Chính phủ họp phiên chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2023.
Có chính sách ưu đãi để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 135/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2023.
Theo đó, đối với dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp , Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung dự án Luật, đồng thời giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Thành viên Chính phủ.
Trong đó, bổ sung Quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh tại dự thảo Luật; quy định Quy hoạch xây dựng và phát triển Công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh là quy hoạch ngành quốc gia.
Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong công tác lập quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về quy định nguồn vốn chuyên biệt cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, Chính phủ thống nhất chủ trương cần có nguồn tài chính đặc thù dành cho công nghiệp quốc phòng, an ninh được bảo đảm từ nguồn lực Nhà nước, kết hợp huy động các nguồn vốn hợp pháp khác do cấp có thẩm quyền quy định.
Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước quy định mang tính nguyên tắc trong dự thảo Luật, bảo đảm khả thi, đồng bộ với pháp luật liên quan. Trình tự, thủ tục xử lý các nguồn vốn cụ thể giao Chính phủ quy định.
Về quy định miễn thuế thu nhập cá nhân đối với chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư trong lĩnh vực đặc thù: Thống nhất cần có quy định ưu đãi phù hợp để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực này. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính thể hiện nội dung bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Hà Nội
Đối với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) , Chính phủ yêu cầu các quy định trong dự thảo Luật phải thể hiện rõ nguyên tắc, chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giữa cơ quan Trung ương và chính quyền của Hà Nội, giữa các cấp chính quyền của Hà Nội.
Nội dung phân cấp, phân quyền thể hiện trong mọi lĩnh vực quản lý nhà nước: tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, biên chế, quy hoạch, y tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, đầu tư, tài chính, xây dựng, nhà ở… Đồng thời, có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, các biểu hiện vi phạm pháp luật khác; bảo đảm sự quản lý nhà nước thống nhất về các vấn đề mang tính chuyên môn, chuyên ngành.
Với cơ chế, chính sách đặc thù được quy định trong dự thảo Luật, Chính phủ lưu ý phải vừa có tính tổng thể để Hà Nội có thể vận dụng theo yêu cầu phát triển chung, vừa có trọng tâm, trọng điểm để có chính sách đặc thù nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải.
Bên cạnh đó phải có chính sách, cơ chế thu hút các nguồn lực xã hội phục vụ đầu tư phát triển hạ tầng gắn với phát triển các dịch vụ; nghiên cứu, quy định để Hà Nội chủ động huy động vốn, kể cả vốn vay; cơ chế, chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, sử dụng nhân tài cho Thủ đô.