9 ngày qua, chị Nguyễn Thị Lê (quê Lâm Đồng) dường như chẳng còn quan tâm đến việc bản thân có nhiễm Covid-19 hay không, 24 giờ mỗi ngày, chị đều túc trực bên giường bệnh, nơi đứa con trai đầu lòng của chị đang từng ngày chống chọi với dịch bệnh.
Sau nhiều ngày phải thở máy, Trường An đã được các bác sĩ cho cai máy thở
Chị Lê hồi hộp theo dõi bệnh tình của con trai
Không may mắn như những đứa trẻ khỏe mạnh khác, từ lúc mới lọt lòng, Trường An đã mắc phải bệnh thiếu oxy não, viêm phổi. Dù 2 mẹ con đã quen với việc lấy bệnh viện làm nhà nhưng lần này, chị Lê lo sợ điều tồi tệ nhất sẽ đến với con của mình khi bé dương tính với SARS-CoV-2.
"Em sợ lắm, bé vô đây được 2 ngày là phải thở máy đến giờ. Sáng nay bác sĩ mới cho cai máy thở, giờ chỉ thở oxy mask. Thằng bé còn nhỏ quá, em chỉ mong con được bình an", chị Lê ứa nước mắt.
Trường An mắc phải chứng bệnh thiếu oxy não nên khi nhiễm Covid-19, sức khỏe của bé yếu hơn các bệnh nhi khác
Cách giường bệnh của Trường An vài bước chân, cuộc chiến của C.T.G (14 tuổi) áp lực hơn bao giờ hết. Trên cơ địa béo phì hơn 90kg, G. đang cố gắng giành giật từng hơi thở khi em phải thở máy xâm lấn, đặt nội khí quản.
Theo Ê-kíp điều trị cho G., tình trạng của G. chưa ổn định, tiên lượng dè dặt. Hiện tại trong khu ICU có bố trí 6 giường bệnh để thở máy, thời điểm chúng tôi đến ghi nhận tại khoa, chỉ còn 3 bệnh nhân, vài trường hợp khác đã được cai máy thở, chuyển ra khu điều trị nhẹ hơn.
G. phải đặt nội khí quản, thở máy xâm lấn do diễn tiến bệnh nặng
Một bệnh nhi phải truyền máu liên tục trong quá trình thở máy
Bác sĩ Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2 cho biết, hiện bệnh viện đang điều trị cho khoảng 200 bệnh nhi là F0, trong đó có 30 ca nặng, phải thở máy, oxy dòng cao, oxy mask... Đa phần các bé nhiễm Covid-19 nặng do có bệnh lý nền như béo phì, ung thư, phổi mãn tính, suy tim, thận...
Từ đầu tháng 6/2021 đến nay, tại Khu điều trị Covid-19 của BV Nhi đồng 2 đã tiếp nhận cho khoảng 1.300 bệnh nhi. Hầu hết các trẻ em nhiễm Covid-19 khoảng 80% nhiễm bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như ho, sốt không đáng kể. Chỉ khoảng 10% chuyển biến nặng cần phải vào khu hồi sức cấp cứu, thở oxy do có các bệnh lý nền.
Bên trong khu ICU của nơi điều trị Covid-19, BV Nhi đồng 2, không khí lúc nào cũng căng thẳng
Tuy nhiên, vì BV Nhi đồng 2 là tuyến cuối điều trị Covid-19 cho bệnh nhi nên hầu hết các ca nặng đều chuyển về đây để điều trị. Các y bác sĩ đã cố gắng trong việc giành giật sự sống cho hàng trăm em nhỏ, tuy nhiên do nhiều trường hợp quá nặng, dù cố gắng hết sức nhưng đã có 11 bệnh nhi tử vong.
Dưới đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi nhận tại BV Nhi đồng 2 - tuyến cuối cùng giành giật sự sống cho trẻ em mắc Covid-19 ở TP.HCM.
Các bác sĩ, điều dưỡng hỗ trợ để tiêm thuốc cho một bệnh nhi
Việc điều trị cho trẻ em nhiễm Covid-19 gặp rất nhiều khó khăn
Công việc liên tục trong Khu điều trị Covid-19 tại BV Nhi đồng 2
Hầu hết các bé phải thở máy, đặt nội khí quản, diễn tiến bệnh nặng đều có bệnh lý nền kèm theo
Sau hơn 3 tháng tiếp nhận điều trị bệnh nhi nhiễm Covid-19, các y bác sĩ BV Nhi đồng 2 luôn nỗ lực từng phút, từng giờ để giành giật sự sống cho các bé