Theo Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP HCM và vùng phụ cận quý 3/2022 do DKRA Việt Nam mới phát hành, trong quý vừa qua có 31 dự án mở bán. Tuy nhiên trong số này chỉ có 6 dự án mới, 25 dự án mở bán ở giai đoạn tiếp theo.
Tỷ lệ hấp thụ cũng không cao khi chỉ đạt 52%. Cụ thể, khu vực TP HCM và lân cận có thêm 4.873 căn mở bán. Dẫu vậy, lượng cung mới này đã giảm xấp xỉ 64% so với quý 2 năm nay. Tiêu thụ cũng bị giảm mạnh, chỉ có 2.531 căn được bán ra. Con số này tương đương 77,5% so với quý trước đó. Như vậy, tính trung bình mỗi tháng trong quý 3, cả khu vực này chưa bán tới 1.250 căn/tháng.
Theo đồ thị nguồn cung và tiêu thụ do DKRA Việt Nam vẽ, từ quý 3/2021 thị trường bất động sản tại TP HCM và phụ cận gần như có độ trồi sụt nhất định ở cả nguồn cung và tiêu thụ. Trong có, cả nguồn cung và tiêu thụ có tăng nhẹ trong giai đoạn quý 3/2021 sang quý 4/2021. Đây là thời điểm tình hình kiểm soát dịch Covid-19 tại TP HCM và lân cận có tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, đến quý 1 của năm nay đường biểu thị của cả nguồn cung và tiêu thụ đều đi xuống. Nó có tăng mạnh ở giai đoạn quý 2. Và tiếp tục sụt hơn một nửa tại quý 3.
Nguồn cung và tiêu thụ căn hộ tại TP HCM và lân cận trong quý 3 năm nay giảm so với quý 2. Đồ hoạ: DKRA Việt Nam.
Xét trên từng địa phương, tỷ lệ nguồn cung mới vẫn chiếm chủ yếu tại TP HCM (47,5%), Bình Dương (43,8%). Các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An chỉ xung quanh 4%. Tây Ninh và Đồng Nai gần như không có đóng góp nào mới về nguồn cung phân khúc căn hộ.
Mức giá bán sơ cấp trong quý 3 tại TP HCM cao nhất là 425 triệu đồng/m2, thấp nhất là 46 triệu đồng/m2, trung bình khoảng 70 triệu đồng/m2. Long An cao nhất là 23 triệu đồng/m2, thấp nhất 21 triệu đồng/m2. Bình Dương cao nhất 51,2 triệu đồng/m2, thấp nhất 17,3 triệu đồng/m2, trung bình giá sơ cấp tại tỉnh này là 33 triệu đồng/m2. Bà Rịa - Vũng Tàu cao nhất khoảng 48 triệu đồng/m2, thấp nhấp là hơn 44 triệu đồng/m2, trung bình là 46 triệu đồng/m2.
"Nguồn cung mới tại TP HCM và các tỉnh giáp ranh giảm 63,8% so với quý trước nhưng tăng 38,6% so với cùng kỳ quý 3/2021 thời điểm giãn cách xã hội", báo cáo của DKRA Việt Nam kết luận.
Trong quý 3, TP HCM và Bình Dương tiếp tục dẫn đầu nguồn cung mới toàn thị trường. Ảnh minh hoạ.
Trong đó, TP HCM và Bình Dương tiếp tục dẫn đầu nguồn cung mới toàn thị trường, chiếm 91,2% tổng lượng căn hộ mở bán mới trong quý. Phân khúc căn hộ hạng A và hạng C dẫn dắt nguồn cung mới toàn thị trường, lần lượt chiếm 35% và 32,7% tỷ trọng nguồn cung mới trong quý.
Riêng tại tỉnh Bình Dương, nguồn cung mới chủ yếu là phân khúc căn hộ hạng C. Dòng sản phẩm căn hộ dưới 20 triệu đồng/m2, phân bổ ở các huyện vùng ven như Bến Cát và Tân Uyên, lại thu hút khá tốt sự quan tâm của thị trường.
Căn hộ hạng A là phân khúc chủ đạo
Căn hộ hạng A tiếp tục là phân khúc chủ đạo tại TP HCM, chiếm đến 73,7% nguồn cung mới, phần lớn các dự án mở bán tập trung ở khu Đông.
Báo cáo nhận định sức cầu chung ở mức thấp ở cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp, tỷ lệ hấp thụ ở các dự án chỉ dao động phổ biến từ 25% - 60%. "Phần lớn do tâm lý e ngại vấn đề vay mua bất động sản, lãi suất tăng cao", DKRA Việt Nam nêu quan điểm.
Căn hộ hạng A tiếp tục là phân khúc chủ đạo tại TP HCM. Ảnh minh hoạ.
Giá bán sơ cấp bình quân tăng từ 5% - 8% so với giỏ hàng mở bán trong quý 2 năm nay. Cá biệt có một số dự án tái triển khai bán hàng tại khu Đông TP HCM ghi nhận mức tăng giá sơ cấp lên đến 12% - 16% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Hiện nay, nhiều bên tham gia thị trường bất động sản đang kỳ vọng thị trường sẽ sinh động hơn nhờ việc tăng trưởng room tín dụng. Trong một khảo sát của Batdongsan.com.vn, với hơn 500 thành viên thị trường bất động sản thì có hơn 34% cho rằng hạn mức tín dụng sẽ được nới lỏng vào cuối năm 2022, 40% tin điều này sẽ diễn ra vào đầu năm 2023.
Chuyên gia dự đoán Nhà nước sẽ chưa có động thái nới hạn mức tín dụng quá mạnh mẽ. Ảnh minh hoạ.
Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, dự đoán trong thời gian tới, Nhà nước sẽ chưa có động thái nới hạn mức tín dụng quá mạnh mẽ, vì sẽ ảnh hưởng đến việc kiểm soát lạm phát.
"Kinh tế nước ta trong năm nay vẫn tăng trưởng tốt, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kinh tế 7,2%. Vì vậy sức ép cấp thêm hạn mức tín dụng để kích thích tăng trưởng là không quá lớn. Nhà nước sẽ thiên về việc kiểm soát lạm phát thay vì đẩy mạnh tín dụng vào thị trường", ông Nguyễn Quốc Anh chia sẻ.