Thiếu tướng Lê Văn Cương.
Ông Nguyễn Xuân Anh vừa bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 và cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng viện Chiến lược, bộ Công an đã có cuộc trao đổi với PV báo Người Đưa Tin xung quanh sự việc này.
PV: Thưa ông, cách chức ông Nguyễn Xuân Anh là điều không ngạc nhiên vì những sai phạm nghiêm trọng đã được chỉ rõ.
Ông có suy nghĩ gì khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định việc này ngay những ngày đầu của Hội nghị Trung ương 6 đang diễn ra tại Hà Nội?
Ông Lê Văn Cương: Hội nghị Trung ương 6 khóa XII bàn và cách chức ông Nguyễn Xuân Anh, kể cả đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tôi thấy thực sự là cần thiết.
Tôi thấy đây là quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, trực tiếp là của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chính những việc làm này đã củng cố niềm tin của tôi cũng như của người dân vào Đảng.
Chúng ta không chỉ xử lý những cán bộ về hưu mà ngay cả cán bộ đương chức, còn trẻ, cấp cao, mà không thực tài cũng loại bỏ. Rõ ràng như Tổng Bí thư nói, xử lý cán bộ sai phạm là không có vùng cấm.
PV: Vụ việc của ông Nguyễn Xuân Anh là một bài học về công tác cán bộ, lựa chọn người đứng đầu?
Ông Lê Văn Cương: Chuyện ông Nguyễn Xuân Anh không phải ngày hôm qua tốt, ngày hôm nay xấu, nhưng ủy ban Kiểm tra Thành ủy, thanh tra của TP.Đà Nẵng không làm rõ nên Trung ương đã phải vào cuộc mới ra vấn đề.
Từ vụ việc này, tôi đề nghị Trung ương Đảng thực hiện đúng Nghị quyết các đại hội Đảng, nhấn mạnh về việc "dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng".
Nếu Thành ủy Đà Nẵng dựa vào dân để xây dựng Đảng thì việc này phải xử lý từ lâu. Bài học là phải dựa vào dân, bám sát dân, nghe dân. Tai mắt của dân tinh tường lắm.
Lựa chọn người đứng đầu rất quan trọng. Có lẽ đây là lần đầu tiên cả Bí thư Thành ủy và Chủ tịch thành phố bị kỷ luật. Đó là bài học về công tác cán bộ, trong đó lựa chọn cán bộ chủ chốt, người đứng đầu hết sức quan trọng.
Tôi cho rằng Thành ủy Đà Nẵng cũng có nhiều người tốt, nhiều người giỏi nhưng lại lựa chọn 2 người như vậy là sai. Sai thì phải sửa là chuyện hết sức bình thường.
PV: Khách quan nhìn nhận, một mình ông Nguyễn Xuân Anh không thể sai phạm được. Vậy, những người liên quan nếu sai phạm sẽ chịu trách nhiệm như thế nào?
Ông Lê Văn Cương: Việc này, tôi nghĩ rằng Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ tiếp tục xử lý. Theo tôi, có thể rà soát lại tất cả các văn bản.
Những ai ký văn bản đề cử ông Nguyễn Xuân Anh và ông Huỳnh Đức Thơ mà việc đề cử này có sai phạm phải bị xử lý kỷ luật tùy theo mức độ sai phạm.
PV: Gần đây, không chỉ ông Nguyễn Xuân Anh mà nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm cũng đã bị xử lý nghiêm.
Ông đánh giá thế nào về quyết tâm chính trị của Đảng trong việc làm trong sạch bộ máy, củng cố niềm tin trong nhân dân?
Ông Lê Văn Cương: Tôi nghĩ vụ việc của ông Nguyễn Xuân Anh có những điểm khác so với các vụ trước đó như: Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Huy Hoàng, Võ Kim Cự, vì ông Nguyễn Xuân Anh là một cán bộ trẻ, vừa vào Trung ương, nếu không có quyết tâm chính trị cao thì không xử lý được.
Vụ việc của ông Nguyễn Xuân Anh được xử lý nghiêm củng cố niềm tin trong nhân dân và các Đảng viên đối với Đảng.
Xử lý những người đã về hưu là một mặt, xử người đương chức mới thấy rằng, không có vùng cấm cho việc xử lý sai phạm.
Ông Nguyễn Xuân Anh còn trẻ, tương lai còn rất dài, nếu biết phấn đấu tốt thì có thể phát triển hơn. Đây là một bước ngoặt trong nhận thức và quyết tâm chính trị của Đảng trong việc khắc phục tha hóa tham nhũng.
Tôi đánh giá rất cao việc xử lý lần này.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!