Căn phòng 'lạ' treo biển tên cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa chỉ trong 1 tháng

Nhóm phóng viên |

Tại trụ sở CNC, Nguyễn Văn Dương dành 1 phòng cho cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa, bên ngoài có treo biển tên cựu Cục trưởng C50.

Sáng 19/11, bị cáo Nguyễn Văn Dương (Cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CNC) được gọi lên xét hỏi trong phiên xử ngày thứ 7, vụ án liên quan đến cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh. Người đứng đầu công ty bình phong của Bộ Công an thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố mình về tố 2 tội Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền là đúng.

Ai kết nói CNC với Cục C50?

9h: Trả lời câu hỏi của HĐXX về việc ai là người giới thiệu Dương và sau đó kết nối với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Dương khai, là một cựu thứ trưởng Bộ Công an (hiện đã mất).

"Khi đó, sau một số lần trao đổi, anh Hóa (cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa-PV) có nói với tôi là hiện nay theo quyết định thành lập Cục C50 có chức năng thành lập công ty bình phong để hoạt động hóa trang, nghiệp vụ.

Căn phòng lạ treo biển tên cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa chỉ trong 1 tháng - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Văn Dương. Ảnh: Tiến Tuấn.

Tôi nhớ có một lần cùng anh Hóa lên báo cáo chú (cựu thứ trưởng Bộ Công an - PV) và chú đồng ý, giới thiệu tôi để phụ trách công ty bình phong", Dương khai.

Về mục đích thành lập công ty, Dương khai, theo đề án của Cục C50, mục đích thành lập công ty để hoạt động kinh tế nghiệp vụ phục vụ Cục.

Nguyễn Văn Dương khai nhận về hành vi Rửa tiền. Clip: Xuân Hoàng.

Nói tới nội dung thỏa thuận hợp tác, Dương trình bày khai do thời gian lâu và bị tạm giam lâu không nhớ hết, nhưng có nội dung hoạt động kinh tế thông thường phục vụ kinh doanh, hoạt động hóa trang, trinh sát phục vụ phòng chống tội phạm công nghệ cao. Dương khai, cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa đã ký bản hợp tác này.

Căn phòng "lạ" treo biển tên cựu tướng Hóa

Theo Cựu chủ tịch CNC, trong đề án ban đầu, Cục C50 dự thảo sẽ góp 20% vốn và có tham gia vào con người. Tuy nhiên, sau khi quá trình hợp tác, cựu tướng Hóa nói việc góp vốn của Cục không đảm bảo quy định pháp luật nên không thực hiện đúng thỏa thuận.

Dương khai sau khi ký kết hợp tác, CNC đã nỗ lực tham gia vào hoạt động trinh sát nhằm phát hiện tội phạm công nghệ cao. Dương khai công ty mình đã có rất nhiều báo cáo thể hiện trong hồ sơ vụ án nhằm tìm hiểu tình hình tội phạm công nghệ cao.

Nguyễn Văn Dương khai về căn phòng "lạ" treo biển tên cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa.

Sau khi ký, bên Bộ Công an ai là người giám sát", nữ chủ tọa hỏi.

"Giám sát của C50 thời điểm đó là anh Nguyễn Thanh Hóa. Quá trình hoạt động từ 2011-2015, mỗi tháng, quý, năm tôi đều có báo cáo. C50 vẫn cử người xuống kiểm tra", bị cáo Dương khai.

Về trụ sở công ty, theo bị cáo Dương, lúc đầu trụ sở lúc đầu thuê bên ngoài. Đến năm 2012 thuê trụ sở tại số 10 Hồ Giám (Hà Nội).

"Tôi được biết trụ sở này trước là của Tổng cục Chính trị Bộ công an, sau này tôi được nghe là bàn giao lại cho Tổng cục Cảnh sát. Cục Chính trị hậu cần và Tổng cục Cảnh sát là bên cho thuê", Dương khai.

"Ai đề xuất cho CNC chuyển về đó?", chủ tọa hỏi.

Công ty có đề xuất với C50. Tôi nhớ không nhầm là anh Dũng - Cục phó (đã mất). Về trụ sở cũng không khó khăn gì. Tôi có báo cáo anh Hóa cần có trụ sở làm việc, cũng như có trụ sở để cho cán bộ cục tham gia, Dương khai.

Theo lời Dương, tại trụ sở CNC sau khi chuyển về phố Hồ Giám ban đầu dành tầng một cho cán bộ cục C50. Tại đây còn có phòng treo biển tên cục trưởng C50 theo lời đề nghị của ông Hóa.

"Treo biển hiệu tên của bị cáo Hóa ở tầng 2, có phòng làm việc, nhưng chỉ thời gian ngắn khoảng 1 tháng thôi", Dương khai.

Nguyễn Văn Dương từng được xem xét để vào ngành công an

Trả lời câu hỏi của luật sư Trần Hồng Phúc (bào chữa Nguyễn Văn Dương) về lý do tại sao đang làm ở UIDC mà Dương lại chuyển sang làm CNC?

Dương khai: Ban đầu, làm ở UDIC có nhiều dự án, bận nhiều công việc. Nhưng sau khi tôi trao đổi với anh Hóa và lúc đó, được chú cựu thứ trưởng Bộ Công an giới thiệu nên tôi thấy lĩnh vực công nghệ cũng mới với bản thân, đây là lĩnh vực mình rất yêu thích.

Ngoài ra, lúc đó đây là điều rất vinh dự để có sự cống hiến cho lực lượng công an nói riêng, đất nước nói chung".

Dương khai thêm do tốt nghiệp đại học quản trị kinh doanh, không học công nghệ nên lúc ban đầu mới chuyển sang CNC có hạn chế về công nghệ.

Trước câu hỏi của luật sư, có bao giờ bị cáo suy nghĩ, lợi dung CNC là công ty bình phong của C50 để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật không? Dương đáp: Không.

Quá trình tham gia xét hỏi, luật sư Phúc cho biết quá trình nghiên cứu hồ sơ, bà thấy bên C50 có kế hoạch tuyển dụng bị cáo Dương vào ngành công an. 

Trả lời, Dương xác nhận: Đúng.

Về mục đích của việc tuyển dụng, Dương khai, mục đích tuyển dụng bị cáo vào ngành công an là chủ trương, cũng đã được phê duyệt của lãnh đạo Bộ Công an vào thời điểm đó, nhằm phát triển công ty nghiệp vụ lâu dài, phục vụ lực lượng công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Dương khai gì về việc được cựu tướng Vĩnh, cựu tướng Hóa giúp đỡ

Trước câu hỏi của chủ tọa: Nếu công ty CNC là doanh nghiệp đơn thuần, không phải đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an thì có dám thực hiện hành vi sai phạm phát hành game không được cấp phép không?

Dương khai gì về việc được cựu tướng Vĩnh, cựu tướng Hóa giúp đỡ.

Dương khai từ thời điểm 2011- 2013, hoạt động game trên thị trường rất phổ biến nên bị cáo thay mặt cho CNC - đơn vị nghiệp vụ của C50, có rất nhiều báo cáo về hoạt động kinh doanh lĩnh vực này. CNC đề xuất biện pháp xử lý, tuy nhiên lãnh đạo Cục C50 và các đơn vị khác cho rằng, chưa có chế tài.

"Chính vì là công ty nghiệp vụ nên chúng tôi muốn thực hiện, tham gia hóa trang vào hoạt động này để nắm bắt loại tình hình, báo cáo, tham mưu lãnh đạo Cục có biện pháp xử lý. Đây là động cơ tiếp tục hoạt động", bị cáo Dương khai.

Về góc độ giúp đỡ của C50, giúp bị cáo Vĩnh và bị cáo Hóa trong việc phát hành game này, Dương nói theo nhận thức của bị cáo, các anh muốn có các hoạt động kinh doanh trên mạng internet để tham gia vào cộng đồng người sử dụng mạng, nhằm nắm bắt tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao.

"Cá nhân tôi nhận thức điều đó là cần thiết, tham gia vào các hoạt động kinh doanh trên mạng cho nên ý thức chủ quan để tôi thực hiện hợp tác với  VTCOnline", Dương khai.

Mong HĐXX bao dung, giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo là người chơi

Trả lời câu hỏi của luật sư Trần Hồng Phúc về nhận thức gì hậu quả vụ án, bị cáo Dương nói: “Như tôi nói ban đầu chúng tôi không nghĩ doanh thu lớn, người chơi bị thiệt hại lớn như thế. Sau này, khi mà tôi biết, rất nhiều người chơi đã phải bán nhà, bán cửa thì tôi thấy, hành vi của tôi là vô cùng nghiêm trọng trong vụ án này.

Với nhân viên, tôi xin nhận hoàn toàn trách nhiệm của nhân viên bị liên đới sau vụ án này bởi vì người ta chỉ thực hiện theo sự chỉ đạo của bị cáo. Tôi xin HĐXX xem xét. 

Đối với người chơi, như tôi đã nói, tôi thấy rất ân hận hành vi của mình bởi đó là sự mất mát rất lớn lao của họ. Mong HĐXX bao dung, xem xét, giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo là người chơi”.

Hơn 11h: Khi đang xét hỏi Nguyễn Văn Dương, HĐXX tuyên bố dừng phiên thẩm vẫn buổi sáng. 14h, tòa làm việc trở lại và tiếp tục hỏi Cựu Chủ tịch NCN.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại