Về giao, cho thuê, thu hồi đất, mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, báo cáo thẩm tra nêu rõ, về thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển (Điều 44), đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc giao UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giao, cho thuê mặt nước biển, vì khó khả thi đối với các dự án có quy mô đầu tư trên diện tích lớn, ảnh hưởng đến nhiều tỉnh.
Mặt khác, đối với mô hình nuôi khơi (nuôi xa bờ), theo Nghị định 51/2014/NĐ-CP về quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, UBND cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền giao, cho thuê từ vùng biển 3 hải lý trở vào; bên cạnh đó, do đặc thù của mô hình này là xa vùng bờ nên khó kiểm soát và ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, cần có sự đánh giá tổng hợp của các cơ quan chuyên ngành Trung ương.
“Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định thẩm quyền giao, cho thuê đối với những trường hợp này cho Chính phủ hoặc cấp Bộ; quy định chi tiết trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ liên quan trước khi giao, cho thuê mặt nước biển”, ông Dũng nêu rõ.
Ủy ban KHCNMT thấy rằng, việc thu hút vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam là một chủ trương đúng đắn.
Tuy nhiên, việc quy định cho cá nhân, tổ chức nước ngoài thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản là phương thức mới, do vậy, cần cân nhắc kỹ lưỡng một số vấn đề về quốc phòng - an ninh để bảo đảm hài hòa lợi ích phát triển kinh tế và an ninh quốc gia.
“Về quyền của tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản (Điều 46): Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, quy định chặt chẽ hơn đối với trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam chuyển nhượng, cho thuê lại với tổ chức, cá nhân nước ngoài để tránh tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh”, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật thủy sản (sửa đổi).