khu dịch vụ, không có hạ tầng, không có việc làm…", ông Cường nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại